Theo phản ánh của ông Đặng Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Nghi Hoa, ở xã Nghi Hoa, địa phương nằm ở cuối nguồn nước, cộng với trạm bơm và hệ thống kênh mương trên địa bàn đã xuống cấp, hệ thống cấp 1 được đầu tư dang dở từ vài năm trước đến nay và hệ thống mương cấp 2, cấp 3 với số lượng mương đất nhiều, ngân sách đầu tư của địa phương hàng năm không đáp ứng. Điều đó dẫn đến nguồn nước phục vụ sản xuất vụ hè thu hết sức khó khăn, như vụ hè thu năm 2020 vừa qua, thời tiết nắng nóng, nước tưới không đảm bảo đã làm cháy hơn 200 ha lúa hè thu. Bên cạnh đó hơn 20 ha ở vùng Kho Vòm do việc tiêu úng không chủ động, chỉ sản xuất được vụ xuân, còn vụ hè thu bỏ hoang.
Không riêng xã Nghi Hoa mà xã Nghi Hưng cũng trong điều kiện tương tự. Toàn xã hiện có 350 ha lúa, trong đó 150 ha sử dụng nguồn nước tưới từ đập Ò Ò và diện tích còn lại phục thuộc vào hệ thống nước bơm từ sông Cấm về. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Thanh - Chủ tịch xã Nghi Hưng, thời điểm vào khoảng đầu tháng 5 đến cuối tháng 6, nước trên sông Cấm xuống thấp, nước biển đi qua cống Nghi Quang do bị hỏng mấy cánh cửa chắn xâm nhập sâu vào trong, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Mới đây nhất là vào giữa tháng 6 vừa qua, độ mặn nước trên sông Cấm do cơ quan chức năng đo được là 5‰, trong khi đó độ mặn cho phép chỉ 2‰.

Thực trạng khó khăn về nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Nghi Lộc được ông Trần Nguyên Hoà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện thông tin: Toàn huyện có 68 trạm bơm; 42 hồ chứa và hơn 1.400 km kênh mương thuộc 2 cấp quản lý gồm Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam và các xã quản lý, vận hành. Riêng hệ thống kênh mương, trong tổng số hơn 610 km kênh bê tông và kênh xây thì có gần 170 km kênh đã xuống cấp, đổ sập, bong tróc, gây rò rỉ, thất thoát nước trong quá trình bơm; hơn 800 km kênh đất chất lượng kém. Hệ thống trạm bơm với nhiều trạm đã xuống cấp và hàng chục đập, thân đập đang còn đất. Do đó, các công trình cấp nước trên địa bàn huyện cơ bản chỉ đáp ứng được nhu cầu tưới phục vụ sản xuất vụ xuân và vụ đông, còn vụ hè thu do nguồn nước cạn kiệt nên việc cấp nước cho một số vùng khó khăn, đặc biệt là các xã cuối nguồn sông Cấm, gồm Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Quang, Nghi Thuận, Nghi Hưng, những năm gần đây hầu như không có nước để sản xuất. Một số xã ven biển như Khánh Hợp, Nghi Thịnh, Nghi Thạch, Nghi Phong, Nghi Xuân, Phúc Thọ do vị trí ở xa nguồn nước nên chưa có công trình thuỷ lợi phục vụ tưới cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp nên phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên với tổng diện tích cả vùng hơn 1.250 ha lúa.
Để khắc phục tình trạng nêu trên và đáp ứng yêu cầu nước phục vụ tưới cho 8.786 ha lúa, 1.200 ha cây hàng năm và 640 ha nuôi trồng thủy sản, huyện Nghi Lộc vừa xây dựng đề án phát triển thuỷ lợi giai đoạn 2021 - 2025 với các nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó quan tâm huy động các nguồn lực, đồng thời ưu tiên bố trí ngân sách đề đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nhất là các công trình lớn có tính cấp thiết. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý, vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo hiệu quả. Trước mắt là phối hợp, thúc đẩy Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam xúc tiến triển khai dự án sửa chữa các cánh cửa cống bị rò rỉ tại ba ra Nghi Quang để khắc phục tình trạng xâm nhập mặn; nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương từ kênh đất hoặc kênh xây đã xuống cấp thành kênh bê tông kiên cố và sửa chữa, nâng cấp một số trạm bơm, hồ đập nhỏ…
Bài, ảnh: MINH CHI