Theo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn. Thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động hoàn thành chậm nhất vào ngày 10.9.2022.
Trước đó, để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, tổng kinh phí hỗ trợ cho người lao động là khoảng 30.000 tỷ đồng, theo hình thức hỗ trợ tiền mặt và các mức hỗ trợ khác nhau dựa trên thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp cụ thể. Thời gian thực hiện từ ngày 1.10.2021 - 31.12.2021.
Dù việc triển khai, giải quyết chính sách được Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan, địa phương thực hiện, tổ chức kịp thời, nhưng việc hỗ trợ cho người lao động vẫn chưa hoàn thành. Đáng nói là, ngày 31.12.2021 - thời điểm hoàn thành việc hỗ trợ đối với người lao động nhưng vẫn còn hơn 414.000 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng thời hạn nhưng chưa được chi trả. Theo nhận định của Ủy ban Xã hội: “việc xử lý của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với tồn đọng chưa giải quyết chế độ đối với hơn 400.000 người lao động là rất chậm, không đúng với tinh thần làm việc của Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”. Chính sự chậm trễ này đã làm giảm đi phần nào ý nghĩa của một chính sách nhân văn, cấp bách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.
Với quan điểm xuyên suốt luôn đồng hành, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết này có ý nghĩa rất lớn, tiếp tục khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc hỗ trợ kịp thời, trực tiếp, thiết thực đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp vượt qua khó khăn. Nghị quyết quy định rõ, chậm nhất đến này 10.9.2022 phải thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động. Mốc thời gian đã được ấn định, nhiệm vụ còn lại là của các cơ quan thực thi chính sách này.
Sau khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực, ngành Bảo hiểm xã hội đã tích cực bắt tay triển khai chính sách này. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố, tính đến 13h30 phút ngày 19.8.2022, cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp đã chi hỗ trợ cho hơn 298.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với số tiền gần 845 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, chỉ sau 8 ngày triển khai quyết liệt Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện chi trả gói hỗ trợ đạt gần 72% tổng số hồ sơ người lao động đề nghị nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn. Sự nỗ lực vào cuộc kịp thời của ngành Bảo hiểm xã hội là rất đáng ghi nhận.
Thời gian từ nay đến ngày 10.9.2022 không còn nhiều. Do đó, để về đích theo đúng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đòi hỏi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và cơ quan, địa phương trong phối hợp thực hiện. Đặc biệt, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan Bảo hiểm xã hội ở các địa phương để khẩn trương thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động. Kịp thời tháo gỡ, vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc thực hiện chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Xử lý nghiêm cá nhân, cơ quan cố tình thực thi chậm trễ chính sách.
Một chính sách hỗ trợ kịp thời, nhân văn, chính sách mà người lao động rất chờ đợi, không có lý do gì lại thực hiện chậm trễ!
Lê Hùng