Như thông lệ của kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Nhiệm vụ lập pháp khá “nặng” khi Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 7 luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 7 dự án luật khác.

Với hoạt động giám sát, Quốc hội dự kiến chất vấn và trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề trong 2,5 ngày; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” trong 1 ngày.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét quyết định về nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác, trong đó có việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Đã thành nếp, các công việc chuẩn bị cho kỳ họp được Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội triển khai từ rất sớm, kỹ lưỡng và chu toàn. Ngay sau khi Kỳ họp thứ Ba, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện các dự án, dự thảo, báo cáo để kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, không quản ngại vất vả, tinh thần bao trùm là làm hết việc chứ không hết giờ; đồng thời luôn bám sát thực tiễn cuộc sống, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học.

Kỳ họp cuối năm nay diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII thành công tốt đẹp. Như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và cũng là mong đợi của cử tri, kỳ họp phải tiếp tục lan tỏa tinh thần, thành công của Hội nghị Trung ương 6, đưa ra những quyết sách đúng đắn về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Bên cạnh đó, bối cảnh hiện nay cũng rất nhiều thách thức. Một mặt, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là trong lĩnh vực tiền tệ, giá cả, thương mại và đầu tư, tạo áp lực lớn tới nền kinh tế nước ta, cả trong trước mắt và lâu dài. Mặt khác, cùng lúc chúng ta phải ứng phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài, vừa phải đẩy nhanh tiến độ xử lý những hạn chế, yếu kém của nội tại nền kinh tế. Đằng sau niềm vui phục hồi và tăng trưởng khi dịch bệnh được kiểm soát, đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn; công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo đối mặt với thách thức mới; biến đổi khí hậu ngày càng để lại những hậu quả nghiêm trọng...

Chính vì vậy, cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội, xuất phát từ lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc; đồng thời trên cơ sở thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình sẽ đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự; đưa ra các quyết sách đúng đắn. Điều này không chỉ góp phần làm nên thành công của kỳ họp mà còn đưa đất nước phát triển bền vững, mang lại ấm no hạnh phúc cho tất cả người dân.

Cẩm Phô