Nghệ An cần hành động quyết liệt hơn để bứt phá phát triển trong giai đoạn mới
Nghệ An là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hoá, lịch sử, mảnh đất nổi tiếng của các phong trào cách mạng trung dũng kiên cường, gắn liền với những trang sử vàng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nơi sinh ra những bậc hiền tài, những vị anh hùng dân tộc, các chiến sỹ kiên trung của Đảng và cách mạng có nhiều đóng góp to lớn cho non sông, đất nước.
Trong thời kỳ Đổi mới, kế thừa truyền thống tốt đẹp, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn và đặc biệt là vị trí địa chiến lược, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục rất nhiều khó khăn, không ngừng vươn lên về mọi mặt, đạt được nhiều thành tựu hết sức tự hào. Đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của tỉnh, Trung ương đã có những chủ trương lớn nhằm thúc đẩy Nghệ An phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với vai trò, vị thế của tỉnh trong giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Đặc biệt, ngày 30/07/2013, Bộ Chính trị khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020” với mục tiêu phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015 và đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Hôm nay, Ban kinh tế Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh uỷ Nghệ An phối hợp tổ chức hội thảo khoa học: Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, đề xuất những chủ trương, định hướng và giải pháp phát triển Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, đến năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước, xác định tầm nhìn phát triển đến năm 2045, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
… Nhìn lại gần 10 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước thay đổi nhanh, phức tạp, nhiều rủi ro, đột biến bất ngờ khó dự báo. Những tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 - 2009, bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước giai đoạn 2007 - 2012, sự cố môi trường biển miền Trung, hệ luỵ nghiêm trọng của 2 năm bùng phát đại dịch COVID-19 và gần đây, xung đột ở Ukraine nổ ra đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương, phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, không ngừng tìm kiếm và lựa chọn những cách làm mới, đúng đắn, chắc chắn và sáng tạo, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu phát triển khá toàn diện và quan trọng, có nhiều điểm sáng nổi bật. Cụ thể là:
1. Kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá nhanh, toàn diện. Năm 2021, quy mô GRDP gấp 2,13 lần năm 2013 (đứng thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đứng thứ 12 cả nước). Nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung của cả nước, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
2. Một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đã có những bước phát triển rõ rệt, từng bước định hình là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung Bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, với nhiều công trình quan trọng. Diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại; xây dựng nông thôn mới có nhiều cách làm hay và sáng tạo, là một trong những điểm sáng của cả nước. Công tác xoá đói, giảm nghèo đa chiều và bền vững, đạt được những kết quả tích cực. Phát triển văn hóa - xã hội đạt nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt
3. Quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, năng lực điều hành, quản lý của các cấp chính quyền được nâng lên; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tạo được sự đồng thuận, niềm tin vững chắc trong nhân dân.
Đó là những thành tựu rất đáng tự hào, là nền tảng vững chắc, mở nhiều cơ hội, tạo đà để tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào thực tế về những khó khăn, hạn chế, những bất cập, những điều chưa làm được trong quá trình phát triển của tỉnh nhiều năm qua. Mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015 và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được. Nghệ An vẫn chưa khẳng định được thật rõ nét vai trò là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, du lịch, văn hóa, thể thao, tài chính, công nghiệp công nghệ cao theo định hướng của Nghị quyết số 26-NQ/TW. Những kết quả mà Nghệ An đạt được trong nhiều lĩnh vực tuy rất đáng trân trọng nhưng chỉ mới là bước đầu, còn rất khiêm tốn, vẫn còn thấp so với nhiều tỉnh có cùng điểm xuất phát. Tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều điểm nghẽn, nút thắt, nhiều vấn đề, chưa có được những giải pháp hay, hữu hiệu để tháo gỡ trong quá trình phát triển.
Hội thảo hôm nay là dịp để chúng ta phân tích, đánh giá thật nghiêm túc, kỹ lưỡng, khách quan, chỉ ra những nguyên nhân căn cốt, cụ thể, không chỉ của những kết quả đã đạt được mà quan trọng hơn đó là với những điều chưa làm được, đúc rút những bài học kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, từ đó đề ra định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và các chiến lược đột phá phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Tôi muốn đặt câu hỏi, phải chăng “Nghệ An đi trước về sau” một câu nói đã trở thành sự thật, là thực tiễn đang diễn ra và chúng ta mặc nhiên chấp nhận điều đó? Một tỉnh “đi đầu, dậy trước” trong phong trào cách mạng, quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhưng từ khi Đổi mới đến nay vẫn luôn nằm trong top những tỉnh phải nhận điều chuyển cân đối ngân sách từ Trung ương và sau nhiều năm phấn đấu, GRDP bình quân đầu người mới chỉ đạt 2/3 mức trung bình của cả nước. Một tỉnh có nguồn lao động dồi dào, giáo dục được khẳng định vị trí top đầu cả nước với truyền thống hiếu học, có nhiều trường đại học, cao đẳng lớn, nhưng vẫn loay hoay với bài toán phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, chưa thật rõ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một tỉnh được hưởng những cơ chế đặc thù, có nguồn tài nguyên phong phú, có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng vẫn chưa thể thu hút được nhiều các nhà đầu tư chiến lược.
