Tổng kết thực tiễn khoa học để hoạch định chính sách quan trọng
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII từ ngày 2 - 8.10.2023 đã đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 - 2026; tiến hành Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là hoạt động tổng kết thực tiễn mang tính khoa học, phục vụ cho việc hoạch định các chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn thời kỳ mới.
Dư luận nhân dân và toàn Đảng quan tâm theo dõi diễn biến Hội nghị Trung ương 8 trong không khí lạc quan, phấn khởi trước những kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; về những hoạt động đối ngoại quan trọng, sôi động, nâng tầm vị thế Việt Nam, được dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm. Với tinh thần phát huy trí tuệ, nêu cao trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, Hội nghị TW 8 đã quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Đảng; đồng hành và giám sát hiệu quả của Quốc hội; chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, các địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. GDP tăng 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,16%. Nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 3,38% so với cùng kỳ, tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển khá sôi động và tăng 6,32%.
Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm nay tăng gần 5% với khoảng 110.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, góp phần đưa 659km đường bộ cao tốc vào sử dụng và đang tiếp tục hoàn thành, khởi công nhiều dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng cho đất nước...
Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP của cả nước đạt khoảng trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 700 tỷ đô la Mỹ (USD), trong đó, xuất siêu khoảng 15 tỷ đô la Mỹ. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8% so với cùng kỳ. Việt Nam là quốc gia đi đầu và đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng trong việc giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ.
Tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, phải tập trung ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững; an sinh xã hội phải được chú trọng hơn nữa và bảo đảm sự linh hoạt, thích ứng với các tình huống xấu xảy ra trên diện rộng (như dịch Covid-19), bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Để thực hiện các mục tiêu trên, trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về xây dựng đội ngũ trí thức, Tổng Bí thư nêu rõ, trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức luôn luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì vậy, phải tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia theo hướng tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành chính là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực căn bản để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của trí thức, thực sự xứng tầm là nguyên khí quốc gia.
Cùng với đó, trong bối cảnh tình hình mới của thế giới và khu vực, cần tập trung ưu tiên thực hiện thắng lợi đồng bộ các nhiệm vụ chính trị: phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; kiên quyết, kiên trì, chủ động tạo lập thời cơ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Về công tác cán bộ, quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2026 - 2031, với nhiều bài học thực tiễn xây dựng Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là công tác con người, hết sức quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi chúng ta phải rất công tâm, khách quan, trong sáng. Đặc biệt, phải có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hóa cuốc", đừng "thấy đỏ tưởng là chín", có khi "xanh vỏ mà đỏ lòng đấy".
Thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 8 để lại trong lòng nhân dân và toàn Đảng niềm tin và mong chờ những quyết sách mới của Đảng được thể chế hóa đi vào cuộc sống, đưa đất nước tiếp tục tiến lên phía trước, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.