Đưa máy móc vào sản xuất

Khối Quy Chính (thị trấn Nam Đàn) có nghề làm miến từ lâu đời và đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề từ năm 2006. Khối có 360 hộ dân trong đó khoảng 250 hộ duy trì nghề làm miến. Nghề làm miến khá vất vả, trải qua nhiều công đoạn: ngâm gạo, xay nhuyễn, ép bột, cán sợi, ủ, vò, phơi... lại làm bằng thủ công nên sản lượng làm ra hàng ngày không nhiều, chủ yếu là bán nội huyện. Vậy nên, thu nhập của các hộ làng nghề cũng không cao.

Hiện 90% công đoạn làm miến ở Quy Chính đã được thay thế bằng máy móc

Bắt đầu những năm 2020 đến nay, các hộ đã đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất miến: Máy ngâm, vò gạo; máy nghiền bột nước, máy ép bột ly tâm, thuỷ lực, máy đùn công suất lớn, máy hấp, máy cắt và máy đóng gói… với số vốn đầu tư lên đến cả trăm triệu đồng. Bà Phan Thị Chín, một hộ làm nghề ở Quy Chính cho biết: “Nghề miến theo gia đình tôi cả mấy chục năm nay. Trước đây, làm ra được sợi miến vất vả lắm, mất cả mấy ngày trời từ khâu ngâm gạo, xay, ủ bột đến tráng, cắt… Thức khuya, dậy sớm nhưng cũng chỉ làm ra được dăm bảy cân miến là cùng. Thế nên, thu nhập cũng không ăn thua. Về sau, khi đưa máy móc vào thì đỡ phần vất vả. Nay, hầu như máy móc thay thế sức người, các công đoạn đều có máy móc hỗ trợ”.

Có những hộ đầu tư cả hệ thống dây chuyền sản xuất miến hiện đại, mỗi ngày sản lượng miến làm ra lên đến đầu tấn. Chị Nguyễn Thị Thanh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất miến gạo Quy Chính cho biết: “Không chỉ làm ra sản lượng miến lớn mà nhờ có máy móc nên sợi miến làm ra đều hơn, đẹp hơn, không qua ngâm ủ lâu ngày nên chất lượng miến ngon, không còn vị chua, mẫu mã cũng được quan tâm nên nhờ đó, sản lượng tiêu thụ không ngừng tăng lên. Hiện, miến Quy Chính đã có mặt ở thị trường trong Nam, ngoài Bắc, trên sàn thương mại điện tử và cả những đại lý, hệ thống phân phối hiện đại. Nhờ đó, thu nhập người dân làm nghề không ngừng được nâng lên”.

Nhiều hộ mộc ở làng nghề mộc Thuận Giang đầu tư hàng tỷ đồng để đưa máy móc công nghệ vào sản xuất

Làng mộc Thuận Giang (Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu) có từ xa xưa và được duy trì, phát triển cho đến ngày nay. Là nghề truyền thống, cha truyền con nối nên  nghề mộc vẫn được người dân địa phương làm theo phương pháp thủ công truyền thống. Tuy nhiên, về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh với thị trường thì phương pháp sản xuất này chưa cho hiệu quả như kỳ vọng. Những năm gần đây, để thay đổi phương thức sản xuất cũ, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, đưa công nghệ vào sản xuất đồ mộc ở địa phương.

Theo đó, các hộ đã đầu tư mua sắm máy móc: máy CNC gỗ, máy cưa, máy bào, máy chà nhám, máy làm mộng, máy cắt góc, máy khoan bàn… với số vốn lên đến tiền tỷ. Chủ cơ cở mộc Thạch Lài, anh Nguyễn Văn Thạch cho biết: “Hiện tại, với sự trợ giúp của hệ thống công nghệ, các sản phẩm mộc mỹ nghệ của xưởng đa dạng và tinh xảo hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, đối với những sản phẩm khó, với sự hỗ trợ của máy móc, sản phẩm làm ra nhanh và đẹp hơn, được nhiều khách hàng ưa chuộng”.

Cắt kẹo lạc

Hiện tại, các sản phẩm mộc của làng như: Bàn ghế cao cấp Âu Á, tủ kệ, tủ quần áo, bàn thờ tổ tiên, ông tài ông địa… được người tiêu dùng trong nước biết đến, đặt hàng.

