Vỡ nợ mới đi nuôi ốc

Cuộc đời của anh Trần Quý Bảo ở xã Đức Thành (Yên Thành, Nghệ An) còn chìm nổi hơn cả trứng ốc bám trên gốc bèo khi bươn bả qua đủ thứ nghề từ làm trúm lươn, buôn rơm nuôi bò, thợ xây, mở quán cà phê, bán bảo hiểm, bán đa cấp đến sang Lào đầu tư mỏ đá.

Đầu năm 2018, anh bị vỡ nợ 1,2 tỉ đồng vì đối tác bên Lào lừa. Khó khăn chưa dừng lại đó, nghe mẹ ở quê bị tai biến, anh bỏ về để chăm thì chỉ mấy tháng sau bố bị ung thư phổi, mất rồi đứa con trai út bị viêm mao mạch dị khớp phải đi hết viện này viện nọ.

13-152624_764.jpg

Khu nuôi ốc thương phẩm của anh Trần Quý Bảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không làm gì mà chỉ có tiêu nên anh vay lời trả lãi, sổ nợ phình to tới 1,4 tỉ đồng. Vợ thấy vậy đòi đi làm trong khu công nghiệp để trả nợ, anh liền gạt đi: “Làm công nhân lương tháng mấy triệu thì biết khi mô trả hết nợ?”. Lúc này, anh tiếp quản trang trại nuôi cá của bố, tính tiếp tục làm, nhưng chẳng mấy ai tin là thành công bởi trong nhà thì bố và hai đứa em làm trang trại đều vỡ nợ, ở trong xã thì 80% trang trại cũng vỡ nợ.

Anh đã tính đến phương án xấu nhất là bán nhà của bố mẹ để trả nợ, rồi xuống trại làm túp lều ở cũng xong. Chẳng có vốn, nuôi cá không được, nuôi gà lợn cũng không xong vì đều cần nhiều tiền để mua thức ăn. Đang lúc bí thì bà cô chuyên buôn hàng đặc sản đồng quê mới mách cho một ông ở cùng xã nuôi ốc bươu đen kiểu quảng canh mà thu mỗi năm 50-70 triệu. Tò mò anh đến thăm, thấy ông đó chỉ nuôi cá rồi tận thu ốc trong ao, bởi thế mà hiệu quả không cao.

Tìm hiểu trên mạng, thấy ở tỉnh Tuyên Quang có mô hình nuôi ốc bươu đen, anh mới vay 14 triệu đồng với lãi suất 2.000đ/triệu/ngày để làm lộ phí. Vé xe, ăn uống mấy ngày mất 2 triệu, còn 12 triệu anh mua 2 vạn ốc giống mang về nuôi thử nghiệm trong 500m2 ao đất.

Nhớ lời dặn của chủ trại truyền cho, mức nước sâu 50cm-100cm, trồng các loại dọc mùng, rong đuôi chó, bèo làm giá thể cho ốc bám và thay nước tuần 1 lần 30% thể tích, thức ăn là các loại rau, củ, quả, lá khoai, lá sắn… Vụ đầu tiên sau 4 tháng nuôi, 2 vạn giống mua từ Tuyên Quang cùng một số ốc bươu đen giống mua thêm trong vùng, anh đã thu 4 tấn, bán được 280 triệu.

Thấy con đường sống được mở ra phía trước, năm 2020 ngoài diện tích 1 ha của bố để lại, anh thuê thêm 1,5 ha đất nữa để mở rộng trại, đào 17 ao, mỗi cái rộng 500m2 cho dễ quản lý. Thời gian đầu bí vốn anh được Hội Nông dân tỉnh cho vay 150 triệu, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 20 triệu làm mô hình. Năm đó 2 ao ốc giống anh thu được 2,5 triệu con, bán được 1 tỉ đồng trong đó lãi 700 triệu nhưng lại thất bại hoàn toàn ở 15 ao ốc thương phẩm vì bệnh sưng vòi, nhiễm khuẩn đường ruột cũng như các loại cá tạp, ốc bươu vàng tràn vào.

11-152619_313.jpg

Anh Trần Quý Bảo kiểm tra ốc thương phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vì ốc bươu đen là đối tượng nuôi mới nên không có thuốc, thành ra anh phải mày mò, thử nghiệm vài chục loại thuốc cá, thuốc tôm. Nửa năm đầu ốc vẫn chết la liệt, nhưng nửa năm sau khi tìm ra 2 loại thuốc phối trộn với nhau để trị bệnh sưng vòi và đường ruột thì đậu được 6 tấn, bán được 420 triệu, cộng thêm tiền bán giống 700 triệu nữa, năm đó anh lãi ngót 900 triệu.

