Chiều 27/10, tại TP. Vinh, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tổ chức Kỳ họp thứ 16 (Kỳ họp chuyên đề).

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ tọa kỳ họp.

Dự Kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các vị đại biểu HĐND tỉnh.

bna-img-9689-2015.jpg.webp
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khoá XVIII. Ảnh: Phạm Bằng

Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thông qua Chương trình phát triển đô thị thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Tờ trình của UBND tỉnh, thành phố Vinh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh Nghệ An và của vùng Bắc Trung Bộ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An. Sau hơn 12 năm được công nhận là đô thị loại I, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Đảng bộ, UBND và nhân dân thành phố Vinh đã nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và đạt được những kết quả cao trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong những năm qua và thực hiện phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, đồng thời làm cơ sở trình phê duyệt Đề án mở rộng ranh giới hành chính thành phố Vinh, việc xây dựng Chương trình phát triển đô thị Vinh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là một yêu cầu tất yếu và cấp thiết.

bna-img-9733-7709.jpg.webp
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Phạm Bằng

Chương trình phát triển đô thị Vinh là cơ sở để các cơ quan chức năng, lập kế hoạch triển khai thu hút các nguồn lực, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật, kết nối các khu chức năng trong đô thị và kết nối giữa đô thị Vinh với hệ thống đô thị trong tỉnh Nghệ An cũng như trong khu vực.

Mục tiêu của Chương trình nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển đô thị thành phố Vinh theo Quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 52 năm 2015.

Xây dựng các chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm; cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình (thành phố Vinh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I, đô thị thông minh).

Xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy hoạch, có kế hoạch và phát huy những lợi thế có sẵn phù hợp với quy hoạch chung đô thị được duyệt. Khai thác sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực...

bna-img-9775-895.jpg.webp
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Phạm Bằng

Theo nội dung của chương trình phát triển đô thị, quy mô dân số của thành phố Vinh đến năm 2030 khoảng 900.000 người, trong đó dân số đô thị chiếm 90%, với tỷ lệ tăng 2,8% - 3,3%/năm từ 2020 - 2030.

Quy mô lao động dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 450.000 người, chiếm tỷ lệ 50% dân số. Trong đó, phân bố trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp là 22.000 người, chiếm tỷ lệ 5%; ngành công nghiệp và xây dựng là 180.000 người, chiếm tỷ lệ 40%; ngành dịch vụ là 248.000 người, chiếm tỷ lệ 55%.

Quy mô đất đai: Đất dân dụng khoảng 114,319 km2 gồm khu vực Vinh - Hưng Nguyên: 69,468 km2, Cửa Lò: 27,574 km2, Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam: 15,411 km2, khu vực nông thôn 1,866 km2. Đất ngoài dân dụng khoảng 69,419 km2 gồm khu vực Vinh - Hưng Nguyên: 40,805 km2, Cửa Lò: 14,42 km2, Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam: 9,963 km2; khu vực nông thôn 4,23 km2; Đất khác khoảng 66,27 km2.

bna-img-9740-8293.jpg.webp
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Phạm Bằng

Căn cứ theo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và tình hình phát triển đô thị hiện trạng, không gian đô khu vực Quy hoạch chia thành 3 vùng phát triển, cụ thể:

Vùng thứ nhất: Toàn bộ thành phố Vinh hiện hữu (gồm 16 phường và 9 xã); toàn bộ thị xã Cửa Lò (gồm 7 phường và 4 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong thuộc huyện Nghi Lộc). Tổng diện tích: 166,24 km2, dân số khoảng 575.718 người. Sau khi điều chỉnh, thành phố Vinh sẽ có 32 đơn vị hành chính, gồm 27 phường.

Chức năng là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ; là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh; là đầu mối giao thông, cửa ngõ quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ, cả nước và quốc tế; Có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh của quốc gia, quốc tế.

