cover-desstop-1275.jpg

Lời tòa soạn: Tuy cùng cơ chế, chính sách nhưng rõ ràng địa phương nào dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới hoặc có tập thể, cá nhân lãnh đạo dám vì cái chung mà hành động thì luôn có kết quả tốt trong phát triển kinh tế- xã hội. Những địa phương trong loạt bài này đều đã đạt được những thành quả lớn ở nhiều hay từng lĩnh vực cụ thể.

sapohass-1278.jpg tit-1-1279.jpg

9h sáng, hàng trăm công nhân phân xưởng may mặc của Công ty BGG Bắc Giang (thị trấn Kép, huyện Lạng Giang) hăng say hoàn thành các đơn hàng chờ xuất sang thị trường Châu Âu.

Hướng mắt về phía nhóm công nhân đang hăng say làm việc, ông Dương Thanh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, cách đây tròn một năm, dịch Covid-19 quét qua, cảnh tượng tại phân xưởng lúc ấy thật sự “rất đau lòng”.

Hồi sinh mạnh sau đại dịch, Công ty BGG hiện nay có gần hai nghìn công nhân làm việc ổn định với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/lao động. Các đơn hàng trong và ngoài nước đang được hoàn thành để giao kịp tiến độ.

quote-1-1280.jpg

BGG Bắc Giang chỉ là một trong hàng trăm doanh nghiệp tại tỉnh này đang hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Từng doanh nghiệp khôi phục hoạt động sau dịch bệnh đang đóng góp vào bức tranh kinh tế tỉnh Bắc Giang những kết quả tích cực.

Thống kê sáu tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Bắc Giang đạt tới 24%. Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay của Bắc Giang và đứng đầu cả nước.

Ngoài ra, bảy tháng đầu năm 2022, tỉnh thu hút hơn một tỷ USD tổng vốn đầu tư quy đổi. Riêng với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bắc Giang thu hút được hơn 800 triệu USD (đứng thứ 7 cả nước).

Trong tám tháng năm 2022, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Bắc Giang tăng 53,9% so với cùng kỳ năm trước.

quote-2-1281.jpg

Thống kê mới nhất của tỉnh Bắc Giang cho thấy, toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp được Thủ tướng chấp thuận chủ trương. Trong đó có 5 khu công nghiệp đang hoạt động với tỉ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối.

Từ việc chủ động đón làn sóng dịch chuyển đầu tư, trong vòng sáu tháng, tỉnh Bắc Giang có 19 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đăng ký lên đến gần 300 triệu USD; 26 dự án khác tăng tổng vốn thêm gần 600 triệu USD.

Số liệu thống kê từ 2015 đến nay, tỉnh này đã thu hút thêm được 6,4 tỷ USD, đưa tổng vốn FDI đăng ký lên 8,84 tỷ USD; Bắc Giang đứng thứ 13 toàn quốc về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cùng với việc hồi sinh các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, hơn 300 nghìn lao động tại Bắc Giang đang duy trì công việc ổn định với thu nhập bình quân ở mức khá.

Trao đổi với VietNamNet về tốc độ tăng trưởng tích cực đạt được, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng chia sẻ: “Tỉnh đón nhận kết quả trên trong tâm thế chủ động và xem đó là tiền đề, nguồn động lực để tiếp tục bứt phá, hoàn thành các mục tiêu trong thời gian tới”.

Bà Hồng nói thêm, kết quả trên đạt được trong bối cảnh tỉnh Bắc Giang vừa trải qua hơn một năm chống chọi với đại dịch Covid-19.

quote-3-1282.jpg

Tỉnh từng chứng kiến hàng trăm doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, phá sản; áp lực cân não thuyết phục các nhà đầu tư “đại bàng” khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy; kết quả tăng trưởng có giai đoạn tụt về con số âm…

Để gượng dậy sau đại dịch và lấy lại đà tăng trưởng tích cực, theo bà Hồng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 nhiệm kỳ 2020-2025 được xác định là cột mốc quan trọng.

Tỉnh ủy Bắc Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2025 là đưa Bắc Giang trở thành một tỉnh công nghiệp. Cũng trong năm 2025, Bắc Giang đặt mục tiêu sẽ tự cân đối về thu chi ngân sách.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang nhìn nhận, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang hướng đến sự bền vững và nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.

tit-2-1283.jpg

Trực tiếp phụ trách về lĩnh vực kinh tế của Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn nhìn nhận, kết quả tăng trưởng của tỉnh đạt được xuất phát từ định hướng phát triển của tỉnh tập trung ba mũi nhọn chính gồm công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

“Bắc Giang có dư địa phát triển công nghiệp rất tốt”, ông Tuấn nói và viện dẫn, tỉnh có lợi thế về giao thông khi có tuyến cao tốc kết nối từ Hà Nội đi Lạng Sơn, Thái Nguyên; các trục quốc lộ kết nối vùng với các địa phương lân cận. Đặc biệt, Bắc Giang có nhiều nguồn lực phát triển khi có số lượng lao động lớn, lành nghề.

