Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu nhằm tạo bước đột phá để nâng cao sức cạnh tranh của nền sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế, là bước đi quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới.

Thực trạng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh và huyện Nghĩa Đàn

Thời gian qua, Nghệ An đã quan tâm chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, chính sách và thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Với lợi thế là một tỉnh có diện tích đất đai rộng lớn, với hơn 1,2 triệu ha đất nông nghiệp có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng CNC là 9.502 ha, chiếm 3,1% diện tích canh tác nông nghiệp.

Trang trại nuôi bò sữa áp dụng công nghệ Israel của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An)

Huyện Nghĩa Đàn nằm trên hành lang đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái. Đây là vùng có tiềm năng lớn về đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa và sinh thái xanh, tiềm năng phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng công nghiệp là rất lớn. Về đặc điểm thổ nhưỡng rất thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả dài ngày như cây ăn quả có múi, mía đường, chè. Thuận lợi trong phát triển giao lưu trong nước và quốc tế, đường Hồ Chí Minh chạy dài theo trục xương sống của đất nước, kết nối các vùng núi và trung du của nước ta với nhau và với 2 nước bạn Lào và Campuchia. Nghĩa Đàn có trọng tâm phát triển thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp chế biến, chuyển dịch cơ cấu cây trồng năng suất hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã ứng dụng KH&CN nông nghiệp chế biến sâu theo hướng hàng hoá. Thu hút đầu tư gắn chế biến mang lại giá trị kinh tế cao.

Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 31.000 ha (trong đó khoảng 10.000 ha là đất đỏ Bazal- được các nhà khoa học Pháp đầu thế kỷ XX đánh giá là vùng đất đỏ quý nhất Đông Dương) rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ bền vững. Người dân có trình độ dân trí tương đối cao do được thừa hưởng kinh tế sản xuất tiên tiến của 5 nông trường lớn trước đây, là nôi đào tạo nguồn nhân lực từ những con em của cán bộ, công nhân các nông trường. Có doanh nghiệp hạt nhân dẫn dắt tiên phong hàng đầu Châu Á về ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Là huyện có địa bàn nằm trên hệ thống giao thông huyết mạch trục Nam – Bắc của cả nước (đường Hồ Chí Minh), tuyến quốc lộ 1A - Nghĩa Đàn - thị xã Thái Hòa (48D) nối vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ với các huyện miền Tây Nghệ An, là địa bàn nằm trong lõi trục giao thông trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế cho các huyện miền núi xứ Nghệ, giữa các vùng miền, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giao lưu kinh tế văn hóa của nhân dân các vùng. Có nguồn nước dồi dào, với hàng trăm công trình thủy lợi lớn nhỏ, có lưu vực sông Hiếu chảy qua và 48 nhánh lớn nhỏ; có 2 công trình thủy lợi lớn là hồ Sông Sào (trữ lượng 51,42 triệu m3) và hồ Khe Đá (6 triệu m3).

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Nghĩa An có diện tích hơn 4 ha

Nghĩa Đàn hình thành những vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất ATTP, Viet Gap; nhiều dự án phát triển bởi các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC như: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp; Dự án Nhà máy sản xuất nước tinh khiết và nước hoa quả Núi Tiên, Nhà máy trích ly nước cốt hoa quả từ hoa quả tươi của tập đoàn TH có công suất lớn và hiện đại nhất khu vực miền Trung. Dự án sản xuất, rau củ quả của Công ty CP sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế FVF được công nhận theo tiêu chuẩn VietGAP; Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế sử dụng công nghệ và thiết bị tạo hình, nén liên hồi của nhà cung cấp thiết bị gỗ ván ép hàng đầu thế giới Dieffenbacher (CHLB Đức). Nhà máy xử lý rác thải với công suất xử lý giai đoạn 1 là 75tấn/ngày đêm. Sử dụng công nghệ đốt rác CNC của T-Tech được thiết kế tối đa tái chế các loại rác có khả năng tái sinh và đặc biệt tro xỉ sau quá trình đốt được xử lý thành gạch không nung, tổng mức đầu tư trên 60 tỷ đồng…

Một số vấn đề tồn tại, thách thức trong phát triển nông nghiệp CNC

Một số chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước chậm được cụ thể hóa, thiếu đồng bộ chính sách về đất đai, tín dụng, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng KH&CN. Một số chủ trương, chính sách triển khai còn gặp khá nhiều bất cập như: thiếu văn bản hướng dẫn thi hành, việc tiếp cận với nguồn vốn vay cho phát triển nông nghiệp CNC vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu những chính sách khuyến khích hộ nông dân (chủ yếu chỉ khuyến khích doanh nghiệp) ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp.

Việc tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hoá vào nông nghiệp thời gian qua đã triển khai nhưng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Khả năng tiếp cận các tiến bộ khoa học công nghệ cho người dân chưa nhiều. Ngoài các doanh nghiệp do tập đoàn TH đầu tư, chưa có các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư và nghiên cứu đầu tư về nông nghiệp CNC. Nhân lực có tay nghề và trình độ cao còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận các tiến bộ khoa học công nghệ cho người dân còn nhiều hạn chế.

Hầu hết mới ứng dụng CNC ở từng khâu của quá trình sản xuất, mà chưa có nhiều sản phẩm ứng dụng CNC theo chuỗi giá trị sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp còn ít, đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều.

Chưa xây dựng được khu nông nghiệp ứng dụng CNC; liên kết các huyện trong hành lang kinh tế phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC chưa chặt chẽ. Chưa có các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công.

Công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC mới tập trung ở một số doanh nghiệp lớn; người tiêu dùng rất khó phân biệt được sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC với sản phẩm thông thường; việc hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC gặp rất nhiều khó khăn.

Kết quả nghiên cứu công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn còn khiêm tốn, một số tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất chủ yếu đang triển khai dưới hình thức mô hình trình diễn, việc nhân ra diện rộng còn hạn chế. Các doanh nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ cao trong khâu sau thu hoạch, sơ chế và chế biến sản phẩm lâm nghiệp quy mô nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng, phong phú. Chưa có nhiều các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư và nghiên cứu đầu tư về nông nghiệp CNC ngoài tập đoàn TH; Nguồn lực tài chính còn hạn chế, chính sách hỗ trợ còn quá ít so với nhu cầu.

Thiếu sự liên kết, hỗ trợ sản xuất giữa các địa phương trong vùng, giữa doanh nghiệp với người dân; vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất quy mô hàng hoá chưa đáp ứng; mối liên kết theo chuỗi giá trị giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn yếu; thiếu chứng nhận sản phẩm hợp pháp đưa ra thị trường nước ngoài.

Thiếu hụt 3 loại tri thức cơ bản gồm tri thức kinh tế và thông tin thị trường; tri thức KH&CN, các trào lưu phát triển nông nghiệp mới trên thế giới; tri thức kinh tế đối ngoại, nhiều hiệp định hợp tác quốc tế song phương và đa phương đã được ký kết, mở đường cho phát triển kinh tế, tuy nhiên hệ thống sản xuất nói chung chưa theo kịp để khai thác sức mạnh của kinh tế đối ngoại.

Định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC huyện Nghĩa Đàn trong  hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh

Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị xác định phát triển hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái. Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp: Phát triển thành địa bàn phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến. Phấn đấu đến năm 2030 đóng góp của nông nghiệp khoảng 30-35% vào GRDP hành lang, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 30-40% trong nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao dựa trên thế mạnh về tài nguyên đất, rừng. Hình thành các vùng nông nghiệp tập trung phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp gắn với sự phát triển của các cơ sở chế biến tập trung.

Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 xác định nhiệm vụ “Xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với trung tâm là Nghĩa Đàn nhằm khai thác tiềm năng nông nghiệp khu vực Miền Tây, tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng suất, hiệu quả và làm điển hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ”. Quyết định số 1059/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/9/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, xác định “Xây dựng và phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nghĩa Đàn với diện tích khoảng 200 ha”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn lần thứ XXIX xác định mục tiêu “Xây dựng huyện Nghĩa Đàn trở thành huyện nông thôn mới và từng bước trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Nghệ An”

Đây là những tiền đề để huyện tạo bước đột phá tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết vùng theo hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh hiệu quả. Xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghĩa Đàn tạo đòn bẩy cho việc hình thành Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh và Hành lang kinh tế quốc lộ 48A với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC huyện Nghĩa Đàn

Thứ nhất là về công tác quy hoạch, cơ chế, chính sách và cơ sở hạ tầng

Sớm lập quy hoạch, đề án phát triển nông nghiệp công nghiệp hoá hành lang đường Hồ Chí Minh. Các hành lang kinh tế đã và đang hình thành trên thực tế nhưng cho đến nay việc “quy hoạch xây dựng” cho các tuyến hành lang này vẫn chưa được thực hiện. Không thể để mỗi địa phương làm theo cách riêng mà cần phải có sự chỉ đạo và quản lý xây dựng thống nhất vì vậy việc quy hoạch xây dựng các tuyến hành lang kinh tế cần phải sớm được triển khai. Quy hoạch sử dụng đất, giao đất và dồn điền đổi thửa tại các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Có cơ chế chính sách theo hướng ưu tiên, khuyến khích sự hình thành và phát triển các hạt nhân kinh tế trên tuyến hành lang Hồ Chí Minh. Khi tiến hành xây dựng hạ tầng cơ sở tại các huyện, thị xã trong tỉnh cần tính tới khả năng liên kết, kết nối với các tuyến hành lang kinh tế. Xác định các nút hội nhập, toạ độ liên kết để thực hiện trung tâm kết nối phát triển, tạo cú huých thu hút được các nhà đầu tư cũng như tháo gỡ cho người dân nhằm phát huy được tiềm năng của trục đường. Trên cơ sở lợi thế và thách thức của từng khu vực hành lang cần xác định quan điểm phát triển của các thành phần cơ bản của hành lang kinh tế, trong đó Nghĩa Đàn xác định là trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, mở đường cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần quan tâm như: hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đảm bảo nguồn lực cho các chính sách để thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hình thành và phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Nghĩa Đàn. Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Định hướng các vùng ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Tháo gỡ những vướng mắc trong quy định về đất đai trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên cơ sở diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch chung được phê duyệt, cần triển khai rà soát, kết nối quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, vùng trồng lúa hữu cơ, vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thứ hai là tập trung một số lĩnh vực phát triển trọng tâm

Trước mắt cần rà soát, xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm tạo thành sự liên kết nông nghiệp - chế biến - dịch vụ thị trường trên địa bàn; xây dựng vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung để ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Xác định các tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hình thành, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các loại sản phẩm chủ lực lựa chọn. Hình thành được các chuỗi giá trị gắn kết thành những hệ sinh thái của các doanh nghiệp đầu tàu chịu trách nhiệm chế biến nâng cao giá trị nông sản, đưa hàng hóa ra thị trường; gắn bó xung quanh hạt nhân này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương cung cấp vật tư đầu vào, cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh; các hợp tác xã trang trại và hộ nông dân liên kết tạo thành một tổng thể đồng bộ về quy trình công nghệ, xuất xứ hàng hóa, cùng cung cấp nguyên vật liệu đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ thời gian cho hoạt động chế biến và kinh doanh.

Hình thành các “thành phố” và cụm dân cư nông nghiệp, văn minh, hiện đại, xanh trên trục hành lang đường Hồ Chí Minh: Thành phố sữa, thịt; Thành phố rau quả và nông sản tinh hoa; thành phố nông nghiệp ứng dụng cao. Ứng dụng công nghệ cao theo các đối tượng và lĩnh vực trọng tâm. Hình thành các Trung tâm công nghệ sinh học sản xuất và dịch vụ giống; trung tâm giáo dục và đào tạo; trung tâm chuyển giao công nghệ và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp. Hình thành và phát triển các tổ chức nghiên cứu thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Lựa chọn sản phẩm chủ lực, có lợi thế phát triển: Về khuynh hướng tiêu dùng trên thế giới, trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu toàn cầu, rau quả và thủy hải sản chiếm thị phần lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất. Xu hướng tiêu dùng mới nổi lên bao gồm các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, thực phẩm chức năng và thực phẩm dinh dưỡng.  Sản phẩm cây lâm nghiệp, tập trung vào một số loại cây có năng suất cao, cây công nghiêp dài ngày có giá trị cung cấp gỗ lớn cho năng suất, chất lượng cao cho các loài cây trồng rừng chủ lực.

Phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh thực hiện liên kết đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm để phát triển các công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo thương hiệu phát triển bền vững. Khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng các cơ sở chế biến vừa và nhỏ ở các địa phương để thu gom sơ chế, làm vệ tinh cho các nhà máy chế biến.

