Khẳng định nỗ lực chuyển đổi số

Theo kế hoạch trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Cục C06 - Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nghiên cứu, triển khai tích hợp 2 loại giấy tờ này trên các ứng dụng VneID (ứng dụng định danh điện tử), VssID (Bảo hiểm xã hội số). Đây là một nỗ lực trong chuyển đổi số lĩnh vực bảo hiểm y tế.

Đại diện Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR). Khi đó, người bệnh chỉ cần 1 cuộc điện thoại, hoặc 1 mã bảo hiểm y tế, mã chuyển tuyến… trình ra khi đến bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên nào được chuyển đến, là có thể được tiếp nhận.

Hiện nay, việc chuyển tuyến đang được chia thành 2 luồng. Đó là từ tuyến dưới lên tuyến trên, nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân và từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi tình trạng sức khỏe của người bệnh ổn định, bảo đảm công tác điều trị lâu dài. Vai trò của giấy chuyển viện rất cụ thể, ghi rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án, do đó, khi chuyển tuyến dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết.

Mặc dù vậy, theo ghi nhận, để có giấy chuyển tuyến từ tuyến dưới, nhiều người bệnh đã phải chấp nhận đi khám bệnh, thực hiện các bước siêu âm, X-quang, xét nghiệm… ở tuyến dưới trước, dù kết quả này hoàn toàn không được chấp nhận khi khám và điều trị ở tuyến trên. Cũng có người phải nhờ đến quan hệ, xin xỏ để có được tấm giấy "thông hành" này.

1-16842256788501586700871-0-16-1240-2000-crop-1684225687086595372512.jpg
Dự kiến 1.4, triển khai thử nghiệm gửi và nhận dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và giấy hẹn khám lại. Nguồn: ITN

Khẳng định việc số hóa giấy chuyển tuyến giúp đơn giản thủ tục cho người bệnh và việc liên thông được giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là yêu cầu bắt buộc; Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh TS.BS Diệp Bảo Tuấn cho biết, giấy chuyển tuyến rất quan trọng bởi cung cấp các thông tin như tình trạng bệnh nhân, kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, thông tin thuốc, phương pháp thủ thuật, kỹ thuật đã sử dụng cho người bệnh. Khi người bệnh được chuyển về tuyến dưới thì giấy chuyển tuyến cũng là căn cứ để có thể không cần thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe, giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh và xã hội.

Minh bạch trong chuyển tuyến

Việc duy trì giấy chuyển tuyến không chỉ giúp rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến/khám lại; mà còn giúp hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến, bảo đảm hệ thống y tế bền vững, phát triển đồng đều trong tương lai.

Mặt khác, việc triển khai giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử cũng hứa hẹn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị thiết thực phục vụ quản lý nhà nước về công tác chuyển tuyến, tạo kho dữ liệu tập trung phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách bảo hiểm y tế sát với thực tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xin giấy chuyển tuyến cần bảo đảm đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh và khả năng khám bệnh, chữa bệnh từng tuyến, tránh dồn lên hết tuyến trên. Việc này còn giúp tránh tạo khoảng cách về chuyên môn kỹ thuật giữa tuyến trên và tuyến dưới.

Theo Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP. Hồ Chí Minh), để có thể thực hiện một cách suôn sẻ và đồng bộ, quan trọng nhất là sự liên thông giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Về lâu dài, cần có các chiến lược, chính sách nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến không cần thiết, người dân yên tâm và chấp nhận điều trị ở tuyến dưới.

Theo Bộ Y tế, để hạn chế các vấn đề tiêu cực phát sinh trong việc xin giấy chuyển tuyến, Bộ sẽ rà soát các quy định chế tài xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở y tế vi phạm quy định về chuyển tuyến. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí chuyển tuyến một cách cụ thể hơn, như trường hợp bệnh nặng, đến mức nào phải chuyển lên tuyến trên, nhằm bảo đảm công khai, minh bạch trong chuyển tuyến.