Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong công cuộc xây dựng, hội nhập và phát triển, nhiều năm liền, tỉnh Lào Cai đã có chương trình, giải pháp nỗ lực đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững.
Quá trình nêu trên là một trong những yếu tố quan trọng, tạo hiệu quả trong thực hiện đường lối của Đảng về chấn hưng, phát triển văn hóa vào thực tiễn tại Lào Cai.Là tỉnh biên giới, ở vị trí địa đầu biên giới phía bắc của Tổ quốc, Lào Cai vốn là tỉnh nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 66% số dân. Cùng với truyền thống văn hóa lâu đời, giàu bản sắc, ở nhiều địa phương dân trí, trình độ canh tác còn hạn chế, có nhiều hủ tục, tệ nạn xã hội, tạo lực cản trong quá trình phát triển.
Từ thực tế đó, nhiều địa phương đã có hướng đi tốt, kinh nghiệm hay, trong bảo tồn và phát huy các di sản, truyền thống văn hóa các dân tộc trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cấp ủy, chính quyền do chưa nhận thức đúng tầm, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, bất cập, nhân tố văn hóa chưa thật sự là sức mạnh nội sinh, nền tảng, nguồn lực trong phát triển.
Môi trường và cộng đồng văn hóa
Được biết, trong nhiều năm liền tỉnh Lào Cai đã kiên trì, dồn sức cho mục tiêu “Phát triển con người Lào Cai toàn diện, giàu bản sắc văn hóa từng dân tộc; nâng cao trí tuệ, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật” nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.
Phát huy truyền thống bản sắc văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, toàn diện là cơ sở để hình thành con người mới. Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, Đặng Xuân Phong trao đổi, Tỉnh ủy, UBND đã chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương chính sách đồng bộ trên các lĩnh vực: giáo dục-đào tạo; khoa học-công nghệ; y tế; dân số-gia đình; văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao; giảm nghèo bền vững; phòng, chống các tệ nạn xã hội...
Trường THCS Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương tổ chức sinh hoạt nhiều hình thức ngoại khóa với chủ đề “Gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc Mông”, thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Cùng các buổi học múa, học hát, học sinh còn được tìm hiểu và học đánh đàn nhị-nhạc cụ truyền thống của người Mông.
Hiệu trưởng Trường THCS Tả Ngài Chồ, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, chính những nghệ nhân và các bậc cha mẹ học sinh của trường là người nhiệt huyết truyền dạy, đồng hành để giáo dục tình yêu di sản văn hóa cho các em. Bí thư Huyện ủy Mường Khương, Giàng Quốc Hưng trao đổi, xây dựng mô hình trường học văn hóa gắn với bản sắc dân tộc, đã và đang được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai đưa vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa với nhiều nội dung phong phú như:
Học thêu thổ cẩm, sưu tầm trưng bày văn hóa, truyền dạy múa dân gian... Quá trình triển khai Nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đã ban hành 6/19 đề án trọng tâm, bố trí nguồn lực thực hiện về lĩnh vực văn hóa và các lĩnh vực khác có liên quan đến xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Nổi bật là : Đề án phát triển du lịch tỉnh Lào Cai; Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển văn hóa, thể thao; Tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động… Trong đó có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa các dân tộc tạo thành nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Từ yêu cầu kiến tạo môi trường, nếp sống văn hóa văn minh, hiện đại, giàu bản sắc trước hết từ đội ngũ “công bộc”, tỉnh có chương trình “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Quá trình này ở các đơn vị, sở, ngành, địa phương được gắn kết với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm hình thành môi trường giáo dục, rèn luyện đề cao truyền thống yêu nước, đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ nhân dân. Thực tế từ nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, bám sát các nhiệm vụ chính trị đã tạo động lực, nguồn sinh khí mới cho môi trường hành chính công của tỉnh.
Theo đó, công tác cải cách hành chính chuyển biến tích cực, kết quả đáng ghi nhận về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Chương trình chuyển đổi số của tỉnh, triển khai có hiệu quả, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ trên cả ba lĩnh vực: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số…
Với sự chỉ đạo, triển khai đồng bộ của tỉnh, các phong trào xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa. Gắn triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa với triển khai các phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố, tập trung vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh...
Đây cũng là quá trình Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm và cấp bách về xây dựng gia đình ở vùng cao như nạn tảo hôn, bất bình đẳng giới, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai, Giàng Seo Vần trao đổi, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành khảo sát, điều tra, phân loại các khu vực để có mục tiêu, cách làm phù hợp. Theo đó, các địa phương xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, thiết chế văn hóa, hương ước là một trong những tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Nhiều năm gần đây, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thiết chế văn hóa ở tỉnh được đầu tư khá đồng bộ từ đô thị tới nông thôn. Hiện, toàn tỉnh có 128 nhà văn hóa xã, 1.568 nhà văn hóa thôn, bản; hơn 1.000 đội văn nghệ; 805 đội thể thao, 405 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; gần 85% số hộ gia đình văn hóa, 89% số thôn, tổ đạt danh hiệu văn hóa. Từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các địa phương thành lập, phát triển các câu lạc bộ tuyên truyền, tạo mô hình mẫu về hương ước, quy ước; hội đồng người có uy tín trong cộng đồng...