Nghệ An từ rất sớm có những mô hình nông nghiệp mới, nhưng đến nay vẫn chưa thể vươn lên trở thành một tỉnh mạnh về nông nghiệp và giàu lên từ nông nghiệp. Nhờ được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh sắc tươi đẹp, kì thú, "non xanh nước biếc như tranh họa đồ", Nghệ An từ rất sớm đã phát triển du lịch, nhưng đến nay vẫn chưa thể trở thành một tỉnh có thương hiệu mạnh về du lịch. Ai đó đã nói, biển Cửa Lò đẹp, đồi chè ở Thanh Chương rất kiều diễm, rừng Pù Mát hiếm hoi vô cùng, núi Kỳ Sơn kỳ vĩ,… nhưng người ta cứ miệt mài chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên ở tận đâu đó chứ ít ai tìm đến xứ Nghệ… Cảng Cửa Lò đã được xây dựng từ khá sớm, có lợi thế khá tốt so với các cảng trong vùng nhưng đã không thể cạnh tranh hiệu quả trong cơ chế mới, ngay khi sản lượng hàng hóa bốc dỡ qua các cảng biển khu vực miền Trung đã ngày càng tăng lên rất nhanh. Đó chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều điều nghịch lý phát triển mà chúng ta có thể nêu ra trong thực tế.
Phải chăng, đó là sự trăn trở lớn nhất của người xứ Nghệ, của mảnh đất nổi danh hiếu học, kiên cường và khí phách. Thuở xưa, người xứ Nghệ luôn tự hào “nghèo mà học giỏi”. Ngày nay, có lẽ chúng ta nên đặt lại vấn đề: Tại sao người xứ Nghệ thông minh, học giỏi, cần cù, chịu khó nhưng quê hương mãi vẫn chưa giàu? Cái gọi là “nghịch lý xứ Nghệ” chắc chắn không phải là một vấn đề hiển nhiên, nhưng bao giờ và bằng cách nào để Nghệ An thoát khỏi nghịch lý đó vẫn là câu hỏi và nỗi ám ảnh qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đối với tất cả chúng ta.
… Đã đến lúc Nghệ An phải nhìn nhận lại, đánh giá thật khách quan tiềm năng, thế mạnh và năng lực thật sự của tỉnh, để xây dựng và hình thành một động năng phát triển mới, thực chất và thực tế. Theo tôi, trên 4 phương diện như sau:
- Tư duy phát triển mới
Cần định vị thật đúng Nghệ An trong sự phát triển của vùng và quốc gia, nhận diện lại lợi thế và nhất là bất lợi thế của tỉnh trên quan điểm phát triển hiện đại, nhất là ở những khâu đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng trong bối cảnh đẩy mạnh liên kết vùng, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thông qua đó, phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế và quan trọng hơn là hóa giải những khó khăn, bất cập, điểm nghẽn trong sự phát triển của tỉnh. Nghệ An cần chọn cách tiếp cận phát triển mới, đương nhiên phải có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình dài hạn phù hợp với xu thế chung, bền vững, bao trùm nhưng luôn với tinh thần “đi đầu, dậy trước”, “đột phá phát triển”, “bứt phá, tăng tốc” trong tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.
Nghệ An cần xây dựng một tầm nhìn phát triển mới xa hơn, dài hạn hơn; tổ chức lại không gian phát triển và hoàn thiện quy hoạch phát triển mới; định hình rõ được mục tiêu, lộ trình và phương thức, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển qua từng dấu mốc 10 năm, 20 năm và 30 năm nữa, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đất nước tiếp tục có nhiều đổi thay. Phải xác định tầm nhìn đó theo hướng thúc đẩy nỗ lực phấn đấu chung, tạo động lực mới cho Nghệ An bứt phá phát triển trở thành động lực, đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa của vùng Bắc Trung Bộ, hoà cùng với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường và hạnh phúc.
Nghệ An cần có quyết tâm biến khát vọng về “Kỳ tích sông Lam” không phải chỉ là một khẩu hiệu tuyên truyền mà phải thật sự trở thành chương trình hành động phát triển, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách về thay đổi tư duy, thay đổi hiện trạng với tinh thần quyết liệt, kiên trì, bám sát và thực hiện bằng được mọi mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, dựa trên nền tảng phát huy cao độ sức mạnh Nhân dân, tinh thần đoàn kết, thống nhất, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích trước hết của tỉnh và của đất nước.