Thứ ba là phát triển khoa họccông nghệ

Xác định danh mục các công nghệ cao chính ứng dụng trong nông nghiệp và các giải pháp công nghệ ứng dụng trong sản xuất. Ưu tiên thu hút các công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến. Lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư ứng dụng, đổi mới công nghệ mới trong chế biến, bảo quản nông sản, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Làm chủ các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và đồng bộ theo chuỗi giá trị, nhất là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có khả năng phát triển thành vùng hàng hóa tập trung. Đổi mới công nghệ chế biến tại các nhà máy trong vùng nhằm năng cao năng lực chế biến, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao, thâm canh tăng năng suất, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho các đối tượng chủ lực. Nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất, phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong nông nghiệp nông thôn. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thiết bị sơ chế, bảo quản và chế biến sâu một số sản phẩm chủ lực của vùng nhằm năng cao chất lượng. Nghiên cứu, đề xuất chính sách và thể chế nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ.

Xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu. Tăng cường công tác tiếp thị, hội chợ triển lãm nhằm quảng bá các sản phẩm có khả năng xuất khẩu. Xúc tiến nghiên cứu, đăng ký thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên thị trường quốc tế. Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp từng bước phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế đến các nước có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... Chú trọng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Thứ tư là về phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nhân lực quản lý phục vụ quàn trị và điều hành phát triển. Từng bước áp dụng các mô hình và phương pháp quản trị nhân sự hiện đại. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nhân lực việc làm. Phát triển nhân lực cho khu vực doanh nghiệp gồm cả nhân lực quản lý, nhân lực chuyển đổi số.

Có chính sách khuyến khích các nhà khoa học đến với doanh nghiệp và nông dân để triển khai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Có chính sách đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ nông dân nhằm nâng cao trình độ năng lực, chuyên môn hóa cao đáp ứng nhu cầu sản xuất mới. Hợp đồng, hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao, am hiểu điều kiện phát triển nông nghiệp, có khả năng đưa ra các giải pháp công nghệ ứng dụng CNC vào phát triển nông nghiệp.

Tuyển chọn sinh viên xuất sắc, cán bộ trẻ có năng lực để đào tạo dài hạn trong và ngoài nước (được đài thọ toàn phần hay một phần học phí) nhằm hình thành đội ngũ chuyên viên, chuyên gia về công nghệ sinh học, kỹ thuật nông nghiệp, chế tạo máy móc phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông lâm đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

Tổ chức mọi hình thức chuyển giao tri thức và hướng dẫn công nghệ nhằm giúp người sản xuất am hiểu và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

Chú trọng đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, kỹ năng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho cán bộ quản lý khoa học - công nghệ, cán bộ kỹ thuật… của hợp tác xã, tổ hợp tác. Đào tạo tay nghề ngắn hạn và thường xuyên cho nông dân, tập huấn cho các doanh nghiệp, nông dân về kiến thức công nghệ cao trong nông nghiệp.

Thứ năm là giải pháp kêu gọi, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư

Phát triển, hình thành doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm có sức cạnh tranh cao; xây dựng một số sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

Tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khi đầu tư nông nghiệp công nghiệp cao, doanh nghiệp phải bỏ chi phí lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật…do đó, cần coi đây là tài sản đảm bảo để tiếp cận tín dụng kể cả những sản phẩm được hình thành trên đất nông nghiệp.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xúc tiến thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao…Hỗ trợ chi phí đo đạc, lập hồ sơ, chuyển đổi đất đai giữa các tổ chức, hộ nông dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hỗ trợ ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng và đặc biệt là các nút hội nhập, toạ độ liên kết trong lành lang kinh tế hành lang Hồ Chí Minh.

Tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để tận dụng ưu thế vốn, có khả năng đầu tư theo chiều sâu, khả năng tổ chức sản xuất và chế biến sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng các vùng hàng hóa nông sản công nghệ cao.

Thứ sáu là về hợp tác, liên kết

Liên kết với các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nước để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi trong việc quản lý, chuyển giao khoa học công nghệ, môi giới đầu tư,…

Để xây dựng thành công vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có 5 nhóm đối tác chính tham gia vào quá trình vận động, xây dựng, triển khai và thực hiện: (l) Cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, (2) Chính quyền địa phương, (3) Nhà đầu tư (4) Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh theo quy hoạch và (5) Hộ sản xuất.

Tổ chức liên kết các tổ chức kinh tế cơ sở trong nông nghiệp, bao gồm: HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân. Tuyên truyền vận động doanh nghiệp, HTX và nông dân tự nguyện liên kết với nhau trên cơ sở chung động lực lợi ích. Thu hút các doanh nghiệp, HTX làm hạt nhân liên kết để xây dựng chuỗi giá trị. Liên kết, hợp tác với các Viện, Trường đại học, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC./.