Năm 2022, anh thả 1 triệu con giống, sau khi thu được 12 tấn được 1 tỉ thì gặp một trận lụt khủng khiếp trôi hết số ốc còn lại. Năm 2023 anh mở rộng ra 40 ao, thả 1,8 triệu con giống, hiện đã thu 12 ao, được 10 tấn, dự kiến tổng số sẽ được 30 tấn ốc thương phẩm, đạt khoảng 2,5 tỉ đồng và khoảng 1 tỉ đồng bán giống nữa.

Trong quá trình mở trại nuôi ốc suốt 4 năm qua, anh Bảo không nhớ nổi số lần anh Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đến thăm. Còn anh Nguyễn Quý Linh - Bí thư Huyện ủy Yên Thành cũng đến thăm 3-4 lần từ khi hãy còn làm Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nghệ An.

“Chú cứ làm, huyện sẽ ủng hộ hết mình, có khó khăn gì thì sẽ tháo gỡ”. Họ động viên như vậy nên anh đã dốc lòng, nói ra hết những khó khăn như đang thiếu đường, điện và giấy chứng nhận trang trại.

Đợt lụt kỷ lục năm 2020, nước đổ về lúc đầu chỉ xâm xấp thềm nhà, chẳng mấy chốc mà ngập lên tới cửa sổ. Anh Bảo đành gọi điện cho anh Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thành cầu cứu. Chẳng phải đợi lâu, đã thấy anh cùng hai công an xã xắn quần, lội nước ngập tới tận bẹn xuống dắt giúp mấy đứa trẻ đi dọc bờ sông về làng, còn vợ chồng anh Bảo thì tự sơ tán. Biết tin, anh Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành liền gọi điện hỏi thăm: “Tình hình trại ra răng rồi anh?”. Anh Bảo trả lời: “Trôi hết rồi anh ạ”. “Thế còn người thì ra răng anh?”. Anh Bảo trả lời: “Về làng hết rồi anh ạ”.

18-152634_880.jpg

Chỗ ốc vừa thu hoạch của anh Trần Quý Bảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc đầu khi anh Bảo thuê 1,5 ha đất ở ngoài đồng Châu Lĩnh, xã hỏi để làm gì, anh trả lời nuôi ốc, họ bảo chỉ cho phép trồng lúa thôi. Sau một vài vụ thành công của anh và nhiều người khác giờ đây xã đã quy hoạch thành vùng nuôi trồng thủy sản rộng khoảng 20 ha để các hộ yên tâm phát triển.

Bày cho dân nuôi ốc để mà xây nhà

Trước anh Bảo, chưa một ai có thể làm giàu nhờ nông nghiệp ở xã Đức Thành mà toàn phải bỏ xứ ra đi. Người ta khen giỏi, anh chỉ cười. Không giữ bí quyết cho riêng mình mà anh sẵn sàng dạy cho dân, ai đến hỏi đều chuyển giao hết.

“Nhiều người can: “Ông Bảo dại răng mà (sao mà) không giữ bí quyết làm giàu lại bày (dạy) cho dân?”. Thực ra, họ mới nghĩ nước một, còn tôi nghĩ đến nước hai bởi thị trường ốc bươu đen hiện không đủ sản phẩm mà cung cấp và cùng nhau phát triển mới có tính cộng đồng. Nếu những nhà bác học xưa khi phát minh ra thứ gì mà không chuyển giao, không chấp nhận thiệt thòi về mình thì ngày nay làm sao chúng ta có bóng điện, có xe máy, ô tô mà dùng, mà đi được?

Tôi không dám nhận là mình nuôi ốc bươu đen đầu tiên ở Nghệ An nhưng là người nuôi thành công đầu tiên. Trong những người được tôi bày, 40% là thành công, 60% là thất bại. Họ thất bại thứ nhất do địa lợi không phù hợp, không có nguồn nước sạch để nuôi, thứ hai là do không chú tâm vào kỹ thuật và lười”. Anh giải thích.

16-152626_881.jpg

Anh Trần Quý Bảo kiểm tra trứng ốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà anh ở trong làng, cách trại chỉ 800m nhưng có khi cả tháng mới về một lần quét dọn. Ngay cả cái bàn thờ anh cũng mang ra trại nốt để chuyên tâm ngày đêm cho con ốc bươu đen. Sản phẩm ốc đóng hộp của anh đã đạt OCOP 3 sao, hiện đang thử nghiệm tiếp ốc nhồi ống nứa, giò ốc, chả ốc nhưng anh thực thà rằng: “Việc gì kiếm vài trăm triệu/tháng tôi mới làm chứ việc chế biến này thu nhập chỉ vài chục triệu/tháng nên để người khác làm”.