- Không gian phát triển mới
Tuy Nghệ An nằm xa các trung tâm và các cực tăng trưởng lớn, năng động của đất nước nhưng lại là điểm kết nối của tuyến phát triển Bắc - Nam, hành lang Đông - Tây, kết nối với Lào và Tiểu vùng sông Mê kông. Khu vực miền Tây Nghệ An tuy là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, rừng núi, sức hấp dẫn đầu tư còn hạn chế trong hiện tại, nhưng lại là dư địa cho những tính toán phát triển mới. Nghệ An cần những “cú hích” cho việc phát huy các lợi thế của mình để tạo ra không gian phát triển mới. Tất nhiên, điều này phải bắt đầu từ phát triển kết cấu hạ tầng để khắc phục các bất lợi thế về địa lý, trở thành trung tâm hoặc tăng tính kết nối với các trung tâm khác của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, tạo lập một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, các tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc Bắc - Nam và Đông - Tây, đường thủy, đường hàng không trong nước và quốc tế.
Dự thảo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và Dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra các định hướng về không gian phát triển trọng tâm, gồm: 2 vùng động lực tăng trưởng là thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam mở rộng; 4 hành lang kinh tế là hành lang kinh tế ven biển phía Đông, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Quốc lộ 7, hành lang kinh tế Quốc lộ 48A; 6 trung tâm đô thị là thành phố Vinh mở rộng, Thành phố Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), Thành phố Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), Thị xã Diễn Châu, Thị xã Đô Lương, Đô thị sinh thái Con Cuông. Bên cạnh thúc đẩy liên kết nội tỉnh là tăng cường liên kết vùng theo trục Nam Thanh - Bắc Nghệ, Nam Nghệ - Bắc Hà và kết nối với nước bạn Lào qua các tuyến cửa khẩu. Đây sẽ là những định hướng ưu tiên để mở ra một không gian phát triển mới, theo đó bố cục các lĩnh vực sản xuất theo các tổ hợp “ngành - vùng”, “hành lang - chuỗi”, “đô thị - công nghiệp - dịch vụ” liên thông, rất đặc trưng và sáng tạo của Nghệ An, phù hợp với điều kiện thực tế mới của tỉnh.
- Nguồn lực phát triển mới
Hội tụ các yếu tố như một “Việt Nam thu nhỏ” như nhiều người vẫn hay nói, Nghệ An có nhiều tiềm năng và nguồn lực tự nhiên to lớn để phát triển. Cũng như nhiều địa phương khác, Nghệ An vẫn đang phát triển dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là đất đai, nhưng đang tiến dần đến giới hạn. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải đặt lại câu hỏi: Giai đoạn tới có còn có thể tiếp tục dựa vào khai thác những nguồn lực này nữa hay không? Nhưng một điều chắc chắn rằng, để phát triển nhanh và bền vững, Nghệ An sẽ phải dựa vào việc khai thác có hiệu quả hơn các yếu tố về thể chế, con người và khoa học công nghệ. Cái quan trọng cuối cùng là năng suất tổng hợp nhân tố.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc có được các cơ chế “đặc thù” mới chỉ là nỗ lực ban đầu, cần thiết để các địa phương tạo đột phá trong thu hút, huy động và phân bổ các nguồn lực phù hợp và có hiệu quả hơn trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, về bản chất, việc cho phép các địa phương có được cơ chế “đặc thù” vẫn là sự xin - cho về cơ chế và nếu vẫn tiếp tục theo cách tiếp cận cũ thì hiệu quả rất hạn chế. Điều quan trọng là cần phải biến các cơ chế “đặc thù” thành các cơ chế “vượt trội”, trước hết là trong xây dựng môi trường thể chế và quản trị địa phương - tức là tạo ra sự khác biệt và lợi thế nhờ đạt tới một “đẳng cấp” trong phát triển cao hơn.
Là tỉnh có dân số đứng thứ tư, diện tích lớn nhất đất nước, Nghệ An có lợi thế về quy mô nhưng thật sự chưa phải là “đất lành chim đậu”. Cần khắc phục được tình trạng “tỉnh mở, sở thắt”, “trên trải thảm, dưới rải đinh” trong thu hút nguồn vốn đầu tư đã tồn tại dai dẳng bấy lâu nay, mặc dù chúng ta đã cải thiện được rất nhiều nhưng nhiều doanh nghiệp trao đổi vẫn còn rất khó khăn. Nếu lãnh đạo tỉnh có quyết tâm lớn đến mấy mà bộ máy bên dưới không chịu thay đổi, vẫn sách nhiễu, quan liêu, thiếu năng lực thì không thể hiện thực hóa được quyết tâm của lãnh đạo cấp trên. Chính quyền địa phương cần phải đồng hành với các doanh nghiệp, nhất là trong trao đổi về những phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng, tạo dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn thu hút đầu tư. Tư duy mới cần đi kèm với cách làm mới và đồng bộ để “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, với phương châm: “Trung ương mở đường, Địa phương thúc đẩy, Doanh nghiệp đồng hành, Người dân tham gia” để xây dựng một môi trường thật sự thuận lợi cho phát triển.
