Tạo nhiều bước chuyển tích cực

Khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng còn khó khăn; bố trí dân cư với độ giãn cách lớn - đồng nghĩa hệ thống giao thông cần đầu tư lớn. Trong khi đó, việc huy động dân cũng như các nguồn xã hội hoá khác vô cùng khó khăn. Bởi vậy, để xây dựng được xã về đích nông thôn mới vô cùng khó khăn và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ cấp uỷ, chính quyền mỗi địa phương và sự hỗ trợ, giúp sức tích cực từ bên ngoài.

Đoàn công tác của Quốc hội và tỉnh Nghệ An tham qua mô hinh vườn ươm cây dược liệu tại xã Yên Hoà, huyện Tương Dương

Ở xã Tam Quang (huyện Tương Dương), thời điểm năm 2015, mức thu nhập của người dân đang ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm hơn 50%. Mức sống thấp, tư duy của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế, với suy nghĩ: “xây dựng nông thôn mới là việc của Nhà nước và làm cho Nhà nước”, là sự cản trở lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương này.

Phong trào mở đường giao thông ở xã Hữu Khuông

Trên cơ sở chỉ đạo, giao nhiệm vụ của huyện, xã Tam Quang đặt ra quyết tâm xây dựng để về đích nông thôn mới thông qua thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên bám sát từng bản để trực tiếp chỉ đạo; chia từng tiêu chí và nội dung cho từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công. Đặc biệt, địa phương phát huy vai trò trách nhiệm của người uy tín cùng vào cuộc với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách từ xã đến các bản để tuyên truyền, vận động, thuyết phục và lan toả sự đồng thuận, chung tay của Nhân dân trong thực hiện các nội dung, phần việc cụ thể. Xã cũng lựa chọn những tiêu chí dễ, ít kinh phí để vận động người dân làm trước, như hiến đất, hiến cây xanh mở rộng đường; thay đổi tập quán, thói quen sinh hoạt, sản xuất để bảo vệ môi trường; thay đổi tư duy sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất tạo ra thu nhập, cải thiện cuộc sống... 

Công chức nông nghiệp xã Xá Lượng hướng dẫn người dân trồng xoài

Thành công xây dựng nông thôn mới ở xã Tam Quang, theo Chủ tịch UBND xã – Kha Thị Hiền, đó chính là thay đổi nếp sống, tư duy và trình độ sản xuất trong Nhân dân. Từ chỉ sản xuất manh mún hai cây trồng chính là lúa và mía, hiện nay ở địa phương, đồng đất đã được quy hoạch sản xuất theo vùng. Cây lúa được cơ cấu giống lúa chất lượng gắn với thâm canh tốt. Từ diện tích mía được cơ cấu 1 vụ/năm với mức thu nhập 15 – 20 triệu đồng/sào, nay chuyển sang trồng ngô 4 vụ/năm, thu nhập 40 – 50 triệu đồng/sào/năm. Đặc biệt, ở Tam Quang đã hình thành ý thức sản xuất nông nghiệp hàng hoá trên 100 ha với mùa nào thứ ấy: dưa chuột, dưa đỏ thanh long, lạc, ngô nếp và rau màu các loại. Gần 40 ha đất vườn được cải tạo thành vườn cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi trâu bò vỗ béo. Sau khi về đích nông thôn mới năm 2017, địa phương tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao với 9/19 tiêu chí đã đạt, phấn đấu về đích vào năm 2025.

Xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu huy động sức dân làm đường giao thông

Về đích nông thôn mới năm 2021, quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Châu Bính (huyện Quỳ Châu) xác định rõ những việc địa phương phải làm, nội dung người dân phải trực tiếp tham gia để kiên trì tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận của người dân. Bởi thế, dù mức thu nhập của đồng bào đang còn thấp, song mỗi hộ đã đóng góp 2,5 – hơn 5,5 triệu đồng; đặc biệt tham gia ngày công vào nhiều công việc để giảm mức đóng góp về kinh phí, như cào đất mở rộng đường, đổ bê tông đường, chỉnh trang nông thôn, làm vệ sinh môi trường…

Đồng chí Lang Xuân Chính - Chủ tịch UBND xã Châu Bính cho rằng: Khó khăn lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương chính là mức thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo, khi trình độ tư duy sản xuất của người dân đang còn thấp, nhất là tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong đồng bào, kể cả một số cán bộ. Kinh nghiệm ở xã Châu Bính, trước hết là “đả thông” tư tưởng trong đội ngũ cán bộ xã, thôn trên cơ sở xác định rõ các việc địa phương phải làm để lăn xả, bám nắm công việc, bám nắm địa bàn được phân công chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành làm cùng dân, cùng bản. Xã cũng chú trọng tác động, lấy cán bộ, người uy tín và những tích cực ở bản làm nhân tố để lan toả, từ việc đóng góp kinh phí, ngày công, đến tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng và vật nuôi.

