Mô hình bê đực sữa lấy thịt của ông Hồ Sỹ Điều

Kiếm tiền tỷ mỗi năm từ nuôi bò đực sữa

Ông Hồ Sỹ Điều (1957) xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa được coi là một trong những hộ tiên phong nuôi bò đực sữa lấy thịt ở Nghệ An. Lúc cao điểm, đàn bò đực sữa của ông lên đến trên 1.500 con, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 2 lứa bò đực sữa cho các thương nhân ở các tỉnh phía Bắc. “Sau khi mua bê đực sữa 3 ngày tuổi ở các trang trại bò sữa của Vinamilk, TH true Milk về chúng tôi chăm sóc, nuôi cho đến khi bê trưởng thành thành bò và bán ra thị trường. Thời gian nuôi khoảng 18-24 tháng, mỗi con đạt trọng lượng khoảng 1 – 1,2 tấn. Giá bán lúc cao điểm là 85-90.000 đồng/kg. Với quy mô 1.000 – 1.500 con thì cho doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm”.

Những con bò sữa đực được mua về để nuôi lấy thịt

Không riêng gì hộ ông Điều, có thời điểm, ở thị xã Thái Hoà có hàng chục hộ đầu tư chuồng trại, nuôi bê đực sữa lấy thịt. Hộ ít thì 5-7 con, hộ nhiều vài chục con, có hộ lên đến cả trăm con. Ở Nghĩa Đàn, mô hình nuôi bê đực sữa lấy thịt cũng được nhân rộng, đem lại việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ ở địa phương. Kinh tế trang trại, gia trại ở hai địa phương này vì thế cũng phát triển mạnh, tận dụng được tiềm năng về nguồn thức ăn dồi dào từ các phụ phẩm nông nghiệp, từ diện tích trồng cỏ voi ở đây. Ông Bùi Quốc Ánh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Thái Hòa cho biết: “Với tiềm năng về đất đai, nhất là diện tích trồng cỏ voi, cỏ sữa lớn và ở gần trang trại bò sữa của Tập đoàn TH, do đó, lượng bê đực sữa mỗi lứa sinh sản của trang trại khá lớn, xuất bán với giá khá rẻ được các hộ mua về chăm sóc, nuôi đến khi thành bò thịt trưởng thành, bán với giá cao. Có những hộ, có doanh thu tiền tỷ/năm từ nuôi bò đực sữa lấy thịt”.

Ông Điều chăm sóc bò sữa đực

Từ những mô hình nuôi bò đực sữa lấy thịt có hiệu quả ở Thái Hoà, Nghĩa Đàn, đến nay ở nhiều địa phương khác như Tân Kỳ, Quỳ Hợp cũng đã có nhiều hộ đưa vào nuôi thử nghiệm và cho kết quả khả quan. Hộ anh Võ Văn Dũng ở xóm Xuân Đình, xã Châu Đình bắt đầu nuôi bê đực sữa lấy thịt từ năm 2020. Với quy mô 150-200 con/lứa, anh liên kết với một công ty thực phẩm ở Hà Nội thu mua bò thịt với mức giá khá ổn định. “Ban đầu, trang trại của tôi chủ yếu nuôi bò vàng, bò 3B nhưng hiệu quả không cao. Sau khi học hỏi một số mô hình trong tỉnh và ở Hà Nội, Lâm Đồng, tôi quyết định chuyển sang nuôi bê đực sữa lấy thịt. Qua 3 năm nuôi cho thấy, hiệu quả kinh tế khá, đầu ra ổn định. Với mức giá dao động từ 65.000 đồng – 90.000 đồng/kg, sau 1 lứa nuôi (16-18 tháng), trừ chi phí, 1 con bò sữa đực mang lại thu nhập 12-15 triệu đồng. Nếu nuôi với quy mô lớn thì lợn nhuận cũng rất khá”.

Ngoài bán bò thịt thì với quy mô chăn nuôi lớn, hàng năm, trang trại còn có nguồn thu khá từ bán phân hữu cơ hoặc chuyển sang nuôi trùn quế.

