Năm 2023 là năm tỉnh đã hoàn thiện cơ bản hệ thống khung khổ pháp lý và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình theo thẩm quyền, phân cấp; kịp thời có sự bổ sung, điều chỉnh các nội dung, hạng mục theo chỉ đạo, phân bổ kế hoạch vốn của Trung ương và để phù hợp với tình hình thực tiễn. Giai đoạn 2021 - 2025, ngoài hệ thống nội dung, tiêu chí, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới có 06 chương trình chuyên đề, gồm: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Chương trình phát triển du lịch nông thôn; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Nghệ An đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình chuyên đề, thuộc các tỉnh đi đầu trong triển khai, cụ thể hóa Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh cũng đã được ban hành.
Ngoài việc chỉ đạo, triển khai tổng thể chung, đồng thời với việc tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, các chính sách đặc thù đối với huyện Nam Đàn, trong năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án và trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách đặc thù cho huyện Yên Thành để tạo nguồn lực cho huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030. Các sở, ban, ngành căn cứ quy định của Trung ương kịp thời bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện, đánh giá mức độ hoàn thành các tiêu chí. Các huyện, thành, thị ban hành nghị quyết chuyên đề, kế hoạch và nhiều văn bản để triển khai thực hiện Chương trình.
Có thể thấy, phong trào thi đua "Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới" tiếp tục được sự hưởng ứng sôi nổi, tích cực của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là cộng đồng người dân. Mỗi thôn, bản, xã, huyện với những mục tiêu riêng của địa phương mình (đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu hay hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới toàn huyện) đều ra sức phấn đấu để về đích. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa đạt được kết quả rất đáng ghi nhận trong điều kiện tình hình chung về kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn: vốn doanh nghiệp 519.698 triệu đồng (chiếm 3,6%), vốn nhân dân đóng góp 572.255 triệu đồng (chiếm 3,96%).
Với những nỗ lực chung nêu trên, ước hết năm 2023, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới - đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 40,5 triệu đồng/người/năm, tăng khá cao so với những năm trước đây (năm 2015 là 18,249 triệu đồng/người/năm; năm 2020 là 32,013 triệu đồng/người/năm). Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 17 tiêu chí/xã. "Bổ dọc" theo các nội dung thành phần của Chương trình cũng thấy rõ những kết quả đạt được: hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh để nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch gắn với quá trình đô thị hóa; hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, các vùng miền, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa và phục vụ dân sinh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm, lũy kế hết năm 2023 có 485 sản phẩm được công nhận OCOP; giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đến nay, các xã đạt tiêu chí về giảm nghèo đa chiều đã đạt tỷ lệ 78,83%; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nông thôn thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân...
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình trong năm còn có những hạn chế, tồn tại: kết quả giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, nhất là nguồn vốn sự nghiệp đạt thấp (đến nay mới chỉ 31%); việc triển khai hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn còn chậm; xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế; tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn ở một số địa phương gia tăng; phương thức tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, còn thiếu sự liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao; một số địa phương mới chú trọng thực hiện các nội dung tiêu chí nông thôn mới do cấp xã đảm nhận, chưa thực sự quan tâm đầy đủ việc thực hiện các nội dung ở cấp thôn, bản và hộ gia đình.
Cùng với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là năm bản lề, tăng tốc, thậm chí cần phải có sự bứt phá để về đích. Các chỉ tiêu chủ yếu đã được đưa ra: có thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 326 xã, chiếm tỷ lệ 79,3%), 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 35 thôn bản nông thôn mới.
Qua công tác thẩm tra, các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Ủy ban nhân dân tỉnh đưa ra, trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm như: tổ chức sơ kết giai đoạn 2021 - 2025, đẩy mạnh công tác chỉ đạo các địa phương, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ, chủ động hơn trong việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn, huy động các nguồn lực để bố trí đủ vốn đối ứng theo quy định; giữ vững và nâng cao việc thực hiện các tiêu chí đã đạt được, đồng thời chú trọng các nội dung tiêu chí nông thôn mới ở cấp thôn, bản và hộ gia đình...Các đại biểu cũng lưu ý nhấn mạnh việc chỉ đạo, phối hợp để triển khai có hiệu quả 06 chương trình chuyên đề, đưa Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đi vào chiều sâu, trở thành hàng hóa có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái các địa phương./.