Dù vậy, ông Tuấn thẳng thắn chia sẻ, trong bức tranh tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế cần tháo gỡ. Một trong số đó là sự tăng trưởng không đồng đều giữa các doanh nghiệp.

quote-4-1284.jpg

“Việc phục hồi và phát triển sau đại dịch tập trung vào các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Tỉnh đã nhận ra và tổ chức rất nhiều giải pháp, thậm chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp xuống với doanh nghiệp để lắng nghe, động viên và ban hành các chính sách để tiếp sức cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Đặc biệt, ông Phan Thế Tuấn cho biết, cơ cấu kinh tế hiện nay của tỉnh phụ thuộc lớn vào các dự án FDI. Đại dịch Covid xảy ra đã cho thấy, khi dịch tấn công vào khu vực kinh tế này sẽ kéo giảm sự tăng trưởng của toàn tỉnh. Thậm chí, đưa chỉ số này về tăng trưởng âm.

Từ đây, Bắc Giang một mặt thu hút các dự án FDI chất lượng cao, mặt khác triển khai đồng loạt các giải pháp để thu hút các doanh nghiệp nội đầu tư trên địa bàn.

Ngoài ra, ông Tuấn chia sẻ, tỉnh Bắc Giang đang phát triển rất mạnh về công nghiệp. Tuy nhiên, các dịch vụ đi kèm hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu từ thực tiễn đặt ra. Việc đầu tư phát triển tại các huyện, thành phố vẫn chưa đồng đều, các huyện miền núi thu hút đầu tư còn chậm.

tit-3a-aba-1285.jpg

Nhận diện rõ những tồn tại hiện hữu, tỉnh Bắc Giang triển khai hàng loạt giải pháp để đưa phát triển của tỉnh theo hướng bền vững.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh hướng đến là cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Một trong những ưu tiên của tỉnh là tập trung cải cách hành chính để thu hút đầu tư. Việc cải cách này bắt đầu từ thái độ phục vụ của cán bộ với người dân, doanh nghiệp.

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều tổn thất với Bắc Giang, nhưng cũng từ đó, Bắc Giang linh hoạt trong việc “chớp thời cơ vàng” để tạo đà phát triển.

quote-5-bac-giang-1286.jpg

Một trong những dẫn chứng rõ nét nhất của việc chớp thời cơ của Bắc Giang là giữ chân lao động. Khi dòng chảy lao động Bắc Giang rời khỏi các tỉnh phía Nam trở về quê, tỉnh nhanh chóng có hàng loạt chính sách để lực lượng lao động lành nghề này làm việc trên chính quê hương mình.

Bên cạnh có nguồn lao động dồi dào, lành nghề, theo ông Phan Thế Tuấn, Bắc Giang chớp thời cơ về “làn sóng dịch chuyển đầu tư” sau đại dịch đã có những tác động tích cực. Thống kê của UBND tỉnh cho thấy, đã có trên 500 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước mong muốn đầu tư tại Bắc Giang.

Dù vậy, ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định tỉnh không ồ ạt thu hút các dự án FDI mà có “sự chọn lọc”. Tỉnh kiên định chọn các dự án không ô nhiễm, sử dụng ít đất, lao động và ưu tiên nhà đầu tư công nghệ cao, suất vốn và hiệu quả kinh tế cao.

Một điểm nhấn đáng chú ý trong việc hoạch định chiến lược phát triển của Bắc Giang là mở rộng không gian phát triển bằng cách kết nối vùng.

Cụ thể hóa quan điểm trên, vào đầu năm 2022, tỉnh Bắc Giang cùng với Quảng Ninh và Hải Dương chính thức thực hiện các chính sách về liên kết vùng để thúc đẩy tăng trưởng các địa phương.

Với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, các thế mạnh, tiềm năng đặc trưng của địa phương, việc ký kết liên kết vùng được kỳ vọng sẽ mang đến kết quả tích cực.

“Trong thời gian tới, việc Bắc Giang có biển từ kết nối vùng với Quảng Ninh là điều khả thi”, Phó Chủ tịch Phan Thế Tuấn chia sẻ.

Quan điểm của Bắc Giang trong việc liên kết vùng là ưu tiên hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó số một là làm tốt hạ tầng giao thông và văn hóa, du lịch.

“Để phát triển bền vững, chúng tôi xác định không chỉ đi một mình mà phải có sự đồng hành của các địa phương trong vùng như Quảng Ninh, Hải Dương”, ông Phan Thế Tuấn nhấn mạnh.

Đoàn Bổng - Thiết kế: Nguyễn Ngọc