Ngày 21/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Các đồng chí: Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc, Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ đồng chủ trì. Tham dự đầu cầu UBND tỉnh có đại diện các sở, ngành liên quan; đầu cầu các huyện, thành, thị có đại diện UBND và các phòng chuyên môn liên quan.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ cho biết, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021, cả tỉnh đã giảm được 20 đơn vị hành chính cấp xã và giảm được 2.085 xóm, khối, bản. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tinh giản biên chế; giảm chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng đã góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển bền vững.
Song, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như số lượng đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định vẫn còn nhiều. Việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư chưa kịp thời. Việc bố trí, sắp xếp các trụ sở cơ quan, đơn vị dôi dư tại một số địa phương còn nhiều bất cập.
Vì vậy, để thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát lại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030.
Đặc biệt, mặc dù Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quy định việc sắp xếp trong 2 giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030, nhưng thời gian thực tế triển khai ở mỗi giai đoạn là rất ngắn, gấp gáp để kịp cho công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 (dự kiến đại hội Đảng bộ cấp cơ sở diễn ra trong quý I/2025). Do vậy, đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ về lộ trình phương án thực hiện kịp thời, có hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ đề nghị các địa phương đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 chia sẻ bài học kinh nghiệm tốt, cách làm hay; tìm cách khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 – 2021, nhằm kịp thời tháo gỡ, phát huy hiệu quả để tổ chức tốt hơn việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Địa phương kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc sau sáp nhập giai đoạn 1
Giai đoạn 1 sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở Nghệ An thực hiện từ 2019 - 2021. Sau sắp xếp, sáp nhập các xã, xóm, đến nay các địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn chưa giải quyết xong. Tại hội nghị, các địa phương đã nêu tình trạng hiện tại, những vướng mắc cần giải quyết để việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2 được thuận lợi.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện UBND huyện Hưng Nguyên cho biết, giai đoạn 2019 – 2021, huyện đã giảm từ 21 xã xuống 16 xã. Bên cạnh chia sẻ các kinh nghiệm tổ chức sáp nhập xã xóm giai đoạn 1, lãnh đạo UBND huyện Hưng Nguyên còn nêu những tồn tại chưa giải quyết được.
Theo đó, thời gian tới, huyện Hưng Nguyên có 6 xã sáp nhập giai đoạn 2 thành 3 xã, đến nay đã thực hiện tuyên truyền về phương án, mục tiêu và cơ bản người dân đồng thuận. Tuy nhiên, Hưng Nguyên kiến nghị việc bố trí công tác cho cán bộ dôi dư vẫn còn bất cập khi vẫn còn 26 người/106 người tại 5 xã sau sáp nhập đến nay chưa sắp xếp được; nếu tiếp tục sáp nhập thì sẽ dôi dư 60 người nữa. Vì vậy, địa phương bày tỏ mong muốn các cấp ngành cấp trên hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn này, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện tiếp tục sắp xếp giai đoạn 2. Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí triển khai vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, đề nghị có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Còn tại huyện Nam Đàn, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Sơn nêu khó khăn lớn nhất sau sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 1 là dôi dư các trụ sở nhà văn hoá khối, xóm với 102 nhà, 5 trạm y tế; cán bộ công chức dôi dư 162 người, đến nay còn 52 người vẫn chưa bố trí được công tác phù hợp.
Thực tế ấy dẫn đến những tâm tư trong cán bộ, công chức sau khi sáp nhập xã, xóm. Giai đoạn 2023 – 2025, theo kế hoạch của UBND tỉnh, huyện Nam Đàn sẽ sáp nhập 4 đơn vị thành 2, đó là xã Nam Nghĩa sẽ sáp nhập với xã Nam Thái, xã Hồng Long sẽ sáp nhập với xã Xuân Long. Dự kiến sau sáp nhập sẽ thừa 2 trụ sở UBND xã, 2 trạm y tế và 30 cán bộ, công chức dôi dư, đưa tổng số lên 82 người dôi dư. Khó khăn cũ chưa giải quyết xong, khó khăn mới sẽ lại tiếp tục, nên địa phương rất trăn trở, mong muốn các cấp ngành hỗ trợ, hướng dẫn tối đa để tháo gỡ.
Một khó khăn nữa trong giải quyết các vướng mắc sau sáp nhập xã, xóm ở Nam Đàn cũng được Chủ tịch UBND huyện nêu tại hội nghị, đó là việc bán đấu giá trụ sở, trạm y tế. Các đơn vị tham gia đấu giá hầu như không có. Vì vậy, huyện đề nghị các cấp ngành hỗ trợ địa phương về định giá, đấu giá tài sản sau sáp nhập; có cơ chế mạnh hơn nữa trong bố trí sắp xếp cán bộ công chức dôi dư, có thể theo định hướng hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề…
Cũng tại hội nghị, đại diện Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Tài chính đã trả lời các địa phương về giải quyết những vướng mắc trong thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính. Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã sẽ triển khai song song với việc sáp nhập xã, xóm và bố trí công tác cho cán bộ dôi dư. Đề nghị các sở, ngành khi có thông tin báo cáo của địa phương thì khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp. Tỉnh cũng đã nhận định được nhiều khó khăn, vướng mắc và sẽ nỗ lực hỗ trợ tối đa để địa phương thực hiện.
Đại diện lãnh đạo Phòng Hành chính Sở Nội vụ cũng đề nghị các địa phương rà soát lại thực trạng cán bộ công chức trên địa bàn cả về chất lượng, số lượng và các phương án, kế hoạch, quy hoạch bố trí cán bộ công chức, ưu tiên bố trí các cán bộ công chức dôi dư.
Ông Trần Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, về băn khoăn xử lý tài sản sau sáp nhập giai đoạn 1, hiện Nghệ An vẫn còn 17 huyện và 600 tài sản chưa xử lý xong sau 5 năm sáp nhập. Đây cũng là lo lắng của tỉnh khi vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện. Trong các phương án xử lý tài sản công sau sáp nhập thì phương án bán đấu giá, thu hồi gặp vướng mắc về thủ tục hồ sơ, nhất là thiếu hồ sơ trong bán đấu giá. Các nhà thầu rất khó tham gia đấu giá vì liên quan tài sản trên đất. Việc phê duyệt giá khởi điểm bắt buộc phải tính đến giá của tài sản trên đất, trong khi nhà đầu tư khi đấu giá chủ yếu để mua đất. Ông Trần Việt Dũng khẳng định, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh có phương án để tháo gỡ.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả, đúng lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2. Trong đó chú trọng các nhiệm vụ như: Triển khai bài bản, thống nhất, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, nhân dân trước, trong và sau thực hiện; phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm chính trị cao trong thực hiện; quá trình sắp xếp phải phù hợp quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Đệ lưu ý phải việc sắp xếp đơn vị hành chính phải gắn với đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, đảm bảo cải cách hành chính, chuyển đổi số; chú trọng cân nhắc các yếu tố đặc biệt đặc thù; đồng thời giải quyết dứt điểm các tồn tại, thực hiện chế độ chính sách hợp lý cho cán bộ công chức sau sắp xếp; tạo thuận lợi cho hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hướng tới xây dựng hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hiệu quả.