150320240252-3-1710498854223.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Chỉ nên quy định nguyên tắc chung về giao thông thông minh

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, căn cứ ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời, trao đổi, thống nhất với Ban soạn thảo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, thống nhất giữa hai dự thảo Luật và phù hợp với thực tiễn.

Pho-Chu-tich-Quoc-hoi-Tran-Quang-1710498901093.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đối với quy định về hệ thống giao thông thông minh, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị trong dự thảo luật chỉ quy định các nội dung mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi.

Về quy định giao UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ (Điều 32), đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ (Điều 47) và quản lý, vận hành khai thác, bảo trì quốc lộ (Điều 39), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, có ý kiến nhất trí với dự thảo luật do Chính phủ trình; có ý kiến đề nghị cân nhắc để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công.

Pho-Chu-tich-Quoc-hoi-Nguyen-Duc-1710498930655.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trên cơ sở thảo luận, nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, điểm c, khoản 2, Điều 32 dự thảo luật do Chính phủ trình là phù hợp với tình hình thực tiễn, tận dụng được nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đường bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hiện nay.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh xây dựng 2 phương án quy định điểm c, khoản 2 Điều 32 của dự thảo Luật:

Phương án 1, cho phép Bộ Giao thông Vận tải phân cấp cho UBND cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ tại điểm c khoản 2 Điều 32 dự thảo luật; đồng thời bổ sung quy định sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công tại khoản 4, khoản 5 Điều 90 của dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Phương án này vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay, vừa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tương tự, đối với đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị sửa điểm c, khoản 4 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Phương án 2, cơ bản giữ nội dung điểm c, khoản 2, Điều 32 như dự thảo luật Chính phủ trình, nhưng bổ sung nội dung điểm đ, khoản 3 Điều này quy định việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về ngân sách và pháp luật có liên quan. Theo đó, trước mắt việc giao UBND cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ vẫn thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; đồng thời, báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan để thống nhất nội dung này, bảo đảm tính khả thi.

Chu-nhiem-Uy-ban-Quoc-phong-va-A-1710498966951.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đối với hoạt động quản lý, vận hành khai thác và bảo trì quốc lộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị quy định theo hướng: điều chuyển đoạn tuyến quốc lộ đó cho UBND cấp tỉnh quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó bổ sung điểm c, khoản 2, Điều 39 dự thảo luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Làm rõ thêm các khái niệm, bảo đảm tính thống nhất

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cho rằng, dự thảo luật đã chỉnh lý phạm vi điều chỉnh để phân định rõ hơn giữa dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thống nhất với nhiều nội dung chỉnh lý trong dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, mặc dù các nội dung lớn của dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm phân định với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, song cũng cần tiếp tục rà soát về câu chữ.

Cụ thể, tại Điều 3 về giải thích một số từ ngữ, dự thảo luật bổ sung khái niệm về người quản lý sử dụng đường bộ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đây là nội dung mới được bổ sung trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Theo đó, người quản lý sử dụng đường bộ là chủ sở hữu, trực tiếp quản lý, sử dụng, vận hành khai thác công trình đường bộ hoặc tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng, vận hành khai thác công trình đường bộ.

Chu-nhiem-Uy-ban-Phap-luat-Hoang-1710498999786.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật cho thấy, ngoài thuật ngữ “người quản lý sử dụng đường bộ” thì dự thảo luật còn sử dụng nhiều thuật ngữ liên quan đến nội dung này như: người quản lý công trình hạ tầng, người quản lý sử dụng công trình đường bộ, người quản lý sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật chung với đường bộ, người quản lý sử dụng công trình thủy lợi, người quản lý sử dụng công trình chung…

"Như vậy, các khái niệm trong dự thảo luật rất đa dạng và chưa thống nhất. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát để làm rõ thêm các khái niệm, nhất là các khái niệm chung, được sử dụng nhiều trong dự thảo luật phải chính xác".

Nhấn mạnh như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị rà soát làm rõ các quy định về trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình đường bộ và trách nhiệm đầu tư xây dựng đường cao tốc. Nội dung của dự thảo luật liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, các quy định liên quan đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư… do đó, cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Quan tâm đến quy định giao UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ, đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ và quản lý, vận hành khai thác, bảo trì quốc lộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, không nên sửa Luật Ngân sách Nhà nước bởi Luật Ngân sách Nhà nước đã quy định rất chặt chẽ về việc ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất, việc bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Chu-nhiem-Uy-ban-Khoa-hoc-Cong-n-1710500711212.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thông lệ quốc tế đã phân loại quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ... Thực tế đang tồn tại việc một số tuyến đường được các địa phương nâng cấp từ tỉnh lộ thành quốc lộ. Cùng với đó, nhiều tuyến đường đã xuống cấp, không đủ nguồn lực đầu tư nên nhu cầu đầu tư phát triển, liên kết giao thông là rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất, theo Phó Chủ tịch Quốc hội là, cần phê duyệt quy hoạch về phát triển giao thông quốc gia để trên cơ sở đó, trong trung hạn và dài hạn, Trung ương phân bổ nguồn lực nhằm quyết tâm hoàn thành hệ thống giao thông đường bộ theo thứ tự ưu tiên: các tuyến cao tốc "xương sống" quốc gia, các tuyến cao tốc kết nối vùng rồi mới đến các địa phương...

"Ở cấp quốc gia, trách nhiệm của Trung ương là thống nhất quản lý và tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa để đầu tư xây dựng quốc lộ bảo đảm tiêu chuẩn, an toàn và kết nối vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Còn cấp địa phương nên tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với một số địa phương có khả năng cân đối ngân sách và sử dụng ngân sách địa phương tham gia đầu tư quốc lộ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là những trường hợp đặc thù, hãn hữu bởi nhìn chung, các địa phương hiện nay đều khó khăn trong việc tự cân đối ngân sách. Do đó, không nên luật hóa vấn đề này mà có thể phân cấp để địa phương tham gia vào quá trình đầu tư, giải phóng mặt bằng, thậm chí nếu địa phương đủ năng lực thì có thể để địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng đường cao tốc.

Bo-truong-Bo-Giao-thong-van-tai--1710499731854.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra căn cứ các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm tránh chồng chéo về nội dung, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của luật sau khi được ban hành. Đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật, nhất là các quy định mới phải bảo đảm “đã chín, đã rõ, có sự thống nhất”. Với những vấn đề đang làm thí điểm cần phải luật hoá thì phải có báo cáo bổ sung đánh giá tác động cụ thể để báo cáo Quốc hội.

Về các vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục làm rõ hơn cơ sở quy định giảm tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị và phát triển đô thị theo mô hình TOD; làm rõ hơn cơ sở và đánh giá kỹ tác động của 19 điều trong Chương quy định về đường cao tốc, nhất là về đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, cải tạo đường cao tốc...

Cùng với đó, cần làm rõ căn cứ đề nghị quy định giao UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ, đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ và quản lý, vận hành khai thác, bảo trì quốc lộ theo hướng ngân sách nhà nước phải tập trung đầu tư cho quốc lộ, đường cao tốc; ngân sách địa phương đầu tư cho tỉnh lộ, huyện lộ. Các trường hợp địa phương cân đối được ngân sách và ngân sách địa phương tham gia đầu tư xây dựng quốc lộ, đường cao tốc là những trường hợp đặc thù, bởi không dễ gì cân đối ngân sách địa phương để tham gia, do đó, không nên quy định cụ thể trong dự thảo luật.