Chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Nghệ An (NHNN), Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NH CSXH) đã bám sát các văn bản, quy định của Trung ương triển khai thực hiện hỗ trợ tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng. Kết quả các chính sách cho vay ưu đãi qua NH CSXH đến ngày 30/6/2022 đã giải ngân nguồn vốn 04/5 chương trình tín dụng cho 8.913 khách hàng, với số tiền 250,2 tỷ đồng, hoàn thành 78,4% chỉ tiêu được giao (chưa tính cho vay phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số). Đây là kết quả bước đầu đáng ghi nhận trong việc thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi.

Chỉ tiêu được giao vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm chỉ đáp ứng 17,8% nhu cầu đăng ký

Trao đổi với NHNN và NH CSXH chi nhánh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Như Khôi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nêu một số phản ánh, kiến nghị từ Hội Doanh nghiệp về vướng mắc các hướng dẫn, thủ tục gói hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mại và gói hỗ trợ giải quyết việc làm chưa rõ ràng, phía Ngân hàng chưa công khai, minh bạch để doanh nghiệp xác định được vay hay không được vay. Doanh nghiệp khó khăn do trước đó đã thế chấp vay vốn nên không còn đủ tài sản thế chấp để tiếp tục vay vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị ngành Ngân hàng đánh giá khả năng cho vay của ngân hàng và nhu cầu vay của các đối tượng thuộc diện của chính sách tín dụng.

dong-chi-nn-khoi.jpg
Đồng chí Nguyễn Như Khôi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với NHNN và NH CSXH chi nhánh Nghệ An một số phản ánh, kiến nghị từ Hội Doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Bá

Liên quan đến việc thực hiện chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng chính sách xã hội, ông Bùi Quang Vinh, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết ngoài gói cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm thì 04/5 chương trình cho vay ưu đãi còn lại đều được Ngân hàng CSXH Việt Nam giao chỉ tiêu theo nhu cầu đăng ký. Tuy nhiên, mặc dù nhu cầu vốn vay theo chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP qua rà soát các đối tượng trên địa bàn tỉnh là khá lớn, với tổng 1.465 tỷ trong năm 2022, 2023, riêng năm 2022 đã là 730 tỷ đồng nhưng chỉ giao chỉ tiêu cho tỉnh trong năm 2022 là 130 tỷ đồng, chiếm 17,8% kế hoạch, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn thực tế để tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Còn đối với chương trình cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mặc dù tỉnh đã được giao 150 tỷ/150 tỷ kế hoạch vốn trong năm 2022, tuy nhiên đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chưa có hướng dẫn cho vay vì còn chờ hướng dẫn của Chính phủ và Ủy ban Dân tộc. Thêm vào đó, chính quyền địa phương chưa công bố kết quả phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng các tiểu dự án liên quan làm căn cứ cho vay. Do vậy, quá trình phối hợp rà soát, xác định nhu cầu vốn gặp nhiều khó khăn, việc hoàn thành kế hoạch giải ngân nguồn vốn được giao trong năm 2022 rất khó thực hiện.

Hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại – vướng mắc các hướng dẫn đối tượng thụ hưởng

Ngoài các chính sách tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng chính sách xã hội, một trong những chính sách quan trọng tại Nghị quyết số 11/NQ-CP được sự quan tâm rất lớn từ các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh là hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Hội sở chính các Ngân hàng Thương mại, cung cấp các văn bản hướng dẫn nội bộ của Ngân hàng để NHNN Chi nhánh kịp thời theo dõi và có chỉ đạo kịp thời; chủ động trong việc đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 trong 2 năm 2022, 2023 và từng năm với Hội sở chính, báo cáo NHNN Chi nhánh ngay khi có hạn mức Đơn vị được Hội sở chính giao. Như vậy, việc hỗ trợ lãi suất 2% của các ngân hàng thương mại còn chờ hạn mức tín dụng từ Hội sở chính của các ngân hàng thương mại.

tin-cua-thu.jpg
Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc sau đại dịch Covid-19. Nguồn: BNA

Bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết quan điểm ngành Ngân hàng luôn đồng hành, song hành để hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng, nhất là trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các chính sách ưu đãi tín dụng được chỉ đạo triển khai nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được thụ hưởng chính sách.

Mặc dù vậy, cần nhận thức rằng các gói hỗ trợ lãi suất hướng đến đối tượng doanh nghiệp có khả năng phục hồi, nhằm mục đích giảm lãi suất, giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, khách hàng chứ việc thực hiện hỗ trợ lãi suất không làm hạ điều kiện vay vốn của khách hàng để được phê duyệt cho vay.

Một vướng mắc khác đặt ra đó là theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP thì đối tượng được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng không quy định đối tượng cá nhân kinh doanh. Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, tỷ trọng dư nợ cá nhân vay kinh doanh chiếm tương đối lớn trong tổng dư nợ. Ngoài ra, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất thì phải có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018. Tuy nhiên đối tượng Hộ kinh doanh theo điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/01/2021 bao gồm cả hộ kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh như các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối, bán hàng rong … (không có giấy phép đăng ký kinh doanh). Thực tế tại thị trường nông thôn tỉnh ta, các hộ kinh doanh thuộc đối tượng này khá nhiều, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và kinh doanh thời vụ nhưng không đăng ký kinh doanh. Những điều này sẽ khó khăn cho đối tượng cá nhân vay kinh doanh và hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi lãi suất.

Cũng liên quan đến hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh doanh, Nghị quyết số 11/NQ-CP đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ thì quy định ngành ngân hàng vẫn phải phân loại đúng nhóm nợ theo thực tế của khách hàng và trích lập dự phòng theo đúng nhóm nợ đó. Nếu ngân hàng chia sẻ với khách hàng vay vốn thì vẫn phải trích đủ dự phòng theo quy định. Điều này gây áp lực trong việc thực hiện các kế hoạch kinh doanh của ngân hàng thương mại. Vì vậy, có thể hiểu được việc một số ngân hàng thương mại không mặn mà với việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.

Thêm vào đó, nhiệm vụ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên cũng khó thực hiện. Bởi lẽ sau đại dịch Covid-19, nhu cầu về vốn tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh là rất lớn mà nguồn vốn không đáp ứng được nên ngành ngân hàng tăng lãi suất huy động để có thể huy động tiền nhàn rỗi, điều đó kéo theo lãi suất đầu ra tăng. Cùng với đó là ảnh hưởng lớn của việc làm phát nền kinh tế. Việc giữ lãi suất cho vay như hiện tại đã là một khó khăn, áp lực không nhỏ đối với ngân hàng thương mại. Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại diễn đàn kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thì mặt bằng lãi suất cho vay sau dịch Covid-19 tăng khoảng 0.09%.

Nội dung kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ được kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành chất vấn vào chiều ngày 12/7. Hi vọng rằng phiên chất vấn sẽ thảo luận, bàn giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nói chung từ việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP và từ các chính sách hỗ trợ tín dụng nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Thu Nguyễn