Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII;...
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 13/7 tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh: Thành Cường
CÒN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CHẬM VIỆC, QUÊN VIỆC
Về kết quả công tác cải cách hành chính của tỉnh trong 6 tháng đầu năm. Người đứng đầu Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: Theo công bố Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2021 của Nghệ An xếp 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2020.
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPASP) xếp 35/63 tỉnh, thành, phố tăng 13 bậc so với năm 2020.
Theo công bố của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam năm 2021, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) xếp thứ 15/63 tỉnh, thành.
“Tất cả những chỉ số này thể hiện quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; của các các sở, ban ngành, các địa phương, đơn vị”, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An nói.
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An trả lời các ý kiến về lĩnh vực Nội vụ. Ảnh: Thành Cường
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Viết Hưng, qua kiểm tra thấy nổi lên 2 việc là còn có cán bộ, công chức một số đơn vị còn chậm việc, quên việc do cả nguyên nhân chủ quan, song có cả những yếu tố khách quan.
Thứ hai là còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đi làm chậm giờ, thiếu vắng khi cần giải quyết thủ tục cho người dân.
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại hội trường sáng 13/7. Ảnh: Thành Cường
Trong 6 tháng đầu năm, Sở Nội vụ chủ trì và đã tham mưu tổ chức tiến hành kiểm tra cải cách hành chính ở 6 đơn vị; đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, qua đó đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 8 đơn vị. Sau các cuộc kiểm tra đều có thông báo để các đơn vị biết được ưu, khuyết điểm và sau một thời gian các đơn vị được kiểm tra cũng đã có báo cáo về việc khắc phục, xử lý.
Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cũng cho biết: Đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh phân tích các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính của tỉnh năm 2021 đánh giá rõ ưu, khuyết điểm.
TẬP TRUNG SẮP XẾP, XỬ LÝ CÁN BỘ DÔI DƯ
Bên cạnh đó, đối với ý kiến của đại biểu cho biết: Thời gian qua việc bố trí sắp xếp cán bộ, công chức xã dôi dư trên địa bàn tỉnh đang gặp những khó khăn nhất định. Đó là do thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ quy định về số lượng cán bộ công chức cấp xã (giảm thêm số lượng cán bộ, công chức cấp xã mỗi xã 2 người) và thực hiện chủ trương đưa Công an chính quy về xã, thị trấn (mỗi xã lại giảm thêm 1 người).
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu trao đổi bên lề phiên thảo luận tại hội trường sáng 13/7. Ảnh: Thành Cường
Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: Hiện nay, Nghệ An đã giảm được 143 cán bộ, công chức dôi dư. Để sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư còn lại, Sở Nội vụ đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục bố trí công việc khác, xét tuyển từ công chức cấp xã lên công chức cấp huyện; định hướng để chuyển sang các đơn vị khác và tiếp tục tinh giản.
Với những giải pháp phấn đấu đến năm 2024 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã dôi dư. “Việc này rất khó, Sở Nội vụ đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục phối hợp xử lý vấn đề này”, đồng chí Nguyễn Viết Hưng nói.
Thành Duy