Tham dự lễ có đồng chí Bùi Công Vinh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; lãnh đạo Ban Quản lý di tích tỉnh; lãnh đạo thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910, trong một gia đình viên chức nhỏ tại thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An. Thừa hưởng những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình và truyền thống đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm của quê hương xứ Nghệ, ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Thị Minh Khai đã nặng lòng với nỗi thống khổ của những người dân lao động lầm than, đặc biệt là những người phụ nữ làm công nhân trong các nhà máy ở Vinh – Bến Thủy.
Từ năm 1926-1929, Nguyễn ThỊ Minh Khai đã tích cực tham gia các tổ chức yêu nước và cách mạng như: Tân Việt Cách mạng Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện đảng viên, chỉ đạo thành lập Hội Phụ nữ giải phóng và có những đóng góp quan trọng cho phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Năm 1935, đồng chí được cử vào đoàn đại biểu chính thức tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Matxcơva. Năm 1937, đồng chí về nước, hoạt động tại Xứ ủy Nam Kỳ và được Trung ương Đảng chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Sinh ra, lớn lên, hoạt động yêu nước ở quê hương Nghệ An, hoạt động cách mạng sôi nổi ở Trung Quốc, Liên Xô, trở thành nhà lãnh đạo ưu tú của Nam Bộ, của Sài Gòn – Chợ Lớn và oanh liệt ngã xuống trước làn đạn oan nghiệt của kẻ thù khi vừa tròn 31 tuổi xuân, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng, tôn vinh vào bậc “tiên liệt” cách mạng.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là tấm gương tiêu biểu về khát vọng được hiến dâng nhiệt huyết trái tim mình cho Đảng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên lợi ích riêng tư và hạnh phúc gia đình, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh. Vì Đảng, vì dân, vì tổ chức, Nguyễn Thị Minh Khai đã gạt nước mắt, chia xa con gái bé bỏng Hồng Minh vừa bén hơi sữa để hoạt động, lãnh đạo phong trào khi cần kíp; nén nỗi đau, chôn chặt tình yêu, sự nhớ nhung để đối phó với âm mưu thâm độc của kẻ thù khi chúng cố tình ép Lê Hồng Phong vào án tử hình.
Những ngày chết đi sống lại tại Khám Lớn Sài Gòn, Nguyễn Thị Minh Khai đã hiên ngang đối diện với cái chết và sự tàn bạo của kẻ thù, lấy máu mình viết lên phía sau cánh cửa xà lim những dòng thơ bất khuất: “Dù đánh, dù treo, càng kiên quyết/Dù kìm, dù kẹp chẳng sai lời/Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ/Triệt để thực hành chết mới thôi”.
Nhân kỷ niệm 114 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, các đại biểu xúc động ôn lại quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí, đồng thời, nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng./.