Giám đốc Sở Nội vụ: Nhìn rõ hạn chế để khắc phục, nâng thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính
Chiều 10/7, Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành phiên thảo luận tại hội trường.
Băn khoăn về kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh thời gian qua chưa cao, các chỉ số CCHC của tỉnh không ổn định, có xu hướng tụt hạng; nguyên nhân các chỉ số tụt hạng và giải pháp để cải thiện chỉ số CCHC là vấn đề được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi đề nghị lãnh đạo tỉnh giải trình làm rõ.
Đại biểu Nguyễn Đức Hồng - huyện Yên Thành nêu câu hỏi: Năm 2023, công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một số chỉ số còn "trồi sụt", đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ cho biết giải pháp cải thiện các Chỉ số CCHC của tỉnh.
Cùng chung trăn trở về hạn chế công tác CCHC, đại biểu Trần Ngọc Sơn đặt vấn đề: Công tác CCHC có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thời gian xử lý, các hồ sơ, thủ tục dự án đầu tư một số cơ quan, đơn vị còn chậm; kết quả xếp hạng chỉ số PCI giảm mạnh so với năm trước. Theo thống kê chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh năm 2023 đạt 65,71 điểm, xếp thứ 44, tụt 21 bậc so với năm 2022; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023 tỉnh Nghệ An đạt 42,84, xếp vị trí thứ 25/63 tỉnh, thành trong cả nước (giảm 8 bậc so với năm 2022).
Đại biểu phân tích, các chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công, chỉ số thủ tục hành chính công, chỉ số cung ứng dịch vụ công, chỉ số quản trị môi trường; trong các chỉ số này chỉ có 2 chỉ số đạt trên 6 điểm còn lại dưới 5 điểm. "Tháng 12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh; UBND đã ban hành Chương trình CCHC Nhà nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030 và hàng năm đều năm ban hành Kế hoạch CCHC Nhà nước, kết quả CCHC Nhà nước đạt kết quả như thế nào so với khi chưa có nghị quyết và tác động như thế nào đến các chỉ số PCI. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân tụt hạng các chỉ số CCHC và giải pháp để cải thiện các chỉ số này" - đại biểu Trần Ngọc Sơn nêu câu hỏi.
Với vai trò cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh, đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ làm rõ những nội dung các đại biểu quan tâm.
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, hiện nay Sở Nội vụ đang tham mưu cho Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đưa ra nhiều chỉ tiêu, trong đó phấn đấu đưa Chỉ số CCHC của tỉnh đứng thứ 15/63 tỉnh, thành. Kết quả công tác CCHC có nhiều chuyển biến như: Chỉ số PAR INDEX 2021 đứng thứ 17, năm 2023 đứng thứ 15 tăng 2 bậc; năm 2023 năm 2023 Nghệ An đạt 88.48 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2022 đứng đầu 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) tăng hàng năm; năm 2023 xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 2 trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ).
Kết quả CCHC thể hiện rõ qua công tác thu ngân sách vượt chỉ tiêu. Trong 2 năm liên tiếp Nghệ An lọt top 10 tỉnh, thành phố có vốn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất. Nghệ An là một trong những tỉnh đứng đầu về thực hiện Đề án số 06/CP được Thủ tướng Chính phủ biểu dương.
Tuy nhiên bên cạnh đó, có nhiều chỉ số tỉnh chưa hài lòng và một số chỉ số thành phần còn thấp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh tụt hạng. Đối với Chỉ số PCI tụt 21 bậc; từ xếp thứ 23 trong năm 2022, xuống thứ 44/63 tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2023.
Lý giải nguyên nhân công tác CCHC còn nhiều hạn chế, Giám đốc Sở Nội vụ nêu rõ: Mặc dù chỉ số CCHC có tăng bậc nhưng một số chỉ số thành phần còn thấp. Bên cạnh những mặt đạt được, công tác cải CCHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; việc sử dụng dịch vụ công còn thấp. Chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn có những khó khăn, bất cập.
Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và có biểu hiện nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Thời gian qua có một số cán bộ, công chức vi phạm pháp luật bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh xử lý vi phạm 27 cán bộ công chức từ tỉnh đến cấp xã. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị trong công tác cải cách hành chính.
Nhìn rõ hạn chế để khắc phục trong công tác cải cách hành chính, nhất là cải thiện, nâng thứ hạng chỉ số PCI, PAPI; là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính cấp tỉnh, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 4379, ngày 28/5/2024 về việc khắc phục tồn tại, hạn chế; triển khai nhiệm vụ, giải pháp cải thiện các chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI năm 2024 của tỉnh. Cùng với đó, Sở Nội vụ đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh một số giải pháp căn cơ nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác CCHC.
Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm các ngành, các cấp và người đứng đầu trong cải thiện các chỉ số cải cách hành chính; huy động trí tuệ tập thể và quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Đồng thời tiếp tục nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, gắn với xử lý nghiêm những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức công vụ; tiếp tục làm tốt công tác cán bộ, điều chuyển cán bộ dư luận không tốt, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại, phục vụ nhân dân.