Trong thể chế, công nghệ và con người thì con người đóng vai trò quyết định nhất trong quá trình phát triển. Đối với Nghệ An, điều này lại càng quan trọng hơn. Nghệ An cần thực hiện nhất quán, thực chất và hiệu quả hơn chủ trương “Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài”. Biến xứ Nghệ, với truyền thống đất học, nơi sản sinh nhiều danh nhân văn hoá, những chiến sỹ cách mạng kiên trung, trở thành vùng đất của những doanh nhân nổi tiếng, các nhà đầu tư chiến lược, của tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Biến sức mạnh và tinh thần cần cù lao động, vượt khó, sáng tạo, bản lĩnh, trí tuệ, sự học và tri thức của người xứ Nghệ, những giá trị văn hoá và sức mạnh của con người xứ Nghệ trở thành khát vọng phát triển, ý chí làm giàu, xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
- Lĩnh vực phát triển mới
Thực tế hơn hai thập kỷ qua, GRDP bình quân đầu người của Nghệ An luôn chỉ ở mức 2/3 bình quân cả nước đã cho thấy một nguy cơ hiện hữu Nghệ An có thể rơi vào “bẫy tỉnh thu nhập trung bình”. Do vậy, tìm ra những lĩnh vực phát triển mới để giúp Nghệ An bứt phá vươn lên đã trở thành đòi hỏi thực tiễn cấp bách, khách quan trong giai đoạn mới.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An đã xác định 5 lĩnh vực trụ cột phát triển của tỉnh, bao gồm: (i) phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; (ii) phát triển thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao; (iii) phát triển du lịch dựa trên 3 trọng tâm: du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao biển; du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với cộng đồng; (iv) phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (v) phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong đó, công nghiệp là động lực đột phá, thương mại, dịch vụ hiện đại là mũi nhọn, nông nghiệp sạch là nền tảng.
Tuy nhiên, cần phải xác định rõ lợi thế khác biệt trong vùng và so với cả nước của mỗi lĩnh vực đó là gì? Phải chăng, đó là việc Nghệ An có điều kiện và quyết tâm để chuyển dịch từ các hoạt động sản xuất sử dụng nhiều vốn và tài nguyên sang các hoạt động sản xuất thông minh, dựa trên đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Tỉnh cần chú trọng thu hút những dự án lớn, mang tính chiến lược, có tác dụng lan toả, tạo cú hích giúp chuyển biến tình hình để mang lại đột phá phát triển trong những lĩnh vực trụ cột; khắc phục được tính dàn trải của nguồn lực, tính thiếu khả thi của nhiều đề án phát triển trong các nhiệm kỳ qua.
Trong trung và dài hạn, Nghệ An cần một chiến lược kết hợp hài hoà giữa đa dạng hóa và chuyên môn hóa trong các ngành sản xuất. Đa dạng hoá để kiến tạo quá trình tăng trưởng bao trùm, tạo việc làm và thu nhập cho tầng lớp lao động có kỹ năng thấp, thúc đẩy phát triển ở khu vực phía Tây còn đang rất khó khăn. Chuyên môn hoá để tập trung nguồn lực xây dựng thành phố Vinh mở rộng trở thành đô thị thông minh, trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, thương mại, du lịch, y tế, từng bước trở thành một trong những cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
… Để năng lực phát triển mới của Nghệ An được hình thành dựa trên một cấu trúc toàn diện, tại hội thảo này, tôi cũng đề nghị các quý vị đại biểu, các nhà khoa học thảo luận, kiến nghị nhiều giải pháp mới về đẩy mạnh công tác đối ngoại, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bởi đây là những điều kiện tiên quyết để Nghệ An bứt phá và đi lên; và trong hệ các giải pháp rất cần đề ra được những giải pháp mang tính đột phá về: kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để phát sinh "điểm nóng"; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân và củng cố vững chắc khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; nâng cao sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang tỉnh...
Đặc biệt, đây là nội dung hết sức quan trọng, cần quán triệt sâu sắc: sự lãnh đạo sát sao của Đảng bộ tỉnh và sự đoàn kết, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển Nghệ An, từ đó nhận thức rõ hơn yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng bộ Nghệ An; xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin trong nhân dân; lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng thông điệp về một Nghệ An đoàn kết, sáng tạo, mang quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để bứt phá phát triển trong giai đoạn mới…