Nhiều mô hình văn hóa đặc thù được xây dựng như “làng văn hóa du lịch” ở huyện Bắc Hà, Sa Pa; làng văn hóa vùng đặc biệt khó khăn ở huyện Bát Xát, Bảo Yên; “làng văn hóa sức khỏe” ở huyện Si Ma Cai, Mường Khương... đã tác động tích cực tới phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội vùng nông thôn. Đồng thời, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh được nhân dân đồng lòng, dồn sức thực hiện.
Khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển
Thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển, Tỉnh ủy Lào Cai nhất quán thực hiện quan điểm chỉ đạo: Phát triển con người Lào Cai hiện đại, nhưng không đánh mất bản sắc, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, thực hiện quan điểm bảo tồn tại chỗ trong cộng đồng và lấy người dân làm chủ thể.
Theo đó, tỉnh chú trọng đầu tư, xây dựng không gian di sản văn hóa. Hiện toàn tỉnh có 37 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 50 di tích danh thắng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Qua triển khai các chương trình, đề án, trung bình mỗi năm tỉnh kiểm kê 6 đến 8 di sản tại hơn 30 xã trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, đã có gần 20 lễ hội đặc sắc của 13 dân tộc, tiêu biểu như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, La Chí, Hà Nhì... được khôi phục, bảo tồn. Nhiều lễ hội tiêu biểu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một số lễ hội có quy mô vùng, quốc gia như lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Mường Khương, lễ hội đền Thượng, đền Bảo Hà, đền Cô Tân An thu hút hàng vạn lượt khách tham dự.
Ở các huyện Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà,... đều xây dựng các làng văn hóa du lịch. Mỗi làng khi tiến hành xây dựng trở thành điểm du lịch, địa phương đều bảo tồn các di sản văn hóa. Thực tế đó đã khơi dậy lòng tự hào về văn hóa truyền thống, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới, tiến bộ, xóa bỏ những tập tục lạc hậu.
Ở Lào cai nhiều năm qua có phương châm hành động “Biến di sản thành tài sản”, từ đó tài nguyên văn hóa như danh thắng, lễ hội dân tộc truyền thống; di tích lịch sử; làng nghề; bản làng dân tộc truyền thống; chợ văn hóa dân tộc; ẩm thực vùng cao; nông thổ sản vùng cao... được khai thác thành môi trường sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.
Toàn tỉnh tập trung xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, hội nhập, tạo điều kiện, môi trường để có đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, có trách nhiệm cho cộng đồng, xã hội; xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm có uy tín, chất lượng, mang đặc trưng văn hóa, con người Lào Cai. Phong trào “Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có một loại đặc sản trở thành hàng hóa” góp phần tạo nguồn lực phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở tỉnh .
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Hà, Nguyễn Thị Nga trao đổi, dù huyện chưa có môi trường du lịch như thị xã Sa Pa để thu hút lượng du khách lớn, nhưng với lợi thế đi sau, chủ trương của huyện Bắc Hà trong phát triển du lịch là “gắn với bản sắc văn hóa”, khai thác bền vững lợi thế về cảnh quan, khí hậu, nơi giao hòa văn hóa truyền thống của 14 dân tộc thiểu số tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Được biết, địa bàn toàn huyện hiện có 73 khách sạn, cơ sở lưu trú homestay tập trung ở một số xã Tả Van Chư, Tà Chải, Na Hối, Bảo Nhai...
Quá trình khai thác thế mạnh di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch ở Lào Cai gắn liền xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm độc đáo, đặc sắc địa phương để hình thành các điểm đến du lịch độc đáo, nên thu hút ngày càng đông khách trong nước và nước ngoài. Qua đó, đời sống kinh tế-xã hội của người dân vùng phát triển du lịch được cải thiện, truyền thống bản sắc, được gìn giữ, phát huy có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.
Về giải quyết mối quan hệ văn hóa và phát triển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Nguyễn Trọng Hài cho biết: Những năm qua, tỉnh luôn nỗ lực chấn hưng phát triển văn hóa, con người gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với quan điểm, nguyên tắc “không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội để lấy phát triển kinh tế”.
Tuy nhiên, trong xây dựng môi trường, phát triển văn hóa, con người ở Lào Cai còn một số vấn đề cần giải quyết, đáng quan tâm như: Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự chú trọng xây dựng nền văn hóa công vụ văn minh, hiện đại; còn tiềm ẩn nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng, đạo đức, lối sống. Văn hóa chưa được gắn kết, chặt chẽ trong phát triển kinh tế. Kết cấu hạ tầng và các nguồn lực văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Một số tập tục lạc hậu ở vùng cao, vùng sâu vẫn còn và chậm được khắc phục. Việc giáo dục, khôi phục, khai thác các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống của nhiều địa phương hiệu quả chưa cao...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”; UBND tỉnh ban hành “Đề án về phát triển văn học, nghệ thuật giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng hệ thống chính trị đã và đang tiếp tục triển khai các nội dung, giải pháp giáo dục, phát huy sức mạnh của toàn dân xây dựng phát triển văn hóa con người trong thời kỳ mới, là nhân tố quan trọng để Lào Cai phát triển nhanh và bền vững ■
LÊ MẬU LÂM và QUỐC HỒNG
Nguồn: Báo Nhân dân