Đưa sản vật địa phương thành sản phẩm OCOP

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra thì xã Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên) phấn đấu đạt xã NTM nâng cao vào năm 2022. Tuy nhiên, một trong những yếu tố “cần và đủ” là xây dựng sản phẩm OCOP thì địa phương chưa hoàn thành nên đành “lỡ hẹn”. “Ban đầu xã lựa chọn xây dựng gạo ngon thành sản phẩm OCOP song không thực hiện được. Sau khi rà soát, cân nhắc kỹ thì đến tháng 10/2022, xã đã giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ xã tìm hiểu, nghiên cứu và phát triển chả dam - món ăn truyền thống của địa phương, thành sản phẩm OCOP”, chị Trần Thị Hậu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hưng Đạo cho biết.

bna_cha.jpg
Xã Hưng Đạo xây dựng chả dam thành sản phẩm OCOP

Chả dam – Món ăn một thời “cứu đói” của người dân làng Tân Nhượng. Theo bà Phan Thị Soa, người dân làng Tân Nhượng cho biết: “Chả dam là món ăn thời nghèo đói của dân làng. Dam (cua đồng) ngoài ruộng nhiều, bắt về ăn không hết cũng không biết cách nào bảo quản được lâu nên nghĩ ra cách làm chả dam, nướng lên ăn thay cơm, ăn không hết thì kho mặn để dành thực phẩm cho ngày hôm sau”. Bẵng đi cả mấy thập niên, món chả dam chỉ còn trong ký ức của những người cao tuổi trong làng, chẳng mấy ai còn biết đến món ăn này. Sau khi được xã giao nhiệm vụ xây dựng món chả dam thành sản phẩm đặc trưng, một tổ làm chả dam được thành lập do Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ làm tổ trưởng.

“Là món ăn thời nghèo khó của ông bà nên lớp trẻ như chúng tôi không biết rành rẽ công thức chế biến. Sau khi gặp các bậc cao niên trong làng, ghi lại công thức, làm thử nghiệm nhiều lần mới ra được sản phẩm ưng ý. Ngày xưa, do nghèo khó nên các cụ dùng bột khoai, bột sắn để làm chả nên miếng chả có vị chua, bở, không ngon miệng. Để có sản phẩm phù hợp khẩu vị với người tiêu dùng hiện nay, ngoài nước dam là cốt yếu, chúng tôi thay bằng bột gạo, thêm vào lòng đỏ trứng, thịt nạc vai xay, gia vị có hành tăm, nghệ củ, lá gừng, lá nghệ, vỏ quýt hôi. Thành phẩm được đóng gói trong túi bóng kèm lá chuối, hút chân không có nhãn mác đầy đủ”, bà Cao Thị Nhung, một thành viên trong tổ làm chả dam chia sẻ.

Với mục tiêu về đích xã NTM nâng cao vào năm 2023, xã Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu) cũng gặp không ít khó khăn khi lựa chọn nông sản đặc trưng của địa phương để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Ông Đặng Ngọc Hòa - Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Thạch cho biết: “Nông sản ở địa phương khá đa dạng: Rau sạch, gạo sạch, lợn, thỏ, ổi, bánh lá… Song, để lựa chọn một sản phẩm đặc trưng, riêng có để xây dựng thành thương hiệu, thành sản phẩm OCOP thì không phải dễ. Sau khi bàn bạc kỹ, chúng tôi quyết định lấy ổi làng Tràm để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Đây là giống ổi bản địa, gắn với tích chuyện lịch sử của một dòng họ truyền thống của địa phương”.

oi-lang-tram.jpg
Ổi làng Tràm – đặc sản Quỳnh Thạch đang được xây dựng thành sản phẩm OCOP

Ổi làng Tràm quả tròn, nhỏ, hạt nhiều nhưng cùi dày, ngọt và có vị thơm đặc trưng. Nguyên nhân tạo nên hương vị đặc trưng của ổi làng Tràm là do chất đất, thổ nhưỡng, khí hậu, mạch nước ở làng Tràm tạo nên. Chính đặc trưng này nên chính quyền xã Quỳnh Thạch quyết định lựa chọn ổi làng Tràm để xây dựng sản phẩm OCOP. Hiện tại, Hội Nông dân xã đã thành lập tổ hợp tác trồng ổi Lam Cầu nhằm tạo mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổi, định hướng sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, dùng các chế phẩm thảo dược để phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, hoàn thiện tem truy xuất nguồn gốc nhằm số hóa sản phẩm ổi quả khi xuất bán ra thị trường.

Cần tạo cầu nối ra thị trường

Theo dự kiến, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 349 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Hầu hết, các sản phẩm OCOP đều được phát triển từ các sản vật của địa phương. Đó là bò giàng Tương Dương, rượu cần Tiên Đồng (xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ), cam bù sen (huyện Anh Sơn), nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn… Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là điểm nhấn nổi bật gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được sức bật quan trọng cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của các địa phương tiến lên sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, có không ít sản phẩm OCOP “gặp khó” về đầu ra. Bà Loan, tổ trưởng tổ hợp tác rượu cần Tiên Đồng (xã Tiên Kỳ, Tân Kỳ) cho biết: “Khó khăn nhất vẫn là đầu ra. Dù mẫu mã cải tiến, đầy đủ giấy tờ, nhãn mác, được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP nhưng rượu cần Tiên Đồng vẫn chật vật tìm nơi tiêu thụ. Hiện tại, chị em trong tổ đang sản xuất cầm chừng, tiêu thụ nhờ các mối quen biết. Do đó, chúng tôi rất mong chính quyền các cấp, các ngành đẩy mạnh quảng bá, kết nối tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, để chúng tôi ổn định sản xuất, tăng thu nhập và yên tâm gắn bó, bảo tồn một nghề truyền thống của cha ông”.

Là đặc sản của Tương Dương, được công nhận 3 sao OCOP năm 2020 song bò giàng vẫn chỉ mới được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết, đầu ra chủ yếu là các mối khách quen truyền thống. Hiện tại, bò giàng Tương Dương vẫn chưa mở rộng thị trường. “Sản phẩm của chúng tôi đảm bảo được về chất lượng; có thể sản xuất quanh năm và đáp ứng nhu cầu về số lượng của khách hàng. Tuy nhiên, do chưa có đầu ra ổn định nên hiện tại, chúng tôi chỉ có thể sản xuất vào 2 tháng cuối năm”, bà Lê Thị Thảo, chủ cơ sở sản xuất bò giàng Thảo Hảo, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) chia sẻ.

ruou-can-tien-dong.jpg
Rượu cần Tiên Đồng vẫn đang gặp khó về đầu ra

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do một số sản phẩm OCOP sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, số lượng sản phẩm chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ trực tiếp, rất ít dấu ấn của công nghiệp chế biến và công nghệ cao. Ở khía cạnh khác, hầu hết các sản phẩm OCOP “sinh ra từ làng”, người dân chưa hiểu nhiều về cách thức quảng bá hay “maketing”. Do đó, muốn mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo nhận diện sản phẩm từ logo, slogan, bao bì, nhãn mác, kiểu dáng và chất lượng... thì việc liên kết, kết nối thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP theo hướng chuyên nghiệp là cần thiết, từ đó tạo hiệu ứng tiếp thị, sức lan tỏa thương hiệu tốt hơn trên quy mô rộng.

Đồng thời, các ngành chức năng cần đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh đi vào các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động quảng bá để đông đảo người dân biết đến sản phẩm OCOP của tỉnh. Các chủ thể cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đồng thời năng động xoay xở, kết nối tìm kiếm mối tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP.