Cơ quan quản lý, người chứng kiến, người nghe thường yên tâm, theo dõi, chờ đợi việc thực hiện những lời hứa đó. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thực hiện đúng lời hứa thì người dân tin yêu, nể trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào mà hứa cho qua chuyện, hứa cho “hạ nhiệt”, “đánh trống bỏ dùi”,... thì dân buồn, nếu lặp lại càng nhiều lần thì dân không tin. Đó là điều rất dễ hiểu!

bac-ho-bo-phieu-bau-cu.jpg
Ngày 27/4/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội
tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử số 1, tiểu khu 1, Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: tư liệu)

Mỗi kỳ các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vận động bầu cử, các ứng cử viên đều công bố chương trình hành động của mình. Ai cũng có lời hứa: Nếu trúng cử, cam kết sẽ thực hiện những nội dung rất cụ thể. Người có tinh thần trách nhiệm, có lòng tự trọng cao sẽ “nhớ nằm lòng” lời hứa của mình, quyết tâm thực hiện một cách tốt nhất những nội dung ấy. Bác Hồ đã từng nói: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ăn trên ngồi trốc mà làm người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”.

Bác Hồ là tấm gương mẫu mực về giữ lời hứa. Khi còn ở Cao Bằng, trước một chuyến đi công tác, có một em bé thường ngày hay quấn quýt bên Bác, hồn nhiên đến thưa: “Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu cái vòng bạc nhé”. Bác dặn: “Cháu ở nhà phải thật ngoan, hôm về Bác sẽ mua cho cháu chiếc vòng bạc”. Sau hơn hai năm, Bác về, không ai còn nhớ đến câu chuyện ấy nữa. Bác mở túi hành lý, lấy chiếc vòng bạc mới tinh trao cho em. Ai cũng cảm động.

Bác kêu gọi mọi người nhịn ăn để cứu đói cho đồng bào, kêu gọi mọi người tập thể dục để rèn luyện sức khỏe thì dù bữa ăn đó phải tiếp khách, Bác sẽ nhịn ăn vào bữa sau đó; dù tuổi cao, Bác vẫn đi bộ, tập thái cực quyền, đánh bóng chuyền, bơi lội, leo núi… Bác kêu gọi mọi người tiết kiệm thì tự Bác triệt để thực hành tiết kiệm trong ăn mặc, sinh hoạt, kể cả sử dụng lại từng mẩu bút chì, từng trang giấy nhỏ,…

Tiếc là, trong thực tế còn có những cán bộ thực hiện chưa nghiêm túc lời hứa của mình. Qua nhiều cuộc chất vấn tại nghị trường Quốc hội, HĐND các cấp về những vấn đề còn vướng mắc trong đời sống xã hội, đã có kết luận, có lời hứa “cầu thị, nghiêm túc tiếp thu”, “sẽ chỉ đạo kiên quyết, dứt điểm”,... nhưng những vướng mắc, tồn tại vẫn kéo dài; còn có nhiều vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc, những ý kiến phản ánh, đơn, thư khiếu nại từ kỳ này qua kỳ khác, năm này qua năm khác nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Các cơ quan quản lý nên quan tâm việc thống kê, theo dõi, đánh giá những cam kết của các tổ chức, cá nhân – có thể gọi là những vụ việc vướng mắc, tồn đọng để xử lý cho dứt điểm, không để dây dưa.

1-iem-bau-cu-xa-kim-lien-huyen-nam-an.jpg
Cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đưa ra lời hứa thì dễ, thực hiện lời hứa mới khó – nhưng đó mới là cái các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân cần. Trong thực tế, không phải lời hứa nào cũng có thể “cưa đứt, đục suốt”, gãy gọn, dứt điểm. Để thực hiện lời hứa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, bộ phận. Vì vậy, trước khi đưa ra lời hứa cần cân nhắc kỹ lưỡng, cốt sao cho việc thực hiện đạt chất lượng càng cao càng tốt.

Tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ với những nguyện vọng, bức xúc của cấp dưới, của doanh nghiệp, người dân, tìm mọi phương án tốt nhất để thực hiện lời hứa với cái tâm trong sáng thì luôn luôn được Nhân dân tôn trọng, yêu quý.

Thực hiện lời hứa cũng chính là “nói đi đôi với làm”, giữa lời nói và hành động nhất quán với nhau, nói sao làm vậy, nói hay thì làm phải hay, thậm chí nói ít làm nhiều chứ không phải “miệng đọc ca, tay đan lỗi, nói một đàng làm một nẻo”,…

Bác Hồ từng nêu rõ: “Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn”. Giữ lời hứa, suy cho cùng là một biểu hiện đạo đức cá nhân, đạo đức làm người. Khi cán bộ, đảng viên đã đưa ra lời hứa với Nhân dân thì điều đó trở thành đạo đức của người cán bộ, người đảng viên, là biểu hiện đạo đức của Đảng.

Có cứng mới đứng đầu sóng gió. Đã là cán bộ, đảng viên, nhất là làm lãnh đạo thì phải chấp nhận vất vả, hy sinh mới đúng nghĩa là công bộc của dân. Thực hiện lời hứa của mình không chỉ giải quyết được công việc, giữ được chữ tín mà còn tạo được hình ảnh đẹp của Đảng, Nhà nước, hình ảnh của tổ chức, cá nhân trước Nhân dân.