Vùng thứ hai: Khu vực thị trấn Quán Hành và các xã thuộc huyện Nghi Lộc, bao gồm toàn bộ thị trấn Quán Hành; các xã: Nghi Vạn, Nghi Trung, Nghi Trường, Nghi Thạch, Khánh Hợp, Nghi Thịnh, Nghi Long và một phần xã Nghi Xá thuộc huyện Nghi Lộc; tổng diện tích khoảng 66,64 km2, dân số khoảng 59.545 người. Chức năng là trung tâm công nghiệp và đầu mối vận tải hàng hóa, phát triển các khu đô thị mới, vùng đệm xanh kết nối giữa các cực động lực của đô thị Vinh.

nghe-an-dang-huong-toi-tro-thanh-trung-tam-cua-khu-vuc-bac-trung-bo-trong-anh-mot-goc-tp-vinh-anh-sach-nguyen-4559.jpg.webp
Một góc thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Vùng thứ 3: Khu vực thị trấn và các xã thuộc huyện Hưng Nguyên, bao gồm toàn bộ xã Hưng Tây; một phần thị trấn Hưng Nguyên; một phần các xã Hưng Mỹ, Hưng Thịnh, Hưng Đạo, tổng diện tích khoảng 27,59 km2, dân số khoảng 22.700 người. Chức năng là vùng ven của thành phố Vinh mở rộng, vùng mở rộng Khu kinh tế Đông Nam phát triển khu hỗn hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

Nghị quyết cũng xác định lộ trình triển khai xây dựng các khu vực phát triển đô thị, gồm: Giai đoạn 2023-2025: Thực hiện đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đô thị nhằm khắc phục các tiêu chuẩn chưa đạt của đô thị loại I.

Triển khai xây dựng các khu vực phát triển đô thị tại vùng thứ nhất (khu vực thành phố Vinh mở rộng), cụ thể: Khu vực xã dự kiến thành lập phường; Khu vực hai bên trục Đại lộ Cửa Lò - Vinh; Khu vực đô thị Cửa Lò hiện hữu và mở rộng về phía Tây thuộc huyện Nghi Lộc (khu đô thị Đại học).

Giai đoạn 2026-2030: Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đô thị nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại I của thành phố Vinh; thị trấn Quán Hành, thị trấn Hưng Nguyên đạt tiêu chí đô thị loại V. Triển khai xây dựng các khu vực phát triển đô thị tại các vùng, gồm:

Vùng thứ nhất: Khu vực thành phố Vinh mở rộng (Các dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực các phường hiện hữu). Vùng thứ hai - khu vực thuộc huyện Nghi Lộc: Khu vực đô thị Quán Hành và Khu kinh tế Đông Nam.

bna-img-9847-4947.jpg.webp
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua dự thảo Nghị thông qua Đề án đề nghị công nhận thành phố Vinh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I. Ảnh: Phạm Bằng

Giai đoạn 2031-2050: Triển khai xây dựng các khu vực phát triển đô thị tại các phân vùng: Hưng Nguyên và khu đô thị, khu công nghiệp thuộc phân vùng; Các khu vực: Vùng đệm thuộc vùng nông thôn và vùng ven của các phân vùng phát triển.

Để thực hiện Chương trình, dự kiến sẽ bố trí hơn 20.443 tỷ đồng để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, các chương trình, đề án trọng điểm phát triển đô thị Vinh bền vững và hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng đã thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án đề nghị công nhận thành phố Vinh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I. Thành phố Vinh sau khi mở rộng sẽ bao gồm 16 phường, 9 xã hiện hữu; toàn bộ 7 phường của thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc.

Đối chiếu với 5 tiêu chí đô thị loại I được quy định tại Nghị quyết số 26/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, hiện trạng hạ tầng đô thị của thành phố Vinh sau khi mở rộng đạt 83,24/100 điểm và đủ điều kiện để đề nghị công nhận là đô thị loại I theo quy định.