Toàn cảnh phiên chất vấn Giám đốc Sở KH&ĐT.
Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Mở đầu phiên chất vấn chiều nay, ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở KH&ĐT đã báo cáo Kết quả triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình và công tác an sinh xã hội.
Đại biểu Nguyễn Kỳ Hồng (Quế Phong) nêu câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Kỳ Hồng (Quế Phong) bày tỏ băn khoăn: Thời gian qua người lao động gặp khó khăn thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh. Giải pháp khắc phục theo tinh thần NQ11? Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Đức – Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách kinh doanh cho DN dễ dàng tiếp cận luôn được quan tâm nhưng còn nhiều bất cập, khó khăn. Giám đốc Sở KH&ĐT cũng nêu các giải pháp khắc phục. Cụ thể, một là, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tại các vị trí việc làm liên quan đến xử lý, giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư cả về mặt chuyên môn và đạo đức công vụ; quan tâm bố trí cán bộ, công chức có tư cách đạo đức tốt, thái độ làm việc đúng mực làm nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa, một cửa liên thông các cấp.
Ông Nguyễn Xuân Đức – Giám đốc Sở KHĐT trả lời nội dung các đại biểu chất vấn.
Hai là, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ để hạn chế tình trạng “găm hồ sơ”, “trả hồ sơ”, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp... Kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, có hình thức xử phạt nghiêm minh làm tính răn đe. Thực hiện kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc xin lỗi cá nhân, tổ chức trong giải quyết TTHC đối với hồ sơ quá hạn thời gian giải quyết.
Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Ba là, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành công vụ và đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công cấp độ 3, 4 tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời hạn chế tiếp xúc, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh, đánh gia năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, địa phương; Xây dựng sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án trên địa bàn; Sửa đổi QĐ25 về quy chế quản lý dự án trên địa bàn để người dân được tiếp cận thông tin rõ ràng hơn.
Đại biểu Lữ Thị Khuyên (Con Cuông) chất vấn giải pháp để phục hồi doanh nghiệp HTX, hộ sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19?
Đại biểu Lữ Thị Khuyên (Con Cuông) chất vấn: Để phục hồi doanh nghiệp HTX, hộ sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19, đã có nhiều giải pháp. Tuy nhiên theo báo cáo toàn tỉnh còn 826 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, nợ thuế cao với 1.008 tỷ đồng. Giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn?
Về nội dung này, người đứng đầu Sở KHĐT thông tin: Năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường 1.640 doanh nghiệp, tăng gấp 1,75 lần so với số DN đóng, không quay trở lại thị trường. ( Số DN đóng cửa, không quay trở lại thị trường là hơn 940 doanh nghiệp). Đây là tín hiệu tốt. Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, tỉnh đã đề ra 6 giải pháp trọng tâm. Trong đó, ngay sau NQ11 của Chính phủ và , NQ43 của Quốc hội, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành QĐ153 và QĐ166, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan. Ban hành 5 tổ công tác đặc biệt thường xuyên kiểm tra đôn đốc, giải quyết khó khăn cho người dân doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, đã hỗ trợ thuế, thuê đất, BHXH, miễn giảm phí, lệ phí.
Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Trong năm 2022 và trước đó, Sở KHĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tham mưu UBND tỉnh phân bổ 6,22 tỷ đồng hỗ trợ DN statup khởi nghiệp, phát triển đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh các dự thảo quy định lệ phí, phí đăng ký kinh doan. Nếu được thông qua, phí thành lập các doanh nghiệp HTX sẽ giảm từ 50 - 60% sơ với NQ03 năm 2018 của HĐND tỉnh kỳ trước. Sở đã chỉ đạo phòng đăng ký kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT, tăng đăng ký kinh doanh qua mạng (đạt 97%).
Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Ông Nguyễn Xuân Đức cũng cho biết Sở đã chủ trì, phối hợp vơi các Sở, ngành liên quan xây dựng sổ tay hướng dẫn sắp ban hành, sửa đổi các thủ tục đầu tư để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn; đưa phần mềm quản lý dự án đầu tư trên địa bàn hoạt động vào tháng 8 tới đây. Hàng tháng, hàng quý phối hợp với Đảng uý khối DN tập hợp các kiến nghị để tham mưu xử lý; Giải ngân vốn đầu tư công đã chỉ đạo tháo gỡ về tăng giá vật liệu, đốc thúc giải ngân vốn đầu tư cho doanh nghiệp.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm
Đại biểu Trần Thanh Huyền (Thanh Chương) chất vấn về tiến độ chuẩn bị và khả năng triển khai dự án thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh?
Trước vấn đề đại biểu Trần Thanh Huyền (Thanh Chương) nêu: đến 20/6/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới chỉ đạt 26,36% kế hoạch năm. Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư? Tiến độ chuẩn bị và khả năng triển khai dự án thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh? Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Xuân Đức ghi nhận câu hỏi của đại biểu sát với thực tế, đây cũng là vấn đề mà tỉnh đang quan tâm. Ông Giám đốc Sở KHĐT cho biết: Trong báo cáo tính đến ngày 20/6, tỷ lệ giải ngân 26,36% nhưng cập nhật đến 30/6 đạt 32,58%, mặc dù cao hơn mức bình quân cả nước (trên 25%) nhưng thấp hơn cùng kỳ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo đốc thúc giải ngân, thành lập các tổ công tác đốc thúc, triển khai đến từng dự án; các chủ đầu tư có cam kết tiến độ giải ngân từng tháng, quý, 10 ngày/lần có báo cáo để theo dõi, đốc thúc. Tỷ lệ giải ngân vẫn thấp so với cùng kỳ, ngoài nguyên nhân chủ quan do lãnh đạo địa phương chưa quan tâm, công tác GPMB chậm, lựa chọn nhà thầu, tư vấn thiết kế yếu thì còn một số nguyên nhân khách quan: Năm 2022 toàn tỉnh có 80 dự án khởi công mới, 18 dự án chuyển tiếp có gói thầu mới. Các dự án chiếm 48% tổng vốn bố trí năm 2022. Các dự án mất nhiều thời gian từ phê duyệt dự toán, thiết kế thi công, đấu thầu..Bên cạnh đó, giá cả nguyên vật liệu tăng cao cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân; Các dự án khác chuyển tiếp đa phần đều chờ quyết toán hoặc khó khăn nhất trong GPMB; Quy trình các dự án ODA vướng từ luật Việt Nam, luật quốc tế, do đó, thời gian triển khai lâu hơn.
Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Thời gian tới, người đứng đầu các cấp ngành nâng cao trách nhiệm, UBND tỉnh chỉ đạo gắn xếp loại thi đua, kỷ luật kỷ cương hành chính của người đứng đầu với công tác giải ngân; Tiếp tục CCHC, các ngành phê duyệt dự toán, bản vẽ thật nhanh để có cơ sở để Sở KHĐT phê hoạch kế hoạch lựa chọn nhà thầu để tổ chức giải ngân; Tập trung lãnh đạo chỉ đạo trong công tác bồi thường GPMB; Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, kiên quyết thay thế nhà thầu kém năng lực. Khoảng tháng 9-10 trình hội động kế hoạch điều chuyển các chủ đầu tư giải ngân kém.
Hiện đang có 3 chương trình với tổng trị giá 748 tỷ đồng trong các lĩnh vực Y tế, Nông nghiệp, Giáo dục dạy nghề; 2 dự án được Trung ương thông báo vốn: Đào tạo nghề trường Việt Hàn 70 tỷ đồng; Dự án tu bổ đê của xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên 200 tỷ đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở ban ngành, Sở KHĐT trình HĐND tỉnh tại kỳ họp chuyên đề ngày 24/6. Sau khi chủ trương được thông qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo 2 chủ đầu tư đây nhanh phê duyệt dự án để được giao vốn ngay trong năm 2022.
Chỉ 3,5% người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo NQ11
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay, các sở, ngành liên quan như Sở NN&PTNT; Sở y tế, Sở LĐTBXH, Cục thuế, Ngân hàng..cũng đã tham gia trả lời chất vấn, giải trình rõ hơn vấn đề đại biểu quan tâm.
Đại biểu Vi Văn Quý (Quỳ Hợp) nêu nội dung chất vấn.
Đại biểu Vi Văn Quý (Quỳ Hợp) chất vấn triển khai NQ11 của Chính phủ, việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuế nhà nước cho người lao động trên địa bàn tỉnh rất thấp. Dự kiến 18 nghìn người với 39 tỷ đồng, nhưng đến nay mới phê duyệt hỗ trợ cho 39 lao động với 66,5 triệu đồng, con số rất thấp. Khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Giải pháp?
Về nội dung này, đại diện lãnh đạo Sở LĐTBXH giải trình: Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Nghệ An có 18.000 lao động trong diện được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 5/5/2022, trên cơ sở rà soát thực tế, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành KH290 để triển khai thực hiện Quyết định 08. Quá trình thực hiện, đã phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam và các huyện có đối tượng đáp ứng đủ điều kiện để hỗ trợ. Nhưng đến ngày 11/7, toàn tỉnh mới có 537 lao động được hỗ trợ với 770 triệu đồng, đạt tỷ lệ 3,5%.
Ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐ&TBXH giải trình, làm rõ thêm vấn đề đại biểu nêu.
