TS. CẤN VĂN LỰC, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam:

1-8922.jpg

Tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ

Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP rất kịp thời, mọi thành phần của nền kinh tế đều kỳ vọng Nghị quyết sẽ nhanh chóng đi vào đời sống xã hội; kích thích sản xuất, tiêu dùng; thúc đẩy sự phục hồi, phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn.

Trong đó, nổi bật là các giải pháp về gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022; hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh...

Để triển khai nhanh chóng, hiệu quả các phương án hỗ trợ, trước mắt cần tập trung đẩy nhanh, quyết liệt cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; kiên quyết tháo gỡ rào cản, vướng mắc sớm nhất có thể để nhiều doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ; chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Đối với việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm, các ngân hàng phải bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng, tránh hiện tượng “xin - cho” để nguồn vốn hỗ trợ chảy đúng hướng, không đi vào những lĩnh vực không đóng góp cho sự phục hồi kinh tế. Đồng thời, cần tăng tính gắn kết giữa các khối doanh nghiệp trong nước với nước ngoài và giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ; khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ thành công và hiệu quả; tạo điều kiện để xây dựng một số doanh nghiệp lớn với vai trò như cánh chim đầu đàn dẫn dắt trong kiến tạo, kết nối các chuỗi giá trị để cùng nhau vươn lên và phát triển.

TS. TÔ HOÀI NAM, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

to_hoai_nam1.jpg

Một số bộ, ngành phải chuẩn bị trước

Nghị quyết 11/NQ-CP đề ra những giải pháp hỗ trợ trực tiếp, thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng doanh nghiệp vì đây là trụ cột của nền kinh tế. Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mới có thể phục hồi.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hy vọng vào chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 và giãn, gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng,… Không chỉ vậy, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng thuộc các đối tượng được giảm lãi suất 2%/năm. Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có đơn vị phải tạm đóng cửa, nguồn vốn để đầu tư và duy trì hoạt động đã cạn kiệt, doanh nghiệp rất cần vốn mới để tái đầu tư.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc nỗ lực cải cách thể chế, quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Về mặt tổ chức thực hiện, Nghị quyết đã phân công rất rõ, tuy nhiên có một số bộ, ngành phải đi trước một bước trong công tác chuẩn bị như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước vì các đơn vị này liên quan trực tiếp tới các chính sách tiền tệ và phân bổ nguồn lực hỗ trợ.

TS. LÊ DUY BÌNH, Giám đốc Economica Việt Nam:

dsc09201-1639018896.jpg

Giám sát chặt để vốn đến với doanh nghiệp có nhu cầu thực sự

Nghị quyết 11/NQ-CP đã đáp ứng được mong mỏi của các doanh nghiệp, thị trường, và các thành phần trong nền kinh tế. Để Nghị quyết thực sự tạo đà phục hồi, phát triển cho doanh nghiệp đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương.

Phương án hỗ trợ lãi suất được doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã rất mong chờ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt thị trường và kinh tế vĩ mô. Với quy mô 40 nghìn tỷ đồng nhưng gói hỗ trợ lãi suất này có thể ảnh hưởng tới khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ của nền kinh tế, tức là khoảng 25% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng với nền kinh tế hiện nay. Do đó cần có sự giám sát chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến và phản ứng của thị trường. Nếu thực hiện không tốt, chính sách hỗ trợ có thể không đến được với những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự. Không chỉ vậy, còn nguy cơ tác động đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, gây áp lực lạm phát hoặc rủi ro nợ xấu...

Minh Trang