bna-ngoc-435.jpg
Đồng chí Tạ Quang Ngọc - nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản phát biểu tại Tọa đàm khoa học với chủ đề: "Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"

Tôi đã nhận được bản báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020. Sau khi nghiên cứu tài liệu, tôi xin có một số ý kiến cụ thể sau:

Trước hết, tôi cho rằng Bản báo cáo đã được chuẩn bị công phu. Bức tranh kinh tế, xã hội của Nghệ An sau gần 10 năm triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW đã được nêu rõ nét trên mọi phương diện từ thực tiễn phát triển, trong mối quan hệ với tình hình chung của đất nước, của các tỉnh bạn trong khu vực Bắc Trung Bộ. Tiềm năng và lợi thế của Nghệ An, cũng như những khó khăn thách thức đi kèm cũng đã được nêu đúng mực, khách quan trong bối cảnh và xu hướng phát triển mới. Các phụ đề và minh họa chi tiết về tình hình những năm qua được nêu tỉ mỉ, chi tiết. Mọi mặt được tổng kết một cách khoa học và logic với cách nhìn khách quan, vì sự phát triển những năm tới của tỉnh nhà. Quan điểm, mục tiêu, phương hướng được viết rõ ràng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu được nêu khá đầy đủ, gắn kết được với phần tổng kết những năm qua, đồng thời phù hợp với các nội dung văn kiện của Đảng về phương hướng, mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Căn cứ nội dung được Ban tổ chức gợi ý cho buổi tọa đàm, tôi xin đề cập vắn tắt mấy vấn đề dưới đây:

1.Tôi đồng tình với phần trình bày và đánh giá sự phát triển của Nghệ An trong gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW. Về cơ bản, sự đánh giá đó là xác đáng, sát thực tế và khách quan, biểu hiện sự nỗ lực và đổi mới trong lãnh đạo, quản lý và điều hành của Tỉnh Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan chức năng trong tỉnh. Những thành công của Nghệ An về phát triển và phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ cũng như những tiến bộ về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ cũng sẽ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển mọi mặt trong giai đoạn đến năm 2030 tiếp theo. Điều đó, cùng với những kết quả đáng kể về mở mang các khu công nghiệp, khu kinh tế, hệ thống giao thông, và ở chừng mực nhất định, định hình và nâng cấp hệ thống đô thị, với Vinh là điểm nhấn, sẽ có ý nghĩa quan trọng để từng bước định hình là trung tâm của Vùng, đồng thời là điều kiện cần thiết để có những giải pháp cho phát triển đều và bền vững các khu vực trong một tỉnh đông dân rộng lớn với những khó khăn về địa lý lâu nay. Các mô hình huyện, xã nông thôn mới vừa qua, cùng với bước đầu thực hiện chủ trương Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng tạo ra một tiềm năng phát triển khu vực nông thôn, miền núi.

Về phần này tôi có ba ý kiến đóng góp sau:

Trong đoạn viết về các hạn chế, yếu kém, có nêu (trang 49 của báo cáo) về việc thực hiện mục tiêu “cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được”, theo tôi, nhận định này còn chưa rõ khi sử dụng hai chữ “cơ bản”.

Báo cáo còn nêu sơ sài về lĩnh vực thủy sản, chưa có nhận định về thực trạng kinh tế biển nói chung theo Nghị quyết Trung ương số 36 NQ/TW khóa 12 về Phát triển bền vững kinh tế biển. Việc đóng và tổ chức hoạt động các tàu cá cỡ lớn gần đây cần có một sự đánh giá ngắn gọn, khách quan, đúng đắn.

Tuy đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 với đỉnh điểm trong một thời gian ngắn nhưng để lại những kinh nghiệm quý báu trong việc phòng chống dịch và khắc phục hậu quả, trong sự điều hành công việc và thực hiện các mục tiêu phát triển một khi an ninh y tế toàn xã hội dễ dàng là một môi nguy. Nội dung này cần có đánh giá nghiêm túc, làm bài học cho thời gian tới.

2. Về vị trí, vai trò, lợi thế khác biệt của Nghệ An trong khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước, khó khăn thách thức trong bối cảnh, xu hướng phát triển mới. Tôi thấy những nội dung cơ bản đã được nêu trong bản Báo cáo.

