Công khai, minh bạch trong việc phân phối nguồn lực đất đai

Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, bảo vệ môi trường... của đất nước.

Luật gồm 16 chương, 260 điều, tăng thêm 2 chương so với Luật Đất đai năm 2013; bổ sung một chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương, trong đó, sửa đổi, bổ sung 180 điều; bổ sung mới 78, bỏ 30 điều.

dau-gia-dat-1707468262425.jpg
Luật Đất đai (sửa đổi) phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn

Đáng chú ý, Luật lần này đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến giá đất để bảo đảm việc xác định giá đất tiếp cận theo các nguyên tắc của thị trường và khắc phục tình trạng giá đất do nhà nước xác định bị thấp hoặc lạc hậu hơn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường, dẫn đến việc lợi ích của người dân, đặc biệt là khi bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chưa được bảo hộ một cách hiệu quả và đầy đủ.

Đồng thời, để bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân phối nguồn lực đất đai, lần này Luật đã quy định Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất nhưng thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Theo PGS.TS. Doãn Hồng Nhung - Đại học Quốc gia Hà Nội, trong Luật sửa đổi lần này cho thấy, những người có cuộc sống trực tiếp mưu sinh từ đất đai cũng sẽ được phép nhận quyền sử dụng đất, những đối tượng không trực tiếp sản xuất kinh doanh cũng có thể được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để hoạt động đầu tư kinh doanh với các mô hình đầu tư gián tiếp. Như vậy, vấn đề về nhà ở, sở hữu tài sản gắn liền với đất ngày càng minh bạch hóa, được minh chứng bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Nhà nước sẽ có thể quản lý chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực đất đai.

Cần sớm ban hành nghị định về phát triển thông tin, dữ liệu đất đai

Luật cũng phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đồng thời thiết lập các cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quản lý của trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai tập trung, thống nhất. Luật cũng khuyến khích và chủ yếu áp dụng việc nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm.

Như vậy, sẽ giúp giá đất cho thuê hàng năm bám sát được giá thay đổi về quyền sử dụng đất trên thị trường, làm cho đất đai phát huy được nguồn lực và nhà nước cũng sẽ tăng nguồn thu từ đất đai cho ngân sách nhà nước, đặc biệt là đối với các tỉnh.

Cũng theo quy định của Luật, bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Phân tích về nội dung mới này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bỏ khung giá đất là một trong những việc cho thấy chúng ta đi theo kinh tế thị trường, dần dần trao quyền cho UBND các huyện để họ tự xác định giá đất hàng năm và trên cơ sở đó làm cho giá đất mang tính thị trường nhất. Bởi, rõ ràng với một phạm vi địa lý nhỏ hơn, thời gian ngắn hơn thì việc xem xét giá cả đất đai sẽ phù hợp nhất với từng địa bàn.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua với sự công phu, tâm huyết, cẩn trọng của Quốc hội, sự đóng góp ý kiến sâu sắc của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học cũng như toàn xã hội sẽ trở thành cơ sở cũng như hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, đặc biệt là giúp hoạt động đầu tư, kinh doanh liên quan đến bất động sản công khai, minh bạch hơn.

Để Luật sớm đi vào cuộc sống, các chuyên gia kiến nghị, Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cùng với các luật liên quan khác nhằm khắc phục chồng chéo, vướng mắc, bảo đảm hiệu lực thực thi. Ngoài ra, cần sớm ban hành nghị định về phát triển thông tin, dữ liệu đất đai, cùng với các văn bản khác nhằm hướng dẫn chi tiết các phương pháp định giá đất và các nguồn thông tin đầu vào (có thứ tự ưu tiên sử dụng) để xác định giá đất khoa học hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các đạo luật đã được ban hành, đặc biệt là các điểm mới, đáng chú ý và tác động cũng như các điểm cần được làm rõ, cần được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết hơn cho người dân, tổ chức và các bên liên quan hiểu rõ, thực hiện đúng, hạn chế vi phạm, tiêu cực, tăng hiệu lực thực thi trong thực tiễn.