Ảnh: Hoàng Ngọc
Xóa bỏ dần các chính sách "cho không"
- Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Quốc hội tiếp tục ban hành nhiều chính sách về dân tộc và có sự thay đổi tích cực ngay từ cách thức tiếp cận bảo đảm tính khả thi của chính sách, pháp luật. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?
- Khoản 4, Điều 5, Hiến pháp 2013 đã quy định: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Phát huy nội lực của đồng bào các dân tộc đã trở thành tư tưởng, nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong suốt giai đoạn vừa qua. Đây là cách thức quan trọng khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, phát huy truyền thống tốt đẹp vốn có của đồng bào các dân tộc, giúp đồng bào vươn lên mạnh mẽ, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc đủ đầy hơn. Điều này cũng đặt ra yêu cầu mới trong tiếp cận xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.
Với việc Quốc hội ban hành hai Nghị quyết mang tính lịch sử trong lĩnh vực dân tộc, đó là: Nghị quyết số 88/2019/QH14 về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 về phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đã tạo nền tảng quan trọng cho những tiếp cận thay đổi trên.
- Cụ thể sự thay đổi đó thể hiện như thế nào, thưa ông?
- Quan điểm trong Nghị quyết số 88 chỉ rõ định hướng: “Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số.”
Tiếp đó, Nghị quyết số 120 đã cụ thể hóa bằng các nguyên tắc: “Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh”.
Về định hướng nội dung chính sách trong Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết 120 đã được thiết kế đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những địa bàn khó khăn nhất để tập trung nguồn lực. Điểm nổi bật là chính sách đã chuyển dần từ hỗ trợ sang đầu tư có điều kiện mang tính dài hạn, xóa bỏ dần các chính sách cho không, chuyển sang các chính sách hỗ trợ, cho vay có điều kiện để người dân khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước. Nguồn tín dụng cho vay trong các chính sách này được xác định với kinh phí gần 43.000 tỷ đồng được huy động từ nhiều nguồn khác nhau.
Về đầu tư phát triển cũng như các hoạt động hỗ trợ sản xuất, sinh kế, xóa đói giảm nghèo, chính sách trong giai đoạn tới sẽ có nhiều đổi mới theo hướng sản xuất tập trung, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng để sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp cả đầu vào và đầu ra của sản xuất. Trong đó, người dân và cộng đồng sẽ là chủ thể, trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình thực hiện chính sách với nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng".
Cùng với các hoạt động sản xuất, đổi mới chính sách về giáo dục, phát triển nguồn nhân lực; đổi mới công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm, đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng là một trong những nội dung được quan tâm, đầu tư với nguồn lực khá lớn, để người dân và chính đồng bào các dân tộc tự chủ, đồng thời tìm giải pháp sinh kế phù hợp cho mình.
- Hiện cả nước đang triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia lớn, mang tính trọng điểm. Để phát huy nội lực ở địa bàn miền núi, vùng khó khăn, việc triển khai các chương trình, chính sách cần được xác định như thế nào để đạt mục tiêu và kỳ vọng?
- Hiện nay, chúng ta có 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, cả 3 chương trình này đều có nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Để phát huy nội lực của đồng bào, việc triển khai các chính sách trong thời gian tới, theo tôi, trước hết, cần lưu ý rằng, cả 3 chương trình này đều có một số nội dung tương tự nhau và chỉ khác nhau ở đối tượng, địa bàn trọng tâm thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến hỗ trợ về sinh kế, giảm nghèo cho người dân. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp lồng ghép, điều phối, tránh chồng chéo về nội dung và phù hợp với địa bàn thực hiện. Cơ chế quản lý phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất để tạo sự liên thông giữa các cơ chế, chính sách, đồng thời phải có những quy định đặc thù đối với chương trình, chính sách thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ hai, cần cụ thể hóa nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng" vào tình hình thực tiễn, chú trọng phát huy vai trò của người dân và cộng đồng tham gia quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá trong suốt quá trình tổ chức thực hiện chương trình, chính sách. Tăng cường trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở tuyến cơ sở.
Thứ ba, về hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế và giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số. Đây là nội dung lớn trọng tâm của cả 3 chương trình. Thực tiễn cho thấy có nhiều mô hình thành công, mang lại hiệu quả tốt. Vì vậy, trước mắt cần tổng kết, đánh giá hiệu quả của các mô hình này để có giải pháp nhân rộng phù hợp. Cùng với đó, cần đổi mới giải pháp hỗ trợ sản xuất theo hướng xây dựng nhiều mô hình hợp tác xã, tập trung sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; nghiên cứu lựa chọn những sản phẩm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, văn hóa của đồng bào các dân tộc. Phát huy những giá trị kiến thức bản địa trong sản xuất.
Thứ tư, đổi mới chính sách liên quan đến đào tạo nghề, bảo đảm thực chất hơn để đồng bào có thể sống được bằng nghề đã học. Trong đó, ưu tiên cơ chế miễn, giảm thuế, phí để các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trực tiếp vừa tham gia đào tạo vừa sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số. Các chương trình cần có sự phối hợp trong các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, nhất là đối với cộng đồng, người dân; đổi mới công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số cho phù hợp, hiệu quả, thực chất hơn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thiểu số.
Thứ năm, đổi mới công tác hỗ trợ tín dụng. Hiện nay, các chính sách tín dụng đã đổi mới nhiều theo hướng linh hoạt hơn và nâng cao định mức cho vay. Trong thời gian tới, các chính sách tín dụng cần đổi mới hỗ trợ theo hướng có điều kiện, thời hạn nhất định và đi kèm theo đó là các hoạt động hướng nghiệp để đồng bào sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, chủ động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đổi mới tư duy trong cách làm ăn, sinh kế.
Phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm
- Được giao phụ trách mảng việc rất quan trọng của Quốc hội - công tác dân tộc, trong năm qua - năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới Khóa XV, hoạt động của Hội đồng Dân tộc đã có những cải tiến, đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới của Quốc hội, thưa ông?
- Kế thừa và phát huy thành quả của nhiệm kỳ Khóa XIV và các nhiệm kỳ trước, Hội đồng Dân tộc đã lấy ý kiến, hoàn thiện Quy chế làm việc theo hướng phát huy tối đa dân chủ, nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của từng thành viên.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Hội đồng Dân tộc sẽ tiếp tục nghiên cứu đổi mới, cải tiến cách thức, phương pháp làm việc; khắc phục những hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là đôn đốc, giám sát để các Chương trình mục tiêu quốc gia đi vào cuộc sống; linh hoạt, kịp thời xử lý các công việc phát sinh phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19.
- Nhân dịp năm mới, ông có chia sẻ gì với cử tri là đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc?
- Trải qua nhiều khó khăn, thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19, có thể thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, theo sát đời sống của người dân cả nước, đặc biệt là đời sống đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với những quyết sách hết sức quan trọng, đúng đắn thời gian qua, tôi tin tưởng, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp, tính tự lực, tự cường; luôn tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phát huy được vai trò là chủ thể tham gia thực hiện chính sách, vững tâm xây dựng đời sống, tạo sinh kế, phát triển vươn lên cùng đất nước.
- Xin cảm ơn ông!