mohinh-9951--n1.jpg
Những con đường giao thông nông thôn được mở rộng, làm mới tại thôn Tất Xứng, xã An Hồng nhờ hiệu quả của công tác dân vận.

Chi bộ thôn Tất Xứng, xã An Hồng, huyện An Dương là một trong những cơ sở có mô hình hoạt động rất hiệu quả, gây dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân. Đó là mô hình “Vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn; mở rộng diện tích đất trồng rau gia vị cho hiệu quả kinh tế cao”. Xuất phát từ Đề án của Huyện ủy về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, vận động nhân dân chuyển đổi, mở rộng diện tích sang trồng rau gia vị thu nhập cao, khắc phục tình trạng nông dân cấy lúa, hiệu quả thu nhập thấp, mô hình được thực hiện trên địa bàn thôn Tất Xứng, thu hút cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn tích cực tham gia hưởng ứng và lan tỏa trên địa bàn toàn xã.

Ngay từ những ngày đầu triển khai, Chi bộ xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với 2 tiêu chí: Xây dựng đường giao thông nông thôn; sản xuất - thu nhập. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được triển khai thực hiện thông qua các hội nghị chi bộ, họp thôn; cán bộ thôn đến từng hộ gia đình nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận động người dân hưởng ứng tham gia hiến đất làm đường, giải phóng mặt bằng, mở rộng diện tích trồng rau gia vị cho hiệu quả kinh tế cao…

Nhờ sự đồng lòng triển khai của đông đảo người dân, mô hình đã hoàn thành theo kế hoạch: 137 hộ dân đã hiến đất thổ cư, đất nông nghiệp với tổng diện tích là 2.100m (Trong đó đất thổ cư 800m, đất nông nghiệp 1.300m); hoàn trả đất hành lang 25.658m đất; di dời vật kiến trúc, cây cối bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Đáng chú ý, về sản xuất mở rộng diện tích trồng rau gia vị: Tổ hợp tác “Trồng rau gia vị” đã khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp; giảm diện tích hoang hóa. Trước đây tổ hợp tác có trên 20 hộ gia đình trồng 2 ha rau gia vị, đến nay mở rộng diện tích thành 4,3ha; cho thu nhập bình quân 1,39 triệu/ha/năm (50 triệu/sào/năm); trong đó có gia đình trồng 4 sào thu hoạch 200 triệu đồng/năm. Diện tích sâu trũng 5 mẫu được cải tạo đang phát triển nuôi trồng thủy sản cho thu nhập 500 triệu đồng/năm.

Tại quận Hải An, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Đằng Hải, đã triển khai hiệu quả Mô hình đầy tính nhân văn: Kết nối yêu thương, giảm nghèo bền vững. Đây là hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện chủ trương của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, nhằm thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo, giảm nghèo bền vững gắn với triển khai cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau”. Mô hình được thực hiện trên địa bàn phường Đằng Hải đã vận động được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Để triển khai mô hình, Mặt trận Tổ quốc phường đã kết nối, vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài phường hằng năm ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các quỹ phúc lợi xã hội khác của địa phương; tham gia hỗ trợ xây, sửa nhà dột nát, xuống cấp cho các hộ nghèo; nhận đỡ đầu, trợ giúp cho trẻ em mồ côi mất nguồn nuôi dưỡng; người cao tuổi cô đơn không có người có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ chăm sóc phụng dưỡng nhưng đang hưởng Bảo trợ xã hội; người mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị lâu dài thuộc hộ nghèo… Đến nay, Ban Chỉ đạo mô hình phối hợp Mặt trận, UBND phường xây mới 5 ngôi nhà, sửa 1 ngôi nhà, tổng số tiền xã hội hóa hỗ trợ các hộ là 803 triệu đồng. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, vận động từ 40-50 suất quà, mỗi suất trị giá từ 300.000 đồng-600.000 đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn.

Ban Chỉ đạo mô hình phối hợp Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường chỉ đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận phường và 17 Ban Công tác Mặt trận vận động kinh phí trao tặng quà cho các hộ với tổng số kinh phí gần 50 triệu đồng/năm. Có 13 hộ nghèo đã được Ban Chỉ đạo kết nối với các doanh nghiệp chung tay trợ cấp kinh phí 1.000.000đ/hộ/tháng; bằng 156 triệu đồng/năm.

Ngoài những mô hình tiêu biểu nêu trên, các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng cho biết, trên địa bàn thành phố còn rất nhiều tập thể xuất sắc, tiêu biểu khác đã và đang có nhiều cách làm, mô hình hoạt động thiết thực vì nhân dân, của nhân dân. Đó còn là mô hình “Kết nối yêu thương” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Đông Hải, quận Lê Chân; tại Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đa Phúc, quận Dương Kinh có mô hình “San sẻ yêu thương”…

Không chỉ các tập thể, nhiều cá nhân ở thành phố Hải Phòng tạo dựng cho mình những mô hình hoạt động hiệu quả, không chỉ giúp bản thân vươn lên mà còn tạo điều kiện cho nhiều người khác trong cuộc sống. Đó là anh Vũ Văn Quân, Phó Bí thư chi đoàn thôn Kỳ Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy: Mô hình “Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình VAC”.

Mô hình của Văn Quân được xây dựng từ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố, Nghị quyết của Đảng ủy xã Tân Trào về các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội; căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương đầm, ruộng bị bỏ hoang nhiều không ai canh tác. Mong muốn của Vũ Văn Quân được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, góp phần phát triển kinh tế, giúp đỡ, tạo việc làm cho người dân trong xã và chia sẻ kinh nghiệm với các bạn đoàn viên thanh niên về kinh nghiệm khởi nghiệp trên mọi miền Tổ quốc. Mô hình được thực hiện tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút được đông đảo các tầng lớp thanh niên và nông dân trên địa bàn xã quan tâm, học tập kinh nghiệm. Mô hình được chính quyền và nhân dân ghi nhận đánh giá cao; được thanh niên một số huyện khác và các tỉnh bạn trao đổi kinh nghiệm về làm kinh tế VAC.

Văn Quân đã tuyên truyền, vận động các hộ liền kề cho thuê ruộng để xây dựng mô hình trang trại VAC, đã tích tụ được 40.000m2; lập trang Fanpage “Thanh niên khởi nghiệp” có 78.000 thành viên trên mọi miền Tổ quốc để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi chó rottweiler thuần chủng của Đức; nuôi gà chọi; nuôi cá Koi Nhật Bản và cá trắm cỏ; trồng dừa xiêm lùn; đầu tư vốn để thực hiện mô hình VAC và tổ chức các hoạt động thiện nguyện.

Vốn đầu tư mức ban đầu là 2 tỷ đồng, nuôi 15 con chó rottweiler thuần chủng của Đức, mỗi năm xuất từ 20-30 chó con; nuôi 150 gà mái đẻ, hàng trăm gà chọi và 2.000 gà con giống; nuôi cá chép Koi Nhật Bản và cá trắm cỏ, mỗi năm thu được 5-7 tấn cá; trồng 500 cây dừa xiêm lùn… Tổng doanh thu có năm đạt hơn 1,4 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 thanh niên với mức lương 5 triệu đồng/tháng, 10 lao động thời vụ với mức lương 250.000 đồng/ngày. Mô hình góp phần phát triển kinh tế tại địa phương và trao đổi kinh nghiệm với các bạn đoàn viên, thanh niên ở các địa phương khác về kỹ năng khởi nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hiệu quả từ mô hình VAC.

Từ lợi nhuận thu được, hằng năm Văn Quân đã trích ra một phần kinh phí tổ chức các hoạt động thiện nguyện (như làm từ thiện ở Làng trẻ SOS, ủng hộ đồng bào lũ lụt tại tình Hòa Bình, giúp người khó khăn ở Lào Cai, giúp đỡ người nghèo trên quê hương Tân Trào), mỗi năm trị giá hàng trăm triệu đồng.

Còn có thể kể đến ông Trần Tăng Dũng, Hội viên nông dân xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, với mô hình “Vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung quy mô lớn” hay ông Hoàng Văn Viên, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trực Trang, xã Bát Trang, huyện An Lão có mô hình “Vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hữu cơ”…

Trao đổi với chúng tôi về các mô hình Dân vận khéo, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng Lê Trí Vũ cho biết: Một trong những nội dung trọng tâm cần được quan tâm trong thời gian tới là tiếp tục củng cố, nhận rộng, lan tỏa ý nghĩa thực tế của các mô hình trong cuộc sống của người dân. Với phương châm Vì nhân dân, của nhân dân, các mô hình sẽ có sức sống mạnh mẽ, không chỉ làm sâu đậm hơn truyền thống chia sẻ, giúp đỡ, đùm bọc nhau của người dân mà còn góp phần quan trọng mở thêm nhiều hướng đi mới trong công tác dân vận, đoàn kết, tập hợp người dân.

ĐINH LÊ