Tôi đồng tình và tin ở độ khả thi với các chỉ tiêu phát triển của Nghệ An được nêu ra (ở trang 59 của báo cáo). Điều đó cũng biểu hiện quyết tâm rất cao của lãnh đạo và Nhân dân Nghệ An cho một thời kỳ phát triển mới. Tuy nhiên với thành quả thực hiện được các chỉ tiêu đó vào năm 2030 như đã nêu ra, cần phân tích thêm về mức độ chắc chắn thực hiện mục tiêu phát triển: liệu Nghệ An có thể thưc sự trở thành Trung tâm thương mại, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao của khu vực Bắc Trung Bộ, và thực sự trở thành động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ vào năm 2045 (trang 58 của Báo cáo). Đằng sau các con số tăng trưởng được viết ra là những tiến bộ khoa học, các thành tựu của các giải pháp công nghệ hiện đại, áp dụng chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn tăng trưởng xanh… chứa đựng tiềm năng phát triển mới phi vật chất. Cần có sự diễn giải thêm để kết nối quan hệ nhóm các chỉ tiêu này với các mục tiêu phát triển.

  1. Một số vấn đề cần quan tâm khác:

- Tính cần thiết liên kết kinh tế hàng hóa để chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của đất nước và của mỗi địa phương đang đặt tầm quan trọng vào việc xây dựng và vận hành hệ thống logistiques. Báo cáo đã có nêu (tại trang 63) nhưng chưa đậm nét công cụ phát triển này, mà mới gắn với các vấn đề hạ tầng nội tỉnh. Tôi đề nghị cần xem lại cách trình bày và nêu nội hàm của hệ thống này theo hướng mở.

- Doanh nghiệp vừa và nhỏ SMEs (bao gồm cả các hợp tác xã) có một ý nghĩa quan trọng trong sự hình thành và phát triển nông thôn mới, một sự thành công của Nghệ An những năm qua, và cũng thích ứng đại trà trong lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Phát triển và xây dựng hệ thống hậu cần lành mạnh, thích ứng cho hệ thống loại hình doanh nghiệp này không kém phần quan trọng so với sự có mặt và hoạt động của các tập đoàn công ty lớn ở các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung. Một hình thức kết nối hệ thống SMEs với các đơn vị kinh tế quy mô lớn, tập trung sẽ tạo và duy trì hiệu ứng lan truyền lớn và bền vững về kinh tế xã hội trong tỉnh và các địa bàn lần cận, các nơi mà chuỗi giá trị đi qua. Tôi đề nghị điểm này cần có được sự lưu tâm đúng mực hơn, được nêu rõ trong bản Báo cáo. Cần lưu ý thêm: Phong trào mỗi xã một sản phẩm - OCOP hiện tại có quan hệ hữu cơ với hệ thống SMEs để chân rết của nó đến mọi làng xã.

bna-img-3824-897.jpg
Toàn cảnh Tọa đàm khoa học: “Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"

- Nghệ An là tỉnh giáp biển, có chiều dài bờ biển là 82 km. Như vậy, cứ khoảng 200 km2 diện tích thì Nghệ An có 1km bờ biển, Trong khi đó, trên cả nước ứng với mỗi kilomet độ dài bờ biển là diện tích 100 km2 vùng đất bên trong. Độ dài tương đối đường bờ biển chỉ bằng một nửa con số đó cả nước, nhưng biển và bờ biển ở Nghệ An có vai trò quan trọng trong kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng. Phát triển kinh tế biển (trang 66 của Báo cáo) chỉ mới nêu ở tầm quan điểm chung, chưa cụ thể hóa cho tỉnh nhà. 5 ngành kinh tế biển nêu ra tách biệt, rời rạc, chưa có sự gắn kết hữu cơ của một tổng thể kinh tế biển phát triển bền vững với một quy hoạch không gian biển cần thiết. Chưa có quy định cụ thể về tăng trưởng xanh và bảo tồn đa dạng sinh học khi đô thị hóa và phát triển các khu công nghiệp đang là những hướng phát triển mạnh thời gian tới. Trong việc trình bày, giữa phần nêu về nông lâm thủy sản ở trên với mục phát triển kinh tế biển ở đây không có sự kết nối. Với thủy sản, xuất phát từ yêu cầu tăng trưởng xanh (lam) - Blue Growth- phải cơ cấu lại ngành và cơ cấu lại mô hình tăng trưởng của nó.

Đến năm 2030, chúng ta còn thời gian 8 năm, đó là quãng thời gian không nhiều, trong khi còn rất nhiều việc lớn phải làm để hoạch định chủ trương, xây dựng kịch bản phát triển, những chính sách và những vấn đề thể chế (kể cả đặc thù, ưu tiên)… còn lại chỉ đủ một kế hoạch 5 năm nữa là đến năm 2030. Cùng với tính hiện thực và khả thi của kịch bản phát triển, chúng ta phải cố gắng nhiều mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Tạ Quang Ngọc

Nguyên Uỷ viên BCH TW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản