Tỉnh Hòa Bình sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,5 - 5%; tỷ lệ nông sản hàng hóa qua sơ chế, chế biến đạt trên 30%… Mục tiêu này đã được UBND tỉnh đề ra trong Quyết định số 1014/QĐ-UBND, ngày 19.5.2021 về việc Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025.Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình BÙI VĂN KHÁNH
Với diện tích đất tự nhiên lớn, trong đó, đất nông nghiệp chiếm 14,03% tổng diện tích, đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, tạo việc làm cho hơn 80% dân cư nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, ngành nông nghiệp Hòa Bình đã định vị những lợi thế cạnh tranh, tái cơ cấu ngành, hướng tới nền nông nghiệp sạch chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng lớn và nông nghiệp bền vững.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số, công nghệ sinh học và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện có chiều sâu, thực chất hơn Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống. Có thể kể đến mô hình chuyên sản xuất cà chua của Công ty TNHH Skyfarm tại huyện Lương Sơn; trồng dưa lưới của Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh, mô hình liên kết sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp xanh Hiếu Thịnh ở huyện Lạc Sơn...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Huy Nhuận cho biết, hiện nay, ngành đang tập trung xây dựng vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Hết năm 2021, tỉnh đã cấp được 14 mã số vùng trồng cho hơn 200ha chuối, thanh long, nhãn, bưởi Diễn và 7 mã số cơ sở đóng gói. Vừa qua, Hòa Bình đã xuất khẩu chính ngạch 1.326 tấn sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu (Hà Lan, Séc, Đức...). Các sản phẩm nông nghiệp như: chuối, chè, măng, mía... được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước. Đây là kết quả của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, hữu cơ.
“Theo Đề án Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ cho nền kinh tế theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến. Đồng thời, phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp theo hướng mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, hướng đến xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái;…”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Huy Nhuận chia sẻ.
Hướng tới thị trường xuất khẩu
Thực tế phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Hòa Bình những năm gần đây đã có sự chuyển động tích cực và ngày càng khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Nhiều nông sản chủ lực đã vươn xa, được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến. Song, thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp; chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn...
Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỉnh đang tập trung, phát triển cấp mã số vùng trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cải thiện, nâng cao số lượng, chất lượng nhóm nông sản chủ lực từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực; chú trọng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhất là tại thị trường lớn trong nước và xuất khẩu…
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh, để chủ động chỉ đạo sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, UBND tỉnh đã yêu cầu, các đơn vị liên quan thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; thông tin về chất lượng sản phẩm, hướng dẫn các vùng sản xuất hàng hóa sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển và hướng tới xuất khẩu chính ngạch…
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao, Hòa Bình kỳ vọng sẽ xây dựng được nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Trần Tâm Nguồn: Báo ĐBND