Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng Vũ Duy Tùng, thành phố Hải Phòng luôn thực hiện nhất quán quan điểm “giao thông phải đi trước một bước” và đã tập trung cao cho quy hoạch và thực hiện “đột phá” trong phát triển hạ tầng giao thông theo đúng ưu tiên hàng đầu trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng.

Cũng chính vì vậy mà những thế mạnh của thành phố về vị trí địa lý và là nơi hội tụ đầy đủ năm loại hình giao thông: cảng biển cửa ngõ quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam-Trung Quốc, cùng hệ thống giao thông đường bộ kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn của vùng và khu vực đã phát huy hiệu quả.

Chỉ tính trong giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng đã xây dựng mới 46 cây cầu cùng hàng trăm km đường với tổng vốn đầu tư gần 44 nghìn tỷ đồng. Những tuyến đường rộng mở, vươn dài cùng những cây cầu thay thế cho các tuyến phà cũ kỹ qua các dòng sông bao quanh thành phố như: Cấm, Lạch Tray, Bạch Đằng, Văn Úc, Thái Bình... đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Cảng. Hải Phòng hiện có gần 8.000km đường bộ, tăng gấp hơn bốn lần so với năm 2005 và 145 cây cầu, tăng gần gấp hai lần năm 2005.

Theo thống kê, tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020 đạt gần 565 nghìn tỷ đồng, gấp ba lần giai đoạn 2011-2015, phần lớn trong số này được tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông được tập trung vốn và thi công với tốc độ khẩn trương, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông của thành phố và giảm ùn tắc giao thông như các cầu: Bính, Võ Nguyên Giáp, Đăng, Hàn, Hoàng Văn Thụ...

Cùng với đó là tuyến đường và các cây cầu trên các trục tuyến giao thông kết nối với các địa phương trong khu vực như: Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương… được đầu tư, mở mang, chủ yếu bằng nguồn vốn nội lực của Hải Phòng.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các địa phương: Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh để bàn các giải pháp phối hợp, liên kết cùng phát triển. Trong đó, một nội dung quan trọng được bàn bạc, thống nhất là tập trung xây dựng các cây cầu vượt sông; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường để tạo kết nối, tăng cường giao thương khu vực.

Nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã hoàn thành như: đường ô-tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng-Hạ Long; đường và cầu ô-tô Tân Vũ-Lạch Huyện; cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 (đoạn Quán Toan-Cầu Nghìn); cùng các công trình cầu Quang Thanh, cầu Dinh kết nối với Hải Dương; cầu Đăng, cầu sông Hóa kết nối với Thái Bình được hoàn thành, đưa vào khai thác góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương ngày càng gia tăng.

Ngay cuối năm 2022, đầu năm 2023, thành phố Hải Phòng đã tích cực phối hợp tỉnh Quảng Ninh để khởi công xây dựng cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân; xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình; nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ cầu Kiến đến cầu Đá Bạc bằng ngân sách thành phố…

Các công trình giao thông này sau khi hoàn thành sẽ là những cơ sở quan trọng trong hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã được Hải Phòng tập trung chuẩn bị, sẵn sàng khởi công trong thời gian tới như: xây dựng tuyến đường vành đai 2 thành phố Hải Phòng, đoạn nút giao Tân Vũ-Hưng Đạo- đường Bùi Viện; đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận; xây dựng nhà ga T2 sân bay Cát Bi...

Các dự án này sẽ không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội thành phố Cảng, mà còn góp phần quan trọng để phát triển Hải Phòng trong không gian chung của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Nhất là thực hiện mục tiêu phát triển khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.