ĐBQH HOÀNG THỊ THU HIỀN: Có cơ chế khuyến khích, đầu tư hệ thống công nghệ tuần hoàn và tái sử dụng nguồn nước
Theo nhận định của đại biểu, mặc dù nước dưới đất, nước biển không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này nhưng rải rác trong các điều khoản của Luật lại quy định các vấn đề liên quan đến nước dưới đất và nước biển (tại các Điều 26, 36 và 34)… Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ vấn đề này. “Đồng thời, bỏ Điều 6 quy định về phổ biến giáo dục tài nguyên nước trong dự thảo Luật. Bởi, khi Luật ban hành thì các vấn đề liên quan đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được quy định nhiều trong các văn bản, do đó, nếu để điều này sẽ làm dài dòng thêm…”, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền phân tích và đề nghị.
Liên quan đến vấn đề tuần hoàn nước được quy định tại khoản 2 Điều 55, đại biểu cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng; một trong những giải pháp cần kíp trong giai đoạn hiện nay để giải quyết các vấn đề thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước… Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định một điều riêng về vấn đề này, trong đó đề cập đến các nội dung như: Tuần hoàn nước áp dụng với những lĩnh vực nào cần phải bắt buộc để tái tạo, sử dụng nguồn nước? Nước sau khi tái tạo sẽ sử dụng vào những hoạt động nào? Đồng thời, cần có cơ chế để khuyến khích, đầu tư hệ thống công nghệ tuần hoàn và tái sử dụng nguồn nước.
Đồng tình với quan điểm quy định về dòng chảy tối thiểu (tại Điều 25), tuy nhiên, đại biểu cho rằng: Trong thực tế đang áp dụng dòng chảy tối thiểu đang làm suy kiệt dòng chảy các con sông và ảnh hưởng đến thủy sinh, cũng như ảnh hưởng đến sử dụng nước ở hạ lưu. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức khi quản lý, vận hành hồ đập cũng thường xuyên vi phạm quy định dòng chảy tối thiểu.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo 4 nội dung: Thứ nhất, đối với các thành phần xác định dòng chảy tối thiểu thì cần phải có tính đại diện, đặc biệt các đại diện liên quan đến lợi ích sử dụng dòng chảy tối thiểu. Thứ hai, phải khách quan. Thứ ba, trong việc xác định dòng chảy tối thiểu thì phải bảo đảm công bằng sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn và hạ du như quy định tại khoản 3 Điều 25. Thứ tư, phải công khai mức nước dòng chảy tối thiểu đối với người dân và khuyến khích sự giám sát của người dân đối với dòng chảy tối thiểu.
Cùng đó, đại biểu cũng bày tỏ đồng tình quan điểm thay thế “dòng chảy tối thiểu” bằng “dòng chảy tự nhiên, dòng chảy môi trường” thì sẽ công bằng hơn với môi trường hiện nay… Ngoài ra, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cũng cho rằng: Việt Nam là một trong những quốc gia nằm ở hạ du ở các con sông, vì vậy việc quy định dòng chảy tối thiểu phù hợp thì sẽ thuận lợi trong việc thỏa thuận với các nước láng giềng trong việc chia sẻ lợi ích các nguồn nước ở các con sông…
ĐBQH HOÀNG MINH HIẾU: Quy định cụ thể hơn về giá thành nước sinh hoạt
Theo đại biểu, tồn tại rất lớn là giá nước sinh hoạt chưa tính đúng, tính đủ so với giá thành thực tế của giá nước. Hiện theo tính toán sơ bộ, giá thành của nước chỉ bằng khoảng ½ so với chi phí thực tế… “Tồn tại này dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là chất lượng nước sinh hoạt hầu như chưa bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, thực tế mỗi hộ gia đình đang phải trả giá nước sạch thực tế cao hơn nhiều so với giá thành vì có thêm các chi phí đầu tư các hệ thống lọc nước, mua thêm nước bên ngoài;…”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu lý giải.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, giá nước quá thấp cũng không khuyến khích người dân tiết kiệm nước (các vòi nước công cộng, vòi nước gia đình sử dụng bừa bãi, 6.000-8.000 đồng/m3 nước sẽ không bảo đảm); đồng thời, không khuyến khích được các công ty đầu tư phát triển hệ thống nước sinh hoạt ở nông thôn. Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu như nước sạch ở nông thôn khó khăn nhất là đầu tư cung cấp nước sạch ở nông thôn không đủ bù chi phí… “Trong dự thảo lần này đã có quy định tại Điều 66 và Điều 67, nhưng chưa xác định rõ cách tính giá nước sinh hoạt này; do đó, nên cân nhắc có những quy định cụ thể hơn về giá thành của nước sinh hoạt”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị.
Cùng đó, đại biểu cũng cho rằng: Một vấn đề quan trọng liên quan đến giá nước sinh hoạt, đó là cần xác định rõ mối quan hệ giữa Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với dự án Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu đó là Luật Cấp thoát nước… “Cần tính toán để mối quan hệ giữa hai luật này rõ hơn; từ đó, để tính toán xác định giá nước sinh hoạt phù hợp và cũng khuyến khích nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cung cấp cho các hộ gia đình”, đại biểu nhấn mạnh.
Liên quan dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Minh Hiếu bày tỏ quan tâm nội dung dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức trong các tổ chức tín dụng (đối với cá nhân giảm từ 5% xuống 3%, đối với tổ chức giảm từ 15% xuống 10%). Theo giải trình của Ban soạn thảo, quy định này sẽ tăng tính đại chúng và giảm tỷ lệ sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng… “Tuy nhiên, cần phải đánh giá tác động một cách rất cẩn trọng vì nếu giảm như thế này theo quy định của luật thì các cổ đông lớn phải rút vốn khỏi các tổ chức tín dụng ngay lập tức. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán”, đại biểu nhấn mạnh.
Diệp Anh