- Biên tập các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà rút ra bài học gì?

Năm 2004, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, còn tôi mới là biên tập viên trẻ song đã được phân công biên tập sách của ông.

Suốt 20 năm qua, tôi đã biên tập hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mỗi cuốn đều có yêu cầu và đặc thù riêng, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm và cố gắng học hỏi, nhớ những lời căn dặn của Tổng Bí thư để những cuốn sau cố gắng làm tốt hơn, trọn vẹn hơn.

Tổng Bí thư luôn dặn chúng tôi: “Sách là văn bia để đời nên mọi thông tin phải chuẩn xác, vì sách đã in ra rồi mà còn có sai sót thì khó sửa lắm”; “mỗi cuốn sách phải bảo đảm tính khoa học, tính chính trị; bố cục phải chặt chẽ, rút tít cần ngắn gọn nhưng lại phải chứa đựng được nội dung cần chuyển tải…”.

Tôi học được ở Tổng Bí thư tư duy làm sách, cách thức sửa bài, đặt tiêu đề, sự chỉn chu trong công việc, nhạy cảm chính trị khi làm sách và viết báo… Vì thế, sau khi biên xong một cuốn sách, tôi hay nói vui với đồng nghiệp là “bớt ngu đi một tí”.

Tổng Bí thư cũng dặn chúng tôi, in sách phải tính toán để số lượng in vừa phải, đủ dùng, tránh gây lãng phí ngân sách.

9346cd79e27947271e68-1276.jpg?width=0&s=DUZAs0beCaqFhZuBnfp2QQ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bà Phạm Thị Thinh trong một buổi trao đổi về nội dung bản thảo, tháng 3/2023. Ảnh: NXB Chính trị quốc gia Sự thật.

Cuốn sách gần đây nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tôi biên tập là Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các bài viết được chọn lọc in trong cuốn sách đều mang dấu ấn và thể hiện quan điểm, tư tưởng, sự chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư trong các hoạt động, hội nghị, những buổi làm việc với cơ quan, đơn vị trong ngành văn hóa; các buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức trên mọi miền Tổ quốc.

Nhiều tư liệu, hình ảnh quý nói lên tính cách và con người của Tổng Bí thư như: Trong các chuyến đi thăm, làm việc với cơ sở, bao giờ ông cũng dành thời gian gặp gỡ nhân dân, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo; hay trong các chuyến công tác nước ngoài, ông đều dành thời gian gặp gỡ bà con ta ở nước ngoài và nhân dân nước sở tại rất thân tình. Trong nhiều cuốn sách xuất bản gần đây đã in rất nhiều bức ảnh Tổng Bí thư gặp gỡ nhân dân ở trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế.

Có những hình ảnh lần đầu tiên được công bố trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như bức ảnh ngày 27 Tết năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng; ảnh đọc sách báo hằng ngày của Tổng Bí thư trong bệnh viện…

Từ những bức ảnh cũng đủ để nói lên rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người vô cùng bình dị, nhân cách, đạo đức sáng ngời.

- Điều đáng nhớ nhất với bà khi biên tập sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Khi biên tập cuốn Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong bài Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - bài phát biểu rất nổi tiếng của Tổng Bí thư chỉ đạo toàn diện những vấn đề về văn hóa Việt Nam, các báo, tạp chí đã đăng từ tháng 11/2021, trong đó có câu: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Câu nói này báo chí đã nhắc nhiều và đều cho rằng đó là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng bấy lâu nay, chúng tôi tìm trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không có câu nói này. Có người nói, câu nói đó của Tổng Bí thư Trường Chinh nhưng cũng không có nguồn dẫn.

Khi in trong sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà lại là Tổng Bí thư nói thì tôi phải tìm bằng được nguồn gốc câu nói đó. Qua nhiều tài liệu, cuối cùng đọc báo Cứu quốc thì tôi tìm ra nguyên văn lời Bác Hồ là: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Tôi đã mạnh dạn thêm chữ "phải" vào câu này. Khi trình bản thảo, Tổng Bí thư bất ngờ với việc sửa đó của tôi và đề nghị giải thích vì sao lại thêm như vậy, bởi thêm chữ “phải” sẽ làm thay đổi ý nghĩa, nội dung của câu nói đó. Thông qua Thư ký Tổng Bí thư, tôi báo cáo quá trình tìm tòi để thêm chữ "phải" vào câu nói đó. Sau đó, ông đã đồng ý sửa và nói: “Làm xuất bản là phải kỹ càng và chuẩn chỉ như thế”.

Từ đó đến nay, trong tất cả các sách của Nhà xuất bản chúng tôi đều đã sửa câu này. Mỗi lời căn dặn của Tổng Bí thư, với tôi thật thấm thía để cố gắng làm tốt hơn công việc của mình.

- Tổng Bí thư lưu ý những quan điểm, ý kiến chỉ đạo trọng tâm nào đối với ngành văn hóa trong cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, thưa bà?

Trong cuốn sách này, Tổng Bí thư có nêu nhiều quan điểm, ý kiến chỉ đạo đối với ngành văn hóa, có thể khái quát những ý chính sau:

Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước từ năm 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Hai là, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước.

Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa

Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.

Sáu là, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.