Nắm vững kỹ thuật và liên kết chăn nuôi

Theo chia sẻ của ông Hồ Sỹ Điều thì so với nuôi bò lai Sind, bò 3B thì nuôi bê đực lấy thịt hiệu quả kinh tế hơn do tiết kiệm được khoản chi phí đầu tư ban đầu. Ông Điều cho biết: “Bò đực sữa sơ sinh thường được bán với giá rất rẻ so với giá bê giống hướng thịt (giá bê sữa sơ sinh chỉ khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/con, trong khi giá bê giống hướng thịt lúc 4 – 6 tháng tuổi lên đến 12 triệu đồng). Trong khi đó nuôi bê đực sữa có khả năng sinh trưởng, phát triển không kém gì các giống bê thịt hiện nay ở cùng lứa tuổi, khi mổ thịt thì tỷ lệ thịt loại 1 của bò sữa cao hơn nhiều so với bò thịt vì bò sữa có phần mông phát triển hơn bò thịt, lại không có u, yếm như bò thịt mà giá bán hơi của bò sữa và bò thịt là như nhau nên cánh lái buôn thường thích mổ thịt bò sữa hơn bò thịt. Do vậy, nuôi bê sữa lấy thịt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Máy băm cỏ cho bò sữa

Tuy nhiên, người chăn nuôi bê đực sữa lấy thịt phải chăm chỉ, chịu khó, phải nắm rõ đặc tính của bê, phải nắm được kỹ thuật chăm sóc bê, nhất là việc đầu tư chuồng trại đạt chuẩn. Bởi, bê đực sữa được các trại bán ra khi mới 2-3 ngày tuổi, thức ăn chủ yếu là sữa và phải rèn cho chúng khả năng ăn sữa ngoài thay cho bú mẹ. Trong vòng 7-15 ngày tuổi, bê con chỉ ăn sữa, mỗi ngày 2 buổi, 8h sáng và 5h chiều. Từ 16 ngày tuổi trở lên bê bắt đầu ăn dặm bằng cám ngô trộn với sữa và cỏ ủ lên men. Đến 4 tháng thì các chú bò “cắt sữa” hoàn toàn và thức ăn chính lúc này là cám và cỏ. Ông Điều chia sẻ: “Để nuôi bê sữa giai đoạn từ sơ sinh đến 4 tháng tuổi luôn khỏe mạnh thì nên sử dụng sữa bột thay thế, lượng nước pha sữa luôn phải đảm bảo thật sạch sẽ, nhiệt độ nước ổn định theo ngày và mùa khác nhau để tránh “stress” cho bê. Bên cạnh đó cần bổ sung thêm vào thành phần sữa một lượng men tiêu hóa vừa đủ, vitamin Bcomplex (các vitamin nhóm B) giúp bê tăng cường sức đề kháng, tiêu hóa tốt. Từ 5 đến 18 tháng tuổi nên bổ sung thêm thức ăn ủ chua, bã đậu, bã bia; trước khi xuất bán thì tiến hành vỗ béo bò đực sữa, trong giai đoạn này nên tăng cường khẩu phần thức ăn tinh”.

Nhiều người đến tham quan mô hình của ông Điều

Ngoài ra, chuồng trại phải đảm bảo khô ráo, thoáng mát, công tác vệ sinh chuồng trại, sát trùng tiêu độc, tiêm phòng cho đàn bê, bò luôn được thực hiện nghiêm ngặt. Đồng thời, nếu nuôi với quy mô lớn thì phải đầu tư đồng bộ các trang thiết bị tiên tiến như: giàn phun mưa làm mát chuồng, máy cắt cỏ, máy thái cỏ, máy phối trộn thức ăn, xe vận chuyển thức ăn trong chuồng… để giảm nhân công, tăng hiệu suất lao động, từ đó tăng hiệu quả kinh tế.

Vài năm trở lại đây, nuôi bê đực sữa hướng thịt đang là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế khá. Song vấn đề mà ông Điều cũng như các hộ chăn nuôi khác trăn trở đó chính là đầu ra ổn định cho bò đực sữa lấy thịt. “Hiện chăn nuôi nói chung và nuôi bò đực sữa nói riêng vẫn còn nhiều biến động, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định. Trong khi, việc xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm mới chỉ manh nha, chưa bền chặt và chưa có sự vào cuộc của các ngành hữu quan. Điều chúng tôi mong muốn là được các cấp, ngành hữu quan khảo sát, đánh giá chất lượng bò thịt nuôi từ bê đực sữa có gì khác với các giống bò thịt thông thường hiện có trên thị trường, từ đó có định hướng phù hợp; kết nối, tạo liên kết để tìm đầu ra bền vững và hiệu quả cho bò sữa đực lấy thịt”.