watermark_20220517_134831-1034_20220928_284-154154.jpg
Nghệ An sở hữu tài nguyên rừng vượt trội, đủ điều kiện để phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Việt Khánh.

Nghệ An hiện có khoảng 1 triệu ha rừng (rừng tự nhiên 789.000ha; rừng trồng 211.000ha), độ che phủ rừng đạt 58,41%, trữ lượng gỗ khoảng 91 triệu m3, sản lượng gỗ khai thác bình quân hàng năm đạt từ 1,2 - 1,4 triệu m3, chưa kể hàng ngàn tấn dược liệu, lâm sản ngoài gỗ khác… Xuất phát từ tình hình thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ tại Nghệ An, điều đó cho thấy lĩnh vực lâm nghiệp của địa phương này được kỳ vọng lớn đến nhường nào.

Ngoài ra, các điều kiện trên cũng được xem là tiền đề để bảo vệ môi trường một cách bền vững, đồng thời là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất hàng hoá từ gỗ và các sản phẩm ngoài gỗ, từ đó mở ra cơ hội thuận lợi cho quá trình phát triển KT-XH của tỉnh Nghệ An và ngành kinh tế lâm nghiệp.

Dù vậy, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, nhìn chung công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và tổ chức sản xuất lâm nghiệp tại Nghệ An còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, tồn tại. Đơn cử như giá trị đầu tư cho lâm nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của toàn ngành. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác gỗ trái phép vẫn còn.

watermark_20220825_081057-1018_20220928_483-154155.jpg
Đời sống của người làm nghề rừng ở Nghệ An hiện nay vẫn còn thấp, chưa ổn định do chưa khai thác hết giá trị từ rừng. Ảnh: Việt Khánh.

Từ khâu sản xuất giống, trồng rừng, thâm canh, khai thác đến công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ chưa phát triển tương xứng, chưa hình thành được chuỗi giá trị. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu còn ở dạng thô, qua nhiều khâu trung gian, chưa có mặt hàng chế biến sâu, chưa tạo dựng được thương hiệu, sức cạnh tranh còn yếu… Đây là những rào cản để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Để giải những bài toán khó này, không thể làm được trong ngày một ngày hai, đòi hỏi lộ trình bài bản, định hướng phù hợp với tình hình chung. Trên cơ sở đó, Nghệ An đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phải quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên và diện tích rừng tăng thêm hàng năm, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng khoảng 58%, vừa đảm bảo giá trị rừng lại tạo đà phát triển sinh kế, góp phần nâng cao mức sống cho người làm nghề rừng.

Phấn đấu 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức nhà nước được quản lý bền vững, phát triển mạnh vùng rừng trồng nguyên liệu tập trung, trong đó ưu tiên trồng rừng gỗ lớn, đẩy mạnh xã hội hóa vào đầu tư để nâng cao giá trị vốn rừng thông qua các cơ chế khuyến khích về đất đai, thuế, tín dụng, thị trường.

watermark_a-3-1034_20220928_361-154156.jpg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên trái) kiểm tra tiến độ Khu lâm nghiệp công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ, dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ đưa ngành lâm nghiệp Nghệ An cất cánh. Ảnh: Việt Khánh.

Trước mắt tới năm 2025, Nghệ An tham vọng nâng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững lên khoảng 50.000ha, đến năm 2030 tăng quy mô lên gấp đôi (100 nghìn ha). Từng bước nhân rộng quy mô rừng trồng gỗ lớn, rừng trồng thâm canh (trồng mới, trồng lại và chuyển hóa), dự kiến chiếm khoảng 50% tổng diện tích rừng trồng.

Nghệ An cũng sẽ mở rộng diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng có giá trị, quy trình áp dụng theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp và thu nhập của những người dân sống gần rừng, qua đó giảm thiểu rõ rệt áp lực khai thác vào tài nguyên rừng, tránh làm cạn kiệt nguồn tài nguyên quý.

Xa hơn, đến năm 2045 sẽ xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, sẵn sàng làm chủ công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ đa dạng, nâng cao giá trị gia tăng cao và chủ động tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Việt Khánh