Năm 2021 anh thành lập tổ hợp tác với 10 hộ nuôi ốc trong xã, hiện đã lên tới 14 hộ. Không chỉ thế, 2 hội nuôi ốc bươu đen Nghệ An hoạt động sôi nổi trên facebook cũng đã lên tới 20.000 hội viên. Anh đúc kết từ những thành công cũng như thất bại rằng, có nhiều kiểu nuôi ốc bươu đen nhưng thuận tự nhiên, không cho hóa chất, có nước chảy liên tục, trồng nhiều dọc mùng, rong là hiệu quả nhất.

Đến giờ anh không nhớ nổi hết số khách hàng của mình bởi quá nhiều, trong khi khách đến học hỏi kỹ thuật hay mua giống lại nhớ anh. Mỗi khi gặp vấn đề, người gần thì mang ốc đến, còn người xa thì chụp ảnh, quay clip gửi zalo để anh chẩn bệnh, bốc thuốc.

17-152633_823.jpg

Anh Trần Quý Bảo đang cân ốc giống cho khách. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc tôi đến, anh Tạ Khắc Hiếu ở xã Công Thành cũng tới mua giống và thuốc như vậy. Anh kể mình có 1 cái ao nhỏ thả 100 vịt và mới thử nuôi ốc bươu đen vụ thứ hai. Mỗi vụ 4 tháng anh thu được hơn 1 tạ ốc thương phẩm, tương đương 10 triệu, trong đó 7 triệu là lãi. Tỷ suất lợi nhuận 70-80%, hiếm có nuôi thứ gì lãi như ốc bươu đen nếu áp dụng đúng kỹ thuật. Có những ao của nhà anh Bảo chỉ 200m2 mà thu được 8,5 tạ, với giá 75.000đ/kg là đã được hơn 60 triệu trong khi đó chi phí giống, thức ăn và công chỉ khoảng 8 triệu.

Nhờ nuôi ốc mà anh Bảo giữ được nhà, mua thêm được 1 lô đất, xoay chuyển được tình thế của mấy người em đang trên bờ vực phá sản. Đến nay 4 anh em ruột, 2 cô, 2 em họ đều theo nghiệp anh nuôi ốc. Điển hình như người em trai Nguyễn Quý Bang và vợ Nguyễn Thị Hồng, hồi trước nuôi cá gần 10 năm nhưng do cá rẻ, thức ăn đắt, dịch bệnh nhiều nên ôm nợ 500 triệu đồng. Nhà chẳng có, họ phải dựng lều ngay trên bờ trang trại để có chỗ chui ra, chui vào.

20-152638_917.jpg

Anh Trần Quý Bảo nói chuyện với chị Nguyễn Thị Hồng trong căn nhà mới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc đó, chồng bỏ đi làm thuê, chị Hồng ở lại lều thấy anh Bảo nuôi ốc bươu đen thành công nên thử thả 4 vạn xuống 1 ao rộng 500m2. 4 tháng sau, chị thu lãi được 30 triệu đồng mới phấn khởi mở rộng ra 1 ha. Lúc này người chồng cũng đã quay về để cùng làm. Chỉ trong năm đó, họ bán cả ốc giống lẫn ốc thương phẩm được trên 700 triệu đồng. Trả hết nợ nần thì vợ chồng mâu thuẫn, bỏ nhau nhưng cả hai đều không bỏ con ốc. Anh Bang vẫn nuôi ốc ở cái trại cũ, còn chị Hồng thì thuê 1.500m2 đất để mở trại mới và cả hai đều là hội viên của hội nuôi ốc xã Đức Thành.

Bước vào căn nhà hai tầng mới xây đầy đủ tiện nghi của chị mà tôi như cảm thấy gió Lào đã ở hết bên ngoài. Căn nhà làm năm 2022 với giá trị 1,1 tỉ đồng, trong đó riêng tiền ốc đóng góp 300 triệu đồng. Hiện nay chị vẫn còn nợ 200 triệu nhưng dự kiến mấy tháng nữa sẽ nhờ con ốc trả nốt.

22-152640_797.jpg

Ngôi nhà mới xây của chị Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Động lực làm kinh tế để nuôi hai đứa con, trả nợ nhà khiến cho chị suốt ngày đêm lăn lộn ngoài trại xem ao nào ốc ốm, ao nào ốc khỏe, ao nào ốc cần ăn thêm hay là bắt ốc bán cho khách. Có những buổi 12 giờ khuya chị vẫn còn bì bõm ngoài ao, 1 giờ sáng mới ăn tối, chỉ ngủ được 2-3 giờ/ngày nhưng không hề cảm thấy mệt bởi thấy con ốc đã trả công cho mình quá xứng đáng.

Huyện Yên Thành có 3.000 ha ruộng trũng, cấy lúa thường bị ngập lũ, rất thuận lợi để chuyển đổi sang 1 vụ lúa 1 vụ ốc hoặc nuôi ốc chuyên canh.

Dương Đình Tường