Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua. Đồng thời, từ thành công của kỳ họp đầu tiên trong năm mới 2024, người đứng đầu Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, để cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Đây không phải là lần đầu tiên, quan điểm không để xảy ra tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” mới được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới. Còn nhớ cách đây 3 năm, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất - kỳ họp ghi dấu ấn đặc biệt của Quốc hội khi nhiều quyết sách được ban hành kịp thời về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của nhân dân…
Với nhiều nội dung quan trọng của kỳ họp bất thường lần đầu tiên, khi ấy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, để các Nghị quyết của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đi vào cuộc sống, ngay sau Kỳ họp, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua sớm phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”.
Điều đó cho thấy, tinh thần “bắt tay ngay vào việc”, đốc thúc tiến độ công việc ngay từ những ngày đầu năm luôn được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm.
Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa diễn ra, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách. Đây đều là những vấn đề quan trọng, tác động lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan hữu quan, sự “đồng hành, đồng tốc” của cả cơ quan lập pháp, hành pháp và các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện.
Với Luật Đất đai (sửa đổi) - vốn được xác định là nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, do đó, Chính phủ khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông… Qua đó, góp phần bảo đảm công tác quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả hơn.
Không chỉ thông qua các văn bản luật quan trọng, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho phép phân bổ, sử dụng gần 64.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc 5 lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học - công nghệ và giao thông vận tải, trong đó dành gần 58.000 tỷ đồng cho 32 dự án giao thông trọng điểm. Đây đều là những nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các văn bản luật, nghị quyết quan trọng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, của cử tri và nhân dân đã được Quốc hội ban hành kịp thời. Điều quan trọng lúc này là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình sớm bắt tay vào việc ngay từ những ngày đầu năm. Theo đó, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, bố trí, phân bổ nguồn lực để triển khai đối với các nhóm chính sách mới được ban hành… Có như vậy, luật, nghị quyết của Quốc hội mới sớm đi vào cuộc sống.
Song Hà