ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa):
Tạo chuyển biến tích cực về đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhất quán thực hiện.

mai-son-1667254582978.jpg

Với trách nhiệm của mình, việc Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” là chuyên đề lớn, bao trùm rộng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, định hướng rõ ràng, có mục đích, mục tiêu, những nội dung giám sát trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 được xác định rất cụ thể, chi tiết.

Qua giám sát có thể thấy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, góp phần phát huy được những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đầu tư công, cụ thể ở đây là rất nhiều công trình trọng điểm của quốc gia đang gây ra tình trạng lãng phí, như nhiều đại biểu từng ví như “những công trình làm nghèo đất nước".

Do đó, tôi tin tưởng rằng, qua chuyên đề giám sát tối cao lần này của Quốc hội sẽ tạo được sự chuyển biến tích cực, cùng với Chính phủ tìm ra những giải pháp để các công trình đầu tư công đã và đang đầu tư có thể tiếp tục được tổ chức thực hiện, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia. Qua đó, phát huy được hiệu quả của các công trình này, đáp ứng nhiệm vụ về phát triển cơ sở hạ tầng đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, tiếp tục rà soát, khắc phục sơ hở, bất cập và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực, đặc biệt những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực nhằm đưa công tác này ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

Tôi cũng mong muốn, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, mang lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Qua đó, tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện.

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang):
Xác lập giải pháp đồng bộ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chuyên đề giám sát tối cao lần này của Quốc hội là nội dung được đông đảo cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi sát sao tình hình, kết quả thực hiện từ khi tiến hành giám sát đến nay. Quá trình tổ chức triển khai các cuộc giám sát, làm việc do các cơ quan của Quốc hội thực hiện để đưa ra được báo cáo kết quả giám sát trình với Quốc hội là cả quá trình làm việc rất tỉ mỉ, thận trọng, kỹ lưỡng.

van-lam-1667254583509.jpg

Những nội dung báo cáo nhận định, đánh giá, số liệu tổng hợp đưa ra được xác lập rất chặt chẽ, khoa học, có đầy đủ các căn cứ, dẫn chứng thuyết phục cho thấy một bức tranh tổng thể về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản, tài nguyên công của đất nước ta trong thời gian vừa qua. Kết quả giám sát chuyên đề lần này vừa có tính tổng hợp, vừa có tính cụ thể, là cơ sở, dẫn chứng, căn cứ rất quan trọng để Quốc hội ban hành nghị quyết sau giám sát.

Từ chuyên đề giám sát này, Quốc hội sẽ đưa ra được những quyết sách căn cơ, thực tiễn nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các phương diện, từ vấn đề hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, định mức, tiêu chuẩn đến vấn đề chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tập thể. Bên cạnh đó, sẽ xác lập được một số giải pháp đồng bộ kèm theo trong thực hiện nhiệm vụ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Việc đổi mới cách thức thực hiện giám sát đã giải quyết được nhiều vấn đề

Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc rất nghiêm túc, rất trách nhiệm. Sản phẩm thể hiện là một báo cáo kết quả giám sát khá đầy đủ, bao trùm, sâu sắc, không né tránh, với hàng loạt số liệu cụ thể, có cơ sở chắc chắn. Đặc biệt, do đổi mới cách thức thực hiện nên kết quả giám sát lần này cũng đã giải quyết được nhiều vấn đề đang đặt ra một cách hiệu quả.

van-hoa-1667254583212.jpg

Ngoài việc xác định cụ thể những tồn tại, hạn chế trong ban hành chính sách, pháp luật, định mức, tiêu chuẩn chế độ, Báo cáo kết quả giám sát còn chỉ rõ vấn đề theo cách lượng hóa định mức cụ thể giá trị, khối lượng, địa chỉ của hạn chế, tồn tại, qua đó khắc phục được tình trạng nêu chung chung.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã dành một ngày để tập trung cho hoạt động giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các đại biểu Quốc hội đã tập trung, nghiêm túc, trách nhiệm và thẳng thắn phân tích nhiều vấn đề nổi lên trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh của đời sống xã hội. Từ công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến áp dụng trong các ngành, lĩnh vực, tại Trung ương đến địa phương. Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đầy trách nhiệm và mang tính xây dựng cao.

Tôi cũng tán thành kiến nghị của một số đại biểu Quốc hội về việc cần chuyển báo cáo kết quả giám sát này đến các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát, cũng như xác định, xử lý kỷ luật với những cá nhân, đơn vị liên quan đến hạn chế được Đoàn giám sát chỉ ra. Bởi, Báo cáo kết quả giám sát lần này của Quốc hội rất công phu, có dung lượng rất lớn, nội dung cụ thể, nhiều hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có địa chỉ cụ thể. Qua đó cho thấy rõ hơn sự nghiêm túc của các cơ quan, đơn vị, rạch ròi trách nhiệm cá nhân, cũng như khắc phục triệt để các hạn chế, tồn tại đã chỉ ra, không làm lỡ cơ hội phát triển của địa phương, đất nước.

ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An):
Giám sát có trọng tâm, trọng điểm, đạt mục đích, hiệu quả đề ra

Chuyên đề giám sát tối cao lần này có quy mô lớn, huy động lực lượng lớn tham gia, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm, theo dõi. Đoàn giám sát của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong phương thức, cách thức tiến hành giám sát, như mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đoàn giám sát; tiến hành giám sát thông qua thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương và thông qua thẩm tra để yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm; phát huy vai trò giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội; chọn những địa phương, cơ sở tiêu biểu để tiến hành giám sát, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, tránh gây phiền hà cho địa phương, bảo đảm giám sát có trọng tâm, trọng điểm, đạt mục đích, hiệu quả đề ra. Báo cáo kết quả giám sát được chuẩn bị rất công phu, đánh giá sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực. Với những nhận xét, đánh giá xác đáng của Đoàn giám sát, tôi tin rằng Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương hoàn toàn tâm phục, khẩu phục.

duc-thuan-1667254582648.jpg

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát, đó là từ năm 2023 sẽ phát động cuộc vận động trên toàn quốc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong Nhân dân. Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất này, đồng thời cần nghiên cứu đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu, phương pháp, hình thức đánh giá cụ thể, bởi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là lĩnh vực rất rộng. Do đó, nếu phát động phong trào thi đua trong toàn dân thì cần tập trung vào những lĩnh vực rất cụ thể, phải có phương pháp, cách làm để đạt hiệu quả như mong muốn.

Thông qua chuyên đề giám sát lần này của Quốc hội, mong rằng các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân sẽ tiếp tục ủng hộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về chuyên đề giám sát, trong đó đưa ra những kiến nghị cụ thể để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thanh tra, kiểm tra... trong việc triển khai thực hiện, xử lý các tồn tại hạn chế và xác định rõ trách nhiệm xử lý cho từng cơ quan, đơn vị, thời gian, lộ trình xử lý cụ thể. Để những chủ trương, giải pháp này đi vào cuộc sống thì các cấp, các ngành cần tập trung triển khai thực hiện một cách rất tích cực, hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước.