Không lặp lại những hạn chế trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Thảo luận tại Tổ 3 về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là, phải làm rõ trọng tâm, trọng điểm, rà soát mục tiêu, đối tượng cho phù hợp.
Từ thực tiễn giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa không nên lặp lại những khuyết điểm mà 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã rút kinh nghiệm, đặc biệt là thủ tục hành chính, tránh trường hợp mỗi bộ, mỗi ngành làm một cách khác nhau.
“Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa tránh tình trạng dàn trải, chung chung, trùng lặp và nên tập trung vào 3 vấn đề: bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, thiết chế văn hóa và công nghiệp văn hóa và lựa chọn những dự án trọng điểm nhất, phải tạo được bước đột phá về phát triển văn hóa", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo đó, cần làm rõ, "trong công nghiệp văn hóa thì công trình trọng điểm là gì; trong xây dựng thể chế thì trọng điểm là gì; bảo tồn phát huy thì trọng điểm là gì. Đáng lưu ý, phải giải quyết bài toán quy hoạch, quy hoạch xong không phải làm ngay mà có tiền tới đâu làm tới đó, sự phát triển của đất nước tới đâu thì làm tới đó”.
Cho rằng nhiều nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa còn chung chung, khó đánh giá, có sự trùng lặp giữa chương trình này với dự án, chương trình khác, ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) dẫn chứng, cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Do vậy, đại biểu đề nghị, nên tích hợp, tập trung vào 3 nội dung, mục tiêu chính của chương trình về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa.
Vốn đối ứng ngân sách địa phương cao, khó thực hiện
ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) lưu ý, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa có đối tượng, phạm vi rất rộng, rất nhiều nội dung khó, do đó cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác thực trạng để có cơ sở xác định mục tiêu và nhiệm vụ đề ra.
Liên quan đến nguồn lực đầu tư cho Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn căn cứ xác định tỷ lệ vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Hiện nay, vốn đối ứng của ngân sách địa phương rất cao, 24,6%, rất khó thực hiện, nhất là những tỉnh còn nhiều khó khăn về nguồn thu ngân sách.
Đại biểu chỉ rõ, hiện nay trong Báo cáo của Chính phủ có nêu, một số nơi thiết chế văn hóa cấp tỉnh chưa có trụ sở hoạt động đúng chức năng; tình trạng thiếu thiết chế văn hóa hoạt động còn phổ biến ở nhiều vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới và hải đảo, vùng sâu, vùng xa; các thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn chỉnh hoặc quá lâu không đúng quy định, quy mô kiến trúc hoặc xuống cấp trầm trọng…
"Như vậy, có rất nhiều yếu tố liên quan đến thiết chế đòi hỏi nhiều nguồn lực đầu tư, nếu như quy định cho địa phương đối ứng nguồn vốn lớn như vậy thì sẽ khó thực hiện. Hơn nữa đầu tư cũng “không ra tấm, ra món”, do vậy cần hết sức cân nhắc kỹ nội dung này", đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị.