Thường trực HĐND tỉnh đã nghe và cho ý kiến về Kế hoạch, đề cương giám sát “việc thực hiện các tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Tại các kỳ họp thường lệ cuối năm, theo quy định, Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia qua xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Bên cạnh đó, với phạm vi ảnh hưởng, tác động lớn đến đời sống mỗi người dân, mỗi địa phương vùng nông thôn cũng như sự phát triển chung của toàn tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã và sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bắt đầu từ năm 2010, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai. Giữa kỳ thực hiện giai đoạn đầu này, năm 2016, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện các tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Diện mạo khởi sắc từ phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã vùng biên của Nghệ An

Qua giám sát cho thấy, sau 5 năm triển khai, với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của người dân đã giúp cho Chương trình đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; kinh tế phát triển khá; văn hóa, y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố và tăng cường. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn từ 14,4 triệu đồng/người/năm 2010 tăng lên hơn 19,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 25,22% năm 2010 xuống còn 12,1%). Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh, nhất là các vùng khó khăn. Kết quả đạt tiêu chí tăng khá nhanh, từ bình quân 3,64 tiêu chí/xã (năm 2010) tăng lên 12,73 tiêu chí/xã (đến ngày 31/8/2016); số xã được công nhận đạt chuẩn là 114 xã (chiếm 26,5%). Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh có nhiều sự sáng tạo, đổi mới như Nghệ An là tỉnh đầu tiên trong cả nước có các Ban xây dựng Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thành viên Ban Chỉ đạo; chủ trương vay, mua hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn đem lại hiệu quả cao; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quy định tạm thời Bộ tiêu chí xóm, bản nông thôn mới để phù hợp với vùng miền Tây và khu vực miền núi. Công tác dân chủ được coi trọng, trao quyền nhiều cho người dân trong thực hiện, kiểm tra, giám sát, nhờ vậy, kết quả huy động vốn từ Nhân dân đạt tỷ lệ cao gấp 3 lần so với quy định của Thủ tướng Chính phủ (đạt 29,1%/quy định là khoảng 10%).

Hệ thống hạ tầng giao thông huyện Hưng Nguyên được đầu tư khá đồng bộ

Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số vấn đề nổi lên cần quan tâm như: có sự chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền (số xã đạt chuẩn của các huyện đồng bằng là 36,4% còn tại các huyện miền núi mới chỉ 16,7%); một số tiêu chí hoàn thành ở mức độ thấp, tính bền vững chưa cao nhưng chưa có giải pháp chỉ đạo khắc phục thường xuyên (như văn hóa, giáo dục, hộ nghèo, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự, môi trường...); việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiệu quả chưa cao; đặc biệt, nợ xây dựng cơ bản của Chương trình còn lớn (với số tiền 1.031 tỷ đồng), nhiều địa phương lúng túng trong cân đối nguồn lực để trả nợ.

Bằng nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra qua giám sát, đến ngày 31/10/2020, nợ đọng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh không còn và bước sang các năm tiếp theo 2021, 2022, 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp thường xuyên bám sát cơ sở để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Kinh tế nông thôn dần chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các làng nghề chế biến nông sản được hình thành và mở rộng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững ở nông thôn, nhất là các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Mở rộng, làm đường giao thông nông thôn tại xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương

Hiện nay, cùng với cả nước, Nghệ An đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu cao hơn giai đoạn trước. Các địa phương còn lại chưa về đích là những địa phương khó khăn, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Các địa phương đã về đích cần phải vươn lên chuẩn cao hơn - nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phát huy kết quả đạt được, vận dụng những bài học kinh nghiệm từ giai đoạn trước, khắc phục những hạn chế, tồn tại, Nghệ An đang tích cực thực hiện Chương trình. Sau gần 10 năm, sắp tới đây, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII sẽ triển khai chuyên đề giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Phạm vi giám sát không chỉ dừng lại ở kết quả thực hiện các tiêu chí mà sẽ xem xét việc thực hiện toàn bộ Chương trình, trong đó bao gồm cả 11 nội dung thành phần, 6 chương trình chuyên đề; kết quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; việc thực hiện Bộ tiêu chí riêng của tỉnh về thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cũng sẽ đánh giá hiệu quả triển khai các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới thời gian qua như Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND về hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, sẽ đánh giá hiệu quả thực hiện các cơ chế riêng đối với một số địa phương như huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành.

Thông qua xây dựng nông thôn mới, Thanh Chương chú trọng xây dựng cảnh quan nông thôn đẹp

Đồng thời với việc đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cả giai đoạn và hằng năm; ban hành các cơ chế, chính sách; phân bổ nguồn lực thực hiện Chương trình, hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh với tinh thần vừa toàn diện, vừa sâu sát, cụ thể sẽ giúp cho việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn và để Nghệ An tiếp tục là điểm sáng trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”./.