Thành công từ OCOP

Từ bỏ công việc lương cao tại một công ty của Hàn Quốc, anh Nguyễn Sơn Tin (sinh năm 1992, Minh Hợp, Quỳ Hợp) về quê khởi nghiệp bằng sản phẩm hoa quả sấy. Anh Tin cho biết: “Quỳ Hợp quê tôi là vùng trồng cây ăn quả nổi tiếng, nhất là đặc sản Cam Vinh. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở Quỳ Hợp nói riêng và cả nước nói chung luôn tồn tại nghịch lý “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Do đó, khâu bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch có vai trò hết sức quan trọng. Sử dụng công nghệ sấy khô cũng là một phương án tối ưu và hiện đang ít người làm. Do đó, tôi đã lựa chọn khởi nghiệp bằng con đường này: hoa quả sấy khô. Đây cũng là một cách để giúp nông sản địa phương có thêm kênh tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất”.

ipiccy_image-1.jpg
Anh Nguyễn Sơn Tin khởi nghiệp từ các sản phẩm hoa quả sấy.

Năm 2021, anh Nguyễn Sơn Tin đã đầu tư hàng tỷ xây dựng nhà xưởng, trang bị dây chuyền máy móc và đi vào vận hành. Chỉ tính riêng năm 2021, công ty cổ phần HASAFOOD của anh Tin đã bao tiêu 60 tấn cam tươi, chế biến thành sản phẩm cam lát sấy khô, sấy lạnh; 40 tấn mít tươi thành sản phẩm mít sấy giòn; 60 tấn chuối thành sản phẩm chuối sấy giòn, chuối sấy lạnh; hàng chục tấn dứa và hiện đang chế biến sản phẩm bột trà xanh matcha… Các sản phẩm này được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước, phân phối tại nhiều cửa hàng, siêu thị bán lẻ hiện đại, tạo việc làm và thu nhập cho gần 30 lao động địa phương. Đặc biệt, nhờ được giới thiệu quảng bá trên Webitsite, Fanpage, qua các sàn thương mại điện tử khác nên sản phẩm hoa quả sấy này được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Mục tiêu năm 2022 của anh Tin là nâng cao các sản phẩm OCOP, xây dựng kế hoạch xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia…

“Cam, chuối, mít, chè xanh… đều là các loại cây trồng chủ lực tại địa phương. Do đó, bắt đầu vận hành sản xuất, được sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, chúng tôi đã đăng ký xây dựng các sản phẩm như: mít sấy, chuối sấy, bột chè xanh mát-cha… thành các sản phẩm OCOP. Hiện, 4 sản phẩm của công ty đã đạt 3 sao OCOP năm 2021. Việc đưa các loại nông sản địa phương này thành các sản phẩm đặc trưng gắn sao OCOP, được đóng gói bao bì, nhãn mác, có tem truy xuất nguồn gốc và được tiêu thụ rộng rãi đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, cũng như quảng bá các đặc sản địa phương đến các vùng miền. Đồng thời, việc được công nhận đạt chuẩn OCOP giúp các sản phẩm của chúng tôi như được “bảo hộ” về mặt chất lượng, uy tín, tạo dựng chỗ đứng trên thị trường”, anh Nguyễn Sơn Tin cho biết.

Chị Trần Thị Phương (Đặng Sơn, Đô Lương) vốn có nghề làm bánh tráng. Từ nền tảng đó chị đã phát triển cơ sở sản xuất bánh tráng quy mô, đáp ứng các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, có liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, xây dựng thương hiệu bánh tráng riêng... Năm 2020, sản phẩm bánh tráng của chị được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm và kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại. Từ đó, mở rộng thị trường, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.