Không chỉ riêng nghề miến Quy Chính (Nam Đàn) hay nghề mộc ở Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) mà hiện nay, nhiều nghề truyền thống ở các địa phương khác cũng đã được người dân áp dụng và đưa máy móc công nghệ vào sản xuất. 

Thích ứng với thị trường

Nếu như trước đây, những người dân làng nghề mây tre đan bản Diềm (xã Châu Khê, Con Cuông) chỉ dừng lại ở việc đan những chiếc rổ tre, mây để phục vụ cho cuộc sống thường ngày, làm dư thì bán cho bà con trong vùng... Cuộc sống hiện đại, các vật dụng này từ chất liệu mây, tre đã dần bị thay thế bằng chất liệu nhựa, nghề đan lát bản Diềm đứng trước nguy cơ xóa sổ. Do đó, những người thợ đan lát ở bản đã luôn trăn trở để thay đổi mẫu mã, làm theo đơn đặt hàng của thị trường để dễ tiêu thụ. Ngoài những sản phẩm truyền thống là các vật dụng hàng ngày, họ đã đan các vật dụng thủ công mỹ nghệ khác với hoa văn tinh xảo, hoạ tiết bắt mắt. Đó là những chiếc đĩa đựng hoa quả, bánh trái với đủ hình dạng, hoa văn; những chiếc hộp để bút, những chiếc túi xách xinh xắn, những vật dụng trang trí trong các nhà hàng, quán cà phê, các trường học… 

Máy cắt khuôn kẹo

Bà Lang Thị Hoa - Giám đốc HTX làng nghề mây, tre đan bản Diềm chia sẻ: “Sản phẩm muốn tiêu thụ được thì phải đan lát theo yêu cầu của khách hàng, họa tiết mà họ yêu cầu chứ không thể theo ý mình được. Ngoài ra, cũng phải học hỏi mẫu mã trên các trang mạng xã hội, tham gia các hội nhóm về nghề mây, tre đan để cập nhật kịp thời các thiết kế phù hợp xu thế. Đồng thời, tìm cách quảng bá sản phẩm, tiếp thị qua mạng xã hội để nhiều người biết đến. Đặc biệt, từ năm 2018, 2019 một số sản phẩm mây, tre đan của làng nghề đã được xuất khẩu sang Nhật, Pháp, Đức, đem lại ấm no cho bà con bản Diềm”.

Hoặc như làng nghề nước mắm Hải Giang I (phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) nổi tiếng với sản phẩm nước mắm hạ thổ. Thế nhưng, lại rất kén khách do mùi nước mắm khá nồng, vị hơi đặm và thường đóng gói trong các chai nhựa cỡ lớn. Sau nhiều năm sản xuất theo phương thức cũ, từ năm 2020 đến nay, những hộ dân làm nghề đã có sự thay đổi tích cực theo xu hướng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Theo đó, đã thay những bể chượp xi măng thành những chum, vại bằng sành để ủ cá; nước mắm thành phẩm được lắng lọc, phơi nắng để đỡ nồng mùi; đóng gói vào chai thuỷ tinh có dung tích phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng (làm quà, sử dụng hàng ngày), có túi giấy thiết kế bắt mắt… Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ không ngừng tăng lên, ngoài bán theo kênh truyền thống là các đại lý, các cửa hàng, khách nội tỉnh thì nay, rất nhiều khách du lịch khi đến Cửa Lò đã tìm đến trải nghiệm, mua nước mắm Hải Giang về sử dụng.

Hiện, toàn tỉnh Nghệ An có gần 180 làng nghề truyền thống. Trong xu hướng hội nhập, các cơ sở sản xuất, làng nghề phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Trước thách thức đó, nhiều làng nghề đã đưa máy móc công nghệ vào sản xuất, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, điều chỉnh phù hợp với thị hiếu thị trường, từ đó, giúp các làng nghề phát triển và đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường. Từ đó, tăng doanh thu, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. “Thời gian tới, chi cục sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương tích cực tuyên truyền, khuyến khích các hộ, cơ sở và làng nghề truyền thống chuyển đổi công nghệ, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giúp các sản phẩm truyền thống có chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm làng nghề lên sàn điện tử và từng bước chuẩn hoá các tiêu chuẩn, hướng đến xuất khẩu một số sản phẩm làng nghề đặc trưng như: thổ cẩm, mây tre đan…" - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Hồ Lâm cho biết.