Góp ý kiến vào dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Tại hội nghị, thay mặt ngành Tòa án tỉnh, Chánh án Tòa án tỉnh Trần Ngọc Sơn đã thông tin sơ bộ về sự cần thiết và ý nghĩa của việc sửa đổi Luật lần này. Theo đó Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 sau 1 thời gian áp dụng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Hơn nữa, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện lại một số chức năng của ngành. Chính vì thế, dự thảo Luật đã được cho ý kiến, bổ sung nhiều lần tại các kỳ họp.
Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) lần thứ 4 bao gồm 9 chương, 151 điều, trong đó bổ sung mới 51 điều, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, dự thảo Luật mới giảm 2 chương và tăng thêm 54 điều.
(Trích dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi).
Cụ thể, theo dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) năm 2023 có các nội dung sửa đổi lớn như quy định thêm nội hàm quyền tư pháp gồm nhiệm vụ, quyền hạn của các toà án; hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án như: Tổ chức lại bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp cao và đổi mới theo thẩm quyền xét xử mà theo đó Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thay thế bằng Tòa án nhân dân phúc thẩm và Tòa án nhân dân cấp huyện là Tòa án nhân dân sơ thẩm; thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; đổi mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; đổi mới ngạch, bậc của các chức danh tư pháp; quy định chặt chẽ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh tư pháp như thẩm phán, hội thẩm nhân dân; bên cạnh hình thức xử trực tiếp, lưu động thì có thêm hình thức xét xử trực tuyến, quy định về truyền thông, thông tin các vụ án sau xét xử…
Tại hội nghị, các vị đại biểu Quốc hội và đại diện Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án Quân khu 4, Mặt trận Tổ quốc tỉnh… đã bổ sung một số ý kiến theo hướng làm rõ nội hàm quyền tư pháp và nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án cho dễ hiểu và cần cụ thể hóa, xây dựng cơ chế để Tòa án thực hiện quyền tư pháp như quyền xét xử, phán quyết về các tranh chấp vi phạm pháp luật; quyền giải thích, áp dụng pháp luật và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; làm rõ vụ việc đặc thù trong chế định tòa chuyên biệt; bổ sung quyền thu thập chứng cứ cho tòa án trong các vụ việc hành chính, dân sự để bảo vệ quyền lợi đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yếu thế...
Bên cạnh các ý kiến cơ bản đồng tình với tinh thần dự thảo, tại hội nghị có một số ý kiến chưa đồng tình với phương án gọi tên tòa án theo thẩm quyền xét xử; không nên thành lập tòa chuyên biệt; cần làm rõ thêm quyền tư pháp của tòa án bao gồm những quyền gì để phân biệt với các cơ quan tư pháp còn lại.
Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội trân trọng tiếp thu các ý kiến phát biểu góp ý và chia sẻ của đại diện MTTQ tỉnh, các sở, ngành và hội Luật gia, Đoàn Luật sư. Quan điểm của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh là ủng hộ sớm thông qua dự án Luật này tại kỳ họp cuối năm 2023.
Về tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, đoàn đề nghị Chánh án tỉnh tổng hợp báo cáo các ý kiến góp ý về ngành dọc và đề nghị cung cấp thêm thông tin, luận cứ để thảo luận thống nhất các nội dung còn khác biệt. Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, chỉnh sửa, báo cáo trình Ban dự thảo tiếp tục xem xét trong quá trình bổ sung, hoàn thiện dự án Luật này./.