Bộ mặt nông thôn xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu hôm nay

Hiện ở Châu Bính, 237 ha lúa được cơ cấu giống lúa thuần; mở rộng diện tích gắn với đầu tư thâm canh hơn 180 ha mía; trồng hơn 200 ha keo; phát triển chăn nuôi. Địa phương cũng tích cực kết nối với huyện giới thiệu các doanh nghiệp tuyển lao động trên địa bàn với tổng hơn 200 người đi lao động trong các doanh nghiệp, trong đó có hơn 20 người đi lao động ở nước ngoài. Nỗ lực đó đã đưa mức thu nhập bình quân của người dân đạt 49 triệu đồng/năm.

Xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, điều quan trọng là ý thức, ý chí, sức dân đóng góp vào để thực hiện từng tiêu chí. Thực tiễn qua chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các xã thuộc 11 huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.

Bước chuyển rõ nhất theo ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Nghệ An đó là ý thức của người dân được nâng lên để xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; nâng cấp, chỉnh trang nhà ở và khu vực xung quanh nhà sạch sẽ, khang trang; vào cuộc xây dựng, bảo vệ môi trường và cảnh quan ở địa phương… Nhiều mô hình kinh tế được xây dựng và lan toả; đào tạo nghề và giải quyết việc làm được chăm lo với số lượng lao động vào các doanh nghiệp và đi nước ngoài làm việc tại các địa phương tăng. Mức thu nhập của người dân được cải thiện và tỷ lệ hộ nghèo giảm 3-4%, thậm chí có địa phương giảm 5-7%/năm.

Cũng theo Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Nghệ An, dù có nhiều yếu tố khó khăn, tính đến thời điểm này, ở 11 huyện, thị xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã thuộc khu vực biên giới; có 197 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Cần có giải pháp và quyết liệt hơn

Soi vào điểm xuất phát và các yếu tố, điều kiện tự nhiên và xã hội, kết quả xây dựng nông thôn mới vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều nỗ lực rất lớn; song so với tốc độ chung và tỷ lệ số xã đạt chuẩn trong toàn tỉnh đạt 75,18%, tương đương 309/411 xã đạt, thì khu vực này mới chỉ đạt 48%, tương đương 94/196 xã đạt. Điều đáng nói, trong số 102/411 xã chưa về đích trong toàn tỉnh đều thuộc 11 huyện miền núi. Cá biệt ở huyện Quế Phong, trong 12 xã chưa có xã nào về đích nông thôn mới. Đối với một số huyện có số xã đạt quá ít, như huyện Kỳ Sơn có 1/20 xã đạt chuẩn; huyện Quỳ Châu 2/11 xã; Tương Dương 4/16 xã; Con Cuông 3/12 xã; Quỳ Hợp 6/20 xã…

Phong trào chăn nuôi bò nhốt đang phát triển ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương

Bên cạnh tỷ lệ đạt thấp, điều đáng quan tâm hiện nay là phong trào xây dựng nông thôn mới ở khu vực này đang chững lại. Như ở huyện Tương Dương, 4 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đều ở nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2020 – 2025 này chưa có thêm xã nào; hay huyện Kỳ Sơn mới chỉ duy nhất xã Hữu Kiệm về đích năm 2020.

Tìm hiểu công tác xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ngoài các yếu tố địa bàn rộng đòi hỏi suất đầu tư lớn, nhất là hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng trường học, trạm y tế, nhà văn hoá các thôn, bản… thấp kém; thì lực cản lớn nhất là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước trong một bộ phận cán bộ, Nhân dân. Đặc biệt hiện nay đang nảy sinh tư tưởng, tâm lý không muốn xây dựng nông thôn mới, bởi khi đạt nông thôn mới, đồng nghĩa sẽ không được hưởng các chính sách liên quan đến xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn 135.

Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu) tạo việc làm cho hơn 100 ao đông động.

 Bên cạnh đó, mức thu nhập để xác định hộ nghèo tăng lên, từ 750 nghìn đồng trở xuống/người/tháng lên 1,5 triệu đồng trở xuống/người/tháng, trong khi đó điều kiện sản xuất của người dân khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc chưa được cải thiện nhiều, bao gồm cả tư duy và tư liệu sản xuất của người dân, nhất là đất đai. Đây là khó khăn trong thực hiện tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương.

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng, giải pháp mang tính tổng thể đưa các xã khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc phát triển toàn diện. Bởi vậy, các cấp, các ngành cần nghiên cứu giải pháp và quyết liệt cao hơn trong chỉ đạo, lồng ghép các nguồn lực đầu tư hiệu quả gắn với giải quyết các tồn tại, khó khăn đang đặt ra trong thực tiễn hiện nay./.