Anh-3.JPG
Cơ sở sản xuất bánh ram của chị Phương tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Trên đây là hai trong số rất nhiều trường hợp khởi nghiệp và thành công với sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Hồ Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Những người trẻ có rất nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP: Có nhiều ý tưởng sáng tạo, đưa kiến thức khoa học công nghệ và kỹ năng quản trị mới vào sản xuất, thích ứng nhanh thương mại điện tử... từ đó tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Trong khi đó, chương trình OCOP lại là cơ hội để các bạn trẻ khởi nghiệp từ nông sản địa phương”.

Cần sự đồng hành tích cực

Nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp thanh niên nói chung và khởi nghiệp từ chương trình OCOP nói riêng, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương có nhiều cơ chế hỗ trợ đoàn viên thanh niên, doanh nghiệp trẻ như: Hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi; hỗ trợ quy trình thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, các chương trình khởi nghiệp sáng tạo cũng có những cơ chế ưu tiên nhất định đối với các bạn trẻ khởi nghiệp từ các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, thách thức đối với sinh viên, thanh niên muốn khởi nghiệp thông qua chương trình OCOP vẫn còn không ít bởi muốn biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng.

Trước hết, đó là vấn đề về vốn khởi nghiệp. Hầu hết các sản phẩm OCOP đòi hỏi quy mô sản xuất lớn hơn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng tầm giá trị sản phẩm, do đó, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Anh Nguyễn Sơn Tin chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất đối với những người trẻ như chúng tôi khi khởi nghiệp bằng các sản phẩm đặc trưng của địa phương đó chính là thiếu vốn để đầu tư sản xuất. Hiện, chúng tôi đã phải vay mượn gần 3 tỷ đồng để mua sắm máy móc, thiết bị, dây chuyền đóng gói… Song, theo kế hoạch năm 2022 này, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô xưởng gấp đôi hiện nay thì cần một số vốn tương đương. Do đó, điều chúng tôi mong muốn là được sự hỗ trợ, tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi để có vốn đầu tư, mở rộng sản xuất”.

bna_san-pham-3-sao.jpg
Các sản phẩm hoa quả sấy đạt 3 sao OCOP giúp tăng giá trị và quảng bá rộng rãi nông sản bản địa Quỳ Hợp

Bên cạnh vốn, thì việc khởi nghiệp bằng các sản phẩm đặc trưng của địa phương gặp khó khăn trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường. Do mới bắt đầu khởi nghiệp, việc tạo dựng uy tín, tạo thị phần gặp không ít khó khăn khi hầu hết các sản phẩm cùng loại này của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình đã chiếm lĩnh thị trường truyền thống. Do đó, việc kết nối, tìm kiếm thị trường mới rất cần thiết. Điều mà anh Nguyễn Ngọc Phương, chủ thể của sản phẩm bánh đa Lương Sơn, đạt 3 sao OCOP 2020 trăn trở nhất là thiếu thị trường tiêu thụ. “Sản phẩm bánh đa vừng khá phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là các làng nghề ở Đô Lương, Thanh Chương… Các thị trường như chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn... đều nhập hàng từ các mối quen này. Do đó, để tiêu thụ được lượng hàng ổn định, chúng tôi phải tự mày mò, kết nối và tìm kiếm qua nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm nên hiệu quả chưa như mong muốn. Vì vậy, để có đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm thì rất cần sự đồng hành của các cấp, ngành về quảng bá, xúc tiến thương mại, nhất là kênh thương mại điện tử”.

Bên cạnh bài toán về vốn vay và kết nối thị trường thì những người trẻ khởi nghiệp từ sản phẩm OCOP còn có những băn khoăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu; mong muốn được tạo quỹ đất để mở rộng quy mô sản xuất, được “tiếp sức” đồng hành của các cấp, ngành, địa phương từ việc phát triển ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo OCOP đến việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kế hoạch bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ máy móc và đào tạo, tập huấn; kết nối, liên kết cùng lập nghiệp từ sản xuất, tiêu thụ theo hướng bền vững… Qua đó, giúp những người trẻ phát huy được năng lực của mình, tận dụng lợi thế riêng có của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế.