Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động giám sát
Báo cáo kết quả bước đầu và kế hoạch tiếp theo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” cho thấy, tính đến ngày 23.3, vẫn còn nhiều bộ, cơ quan trung ương, HĐND và UBND cấp tỉnh, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa gửi báo cáo cho Đoàn giám sát. Bên cạnh đó, chất lượng báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương không bảo đảm yêu cầu. Nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài, chủ yếu phản ảnh tình hình, kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế chỉ nêu nhận định chung chung, không nêu cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát.
Chia sẻ với những khó khăn của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu thực tế, việc giám sát qua hình thức nghe báo cáo có nhiều hạn chế do đối tượng chịu sự giám sát hiếm khi thẳng thắn nêu ra hạn chế trong báo cáo. Với nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hàng năm Chính phủ đều có báo cáo Quốc hội và Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra nội dung này. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo này, thì số bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo đúng thời hạn rất ít, thậm chí có những đơn vị không gửi báo cáo. Mặt khác, có những bộ, ngành, địa phương đến cuối năm còn chưa ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trước thực trạng chất lượng báo cáo còn có nhiều hạn chế, số lượng báo cáo không đầy đủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, Đoàn giám sát cần chỉ ra được nơi nào làm không tốt và nơi nào làm tốt, có địa chỉ, có ví dụ điển hình.
Nội dung giám sát liên quan trực tiếp đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, liên quan đến đất đai, tiền, tài sản công và gắn trực tiếp với trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện pháp luật về lĩnh vực này. Chính vì vậy, việc các đối tượng chịu sự giám sát báo cáo một cách đầy đủ, trung thực là câu chuyện rất khó. Chỉ ra thực tế này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề xuất, bên cạnh việc đôn đốc, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và địa phương báo cáo đầy đủ, chi tiết, thì Đoàn giám sát cũng cần chủ động rà soát, tổng hợp số lượng văn bản quy phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chủ động tìm kiếm, nắm bắt thông tin kịp thời. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của cơ quan kiểm toán và các cơ quan có liên quan trực tiếp đến các nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tập hợp, thống kê dữ liệu, đối chiếu với những báo cáo, tài liệu do các bộ, ngành, địa phương gửi về, trên cơ sở đó so sánh, đánh giá xem địa phương báo cáo với Đoàn số liệu đã sát thực tế hay chưa?
Góp ý vào kế hoạch làm việc với các bộ, ban ngành, địa phương trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Đoàn giám sát phải có nội dung khảo sát cụ thể để yêu cầu đối tượng chịu sự giám sát báo cáo rõ ràng, "ký tên, đóng dấu" để gắn trách nhiệm. “Khó chỉ ra nơi tiết kiệm tốt, ít lãng phí nhưng rất dễ có bằng chứng chỉ ra cái này không tiết kiệm, cái kia là lãng phí”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, "cần quy trách nhiệm ai không báo cáo, báo cáo sai, không có chuyện không chịu báo cáo".
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Đối với những nơi không bảo đảm tiến độ hoặc không gửi báo cáo, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Đối với những cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có báo cáo gửi Đoàn giám sát, nhưng chất lượng báo cáo chưa đạt yêu cầu, Đoàn giám sát đề nghị bổ sung, làm rõ vấn đề. “Không phải báo cáo để cho có mà báo cáo phải bám vào đề cương những vấn đề Đoàn yêu cầu, các số liệu báo cáo phải rõ, minh bạch”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu.
Nhấn mạnh tinh thần chung là phải đạt mục tiêu, yêu cầu xác định trong kế hoạch giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Tổ giúp việc, Đoàn giám sát tổng hợp danh sách những đơn vị gửi báo cáo muộn, không bảo đảm yêu cầu, lần hai báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp tục rà soát kỹ những vấn đề khó khăn đang đặt ra để tập trung triển khai những bước giám sát tiếp theo với cách thức, thời gian phù hợp.
Dự án thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) 3.000 tỷ đồng đã hoàn thành nhưng chưa có kênh mương dẫn nước và vùng tưới nên chưa phát huy hiệu quả. Nguồn: ITN
“Nói có sách, mách có chứng”
Kế hoạch giám sát chi tiết đặt ra yêu cầu giám sát đối với việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần đánh giá mức độ đạt được mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, lượng hóa được tối đa số liệu và giá trị tiết kiệm, thất thoát, lãng phí, để “từ con số mới ra được các nhận định”. Đối với lĩnh vực giám sát này, con số, số liệu là rất quan trọng. Nếu chúng ta không có số liệu thì nhận định, đánh giá sẽ không sát thực tế. Do vậy, Đoàn giám sát cần hết sức quan tâm đến việc lượng hóa mức độ đạt theo kế hoạch cũng như các giá trị đối với những nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị.
Thực tiễn cho thấy, ba lĩnh vực nổi cộm thường xảy ra tình trạng lãng phí là quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư công và quản lý, sử dụng tài sản công. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga mong muốn, Đoàn giám sát tập trung giám sát ba lĩnh vực này, qua đó, tạo được chuyển biến mạnh mẽ. “Chỉ khi chúng ta nêu rõ trách nhiệm thì mới tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, còn nếu vẫn ghi chung chung là có nơi, có lúc, có đơn vị, có địa phương mà không nêu cụ thể là đơn vị, địa phương nào làm chưa tốt thì cuộc giám sát sẽ không tạo được chuyển biến trong thực tiễn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Trên cơ sở 5 lĩnh vực trọng tâm của chuyên đề giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Đoàn giám sát cần sàng lọc, lựa chọn, tạo danh mục các vụ việc lớn vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe và tạo hiệu ứng xã hội, tránh việc nêu chung chung. Báo chí nêu hàng loạt dự án “làm nghèo” đất nước; hàng nghìn dự án treo, ruộng để hoang hóa sao không thu hồi được? Ở Tây Nguyên có hồ chứa nước mấy nghìn tỷ đồng làm xong lâu rồi mà không sử dụng tưới tiêu được thì trách nhiệm của ai? Ban hành văn bản dẫn đến thất thoát không nhỏ, gây ách tắc dẫn đến lãng phí thì nguyên nhân là gì? Dẫn ra một loạt vấn đề, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, "nếu xử lý tốt thì đây là nguồn lực rất lớn".
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, Đoàn giám sát cần tập trung giám sát những nội dung nóng, dư luận quan tâm, những vấn đề đang là điểm nghẽn, nút thắt, bài toán khó chưa có lời giải đáp. Báo cáo giám sát cần chỉ rõ những vi phạm trong thực hiện của từng bộ, ngành; có số liệu cụ thể về tình trạng thất thoát, lãng phí của từng bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, đưa ra các đề xuất, kiến nghị xử lý những vấn đề này như thế nào? Trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không thể chung chung mà phải có tính thuyết phục, lý giải bằng những con số biết nói, để "nói có sách mách có chứng" cụ thể ở ngành nào, chỗ nào, địa phương nào cần khắc phục… Báo cáo phải đầy đủ, chất lượng, bảo đảm tính chính xác, thực chất, toàn diện, bám vào những yêu cầu được Đoàn giám sát đặt ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.
Nhật An