So với các tỉnh miền Trung và Duyên hải miền Trung, tỷ lệ chi trả của Nghệ An đứng thứ 3 sau Quảng Nam, Đà Nẵng. Tuy nhiên tỉ lệ chi trả thấp là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Nguyên nhân là các huyện có lao động nhận được ít hồ sơ đề nghị. Tâm lý lao động và người sử dụng lao động chờ đến 3 tháng mới lập hồ sơ đề nghị. Một số doanh nghiệp, cán bộ trực tiếp lập hồ sơ chưa có kinh nghiệm nên phải làm lại nhiều lần.Nguyên nhân chủ quan là do công tác tuyên truyền phổ biến cho người lao động về thủ tục triển khai chưa sát.
Thời gian tới, Sở phối hợp Ban quản lý KKT đông nam, các huyện, trong đó có tổ chức công đoàn các cấp để phổ biến cụ thể, sát thực hơn để người lao động nắm tình hình và thực hiện; Giám sát, giải đáp thắc mắc khó khăn trong quá trình thực hiện; Đây là quyền lợi trực tiếp, người lao động. Thời gian thực hiện chính sách này đến ngày 15/8/2022.
Nguyên nhân chậm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
Đại biểu Nguyễn Đàm Văn (Yên Thành) nêu câu hỏi chất vấn.
Về vấn đề đại biểu Nguyễn Đàm Văn (Yên Thành) nêu NQ11 đề ra chính sách hỗ trợ 2% lãi suất, cơ cấu lại thời gian trả nợ, tuy nhiên triển khai còn chậm. Nguyên nhân và cách tháo gỡ?
Đại diện Ngân hàng nhà nước thông tin: Gói hỗ trợ lãi suất, cả về tín dụng thương mại, chính sách chưa triển khai được. Nguyên nhân khách quan do để triển khai chương trình cần các văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ ngành trên cơ sở tham mưu của ngành Ngân hàng. Đến cuối tháng 5 đã ban hành NĐ31 hướng dẫn hỗ trợ lãi suất 2% tín dụng thương mại quy mô 40 nghìn tỷ; NĐ36 hướng dẫn hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 2 nghìn tỷ. Trong tháng 6, các tổ chức tín dụng triển khai đăng ký nguồn vốn hỗ trợ, tổng hợp nhu cầu để ngân hàng nhà nước trình Bộ đầu tư và Tài chính để trình cấp có thẩm quyềnphê duyệt dự toán bổ sung chi ngân sách 2022 và dự toán 2023. Hiện các nội dung đang chuẩn bị triển khai thực hiện.
Đại diện Ngân hàng nhà nước làm rõ nội dung đại biểu chất vấn.
Về 5 chương trình qua tín dụng chính sách, trong đó có 2 chương trình chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, cho vay giải quyết việc làm (nhu cầu năm 2022 là 750 tỷ đồng, mới đáp ứng 130 tỷ đồng) không phải do xin cấp bổ sung, mà do nguồn lực hạn chế chung của cả gói. Chương trình thứ 2 là Cho vay đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Trong Nghị định giao Uỷ ban Dân tộc hướng dẫn các địa phương phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng. Hiện đang hướng dẫn chính quyền địa phương các cấp phê duyệt. Mặc dù 150 tỷ đồng đã chuyển về ngân hàng chính sách nhưng chưa có danh sách nên chưa thể giải ngân.
Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Về cơ cấu nợ và miễn giảm lãi, không triển khai trên tinh thần NQ11 mà ngân hàng đã triển khai từ đầu năm 2020 trên cơ sở Thông tư hướng dẫn của Thống đốc NHNN và gia hạn thêm bằng 2 thông tư của năm 2021, đến 30/6/2022 dừng. Lãi suất cho vay, trong năm 2020 - 2021 đã giảm khoảng 1% cho bình quân đầu vào của DN. Năm 2022 theo báo cáo 6 tháng đầu năm, lãi suất cả đầu vào và cho vay tăng khoảng 0,12%, không được như kỳ vọng như tinh thần của NQ11. Do áp lực lạm phát, nhu cầu tín dụng cao sau phục hồi đại dịch Covid-19. Việc thực hiện gói hỗ trợ 2% chỉ dành cho đối tượng doanh nghiệp HTX và hộ kinh doanh. Thời gian các khoản tín dụng đã giải ngân từ 1/1/2022 đến hết tháng 12/2023.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi kết luận phiên trả lời chất vấn của ông Giám đốc Sở KHĐT.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở KHĐT, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đánh giá các đại biểu đã lựa chọn vấn đề trúng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cử tri; Các vấn đề đại biểu nêu được doanh nghiệp HTX, hộ kinh doanh quan tâm. Câu hỏi ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng không trùng lặp thể hiện trách nhiệm cao của đại biểu. Giám đốc Sở KHĐT lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có sự chuẩn bị kỹ, nắm chắc vấn đề, trả lời đúng trọng tâm, đi thẳng vào các nội dung cơ bản, làm rõ nội dung đại biểu yêu cầu. Các sở, ngành liên quan tham gia trả lời chất vấn, giải trình rõ hơn vấn đề đại biểu quan tâm.
Hiến Chương-Thùy Dương-Hữu Hoàng