Ai cũng mong muốn có một nơi để “an cư lạc nghiệp”. Tuy vậy, trên thực tế, đối với không ít người lao động, nhất là người có thu nhập thấp, để có được nơi ở ổn định vẫn là một ước mơ xa vời, nhất là trong tình trạng giá nhà chung cư ở một số đô thị lớn đang có hiện tượng tăng đột biến như hiện nay.
Trong suốt giai đoạn từ 2015 đến nay, trên địa bàn cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 567.042 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành: 373 dự án với quy mô 193.920 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 129 dự án, quy mô 114.934 căn. Đây là một con số còn khá khiêm tốn so với nhu cầu của người dân về nhà ở.
Câu hỏi đặt ra, vì sao phát triển nhà ở xã hội luôn là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhưng trên thực tế cung vẫn chưa theo kịp cầu?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là còn nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội, việc phát triển nhà ở xã hội chủ yếu phụ thuộc vào quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại, nhưng triển khai còn nhiều bất cập, vướng mắc. Không ít nhà đầu tư cho rằng, dù đã có chính sách ưu đãi của nhà nước nhưng chính sách lại chưa thực sự khuyến khích, thu hút nhà đầu tư khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia.
Không chỉ là chính sách ưu đãi chưa thật sự hấp dẫn, một trong những điều mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia dự án nhà ở xã hội còn phàn nàn nhiều, đó là thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội phức tạp hơn và nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại. Ngoài các thủ tục chung như phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư; giao đất, cho thuê đất thì dự án nhà ở xã hội phát sinh thêm các thủ tục về xác nhận các đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội; thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đáng nói là, việc thực hiện các thủ tục này rất phức tạp, kéo dài, dẫn đến không ít nhà đầu tư không mặn mà với việc đầu tư vào dự án nhà ở xã hội.
Để người dân dễ dàng tiếp cận được với nhà ở xã hội, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về nhà ở xã hội. Theo đó, sớm nghiên cứu ban hành văn bản quy định riêng về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án phù hợp với đặc thù của loại hình nhà ở chính sách này, tạo điều kiện đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Cùng với đó, cần bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị.
Cùng với đó, cải cách thủ tục xét duyệt cho vay, tránh tình trạng, chính sách thì rất hay nhưng tiếp cận lại phải qua một “rừng thủ tục”. Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực thi về chính sách đối với nhà ở xã hội đúng pháp luật. Sớm ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm đối với các trường hợp cố tình trục lợi chính sách. Có như vậy, nhà ở xã hội mới đến đúng đối tượng.
Cần khẳng định, đây là chuyên đề giám sát khó, bởi nội dung, phạm vi giám sát rộng do thị trường bất động sản và nhà ở xã hội liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương. Nhưng đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, rút ra bài học kinh nghiệm. Từ đó, có kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Đó cũng chính là điều mà người dân, nhà đầu tư kỳ vọng rất lớn qua giám sát tối cao lần này của Quốc hội.