Gần 70% nhân lực ngành Du lịch ở Nghệ An chỉ được đào tạo sơ cấp
Phần chất vấn và trả lời chất vấn về giải pháp để phát triển du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng với trả lời của Giám đốc Sở Du lịch, chủ toạ kỳ họp đã yêu cầu lãnh đạo một số sở, ngành trả lời một số nội dung thuộc chức năng, quản lý nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Rà soát, kiểm kê, phân loại và xếp hạng các ngôi nhà sàn nhà cổ
Trả lời chất vấn của đại biểu Lục Thị Liên (đơn vị bầu cử tại huyện Con Cuông) về giải pháp khai thác, phát huy bề dày truyền thống văn hoá và di tích, di sản trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh cho rằng: Trong 7 loại hình du lịch, thì du lịch văn hoá - lịch sử và tâm linh là loại hình quan trọng.
Nghệ An có hệ thống di tích và danh thắng lớn với tổng 2.062 di tích được kiểm kê; trong đó có 480 di tích đã được xếp hạng, gồm 6 di tích quốc gia đặc biệt; 145 di tích quốc gia và 329 di tích cấp tỉnh.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao thừa nhận việc khai thác, phát triển du lịch loại hình này chưa tương xứng với tiềm năng và khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn lực. Giải pháp cho vấn đề này, hiện ngành đã xây dựng và tập trung triển khai 7 vùng di sản với các sản phẩm đặc sắc; ngoài Lễ hội Làng Sen và Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, thì tiếp tục khai thác các di sản liên quan đến Xô viết Nghệ Tĩnh…
Cùng với đó là quan tâm phát triển du lịch tâm linh, bởi trên địa bàn tỉnh các di tích, di sản mang yếu tố tâm linh chiếm khoảng 95%, trong đó có những di tích nổi bật như đền thờ Hoàng đế Quang Trung, đền Ông Hoàng Mười, đền Cờn, đền Bạch Mã…
Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao cũng trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc (đơn vị bầu cử tại huyện Quỳ Châu) về giải pháp bảo tồn, khai thác các bản sắc văn hoá, đặc biệt là văn hoá nhà sàn truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, thời gian qua, ngành đã phối hợp cùng chính quyền các địa phương triển khai các giải pháp, trong đó, các huyện đều xây dựng đề án bảo tồn, phát huy các giá trị và không gian văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch thông qua các mô hình du lịch cộng đồng.
Thời gian tới, ngành tiếp tục rà soát, kiểm kê, phân loại các ngôi nhà sàn nhà cổ để xem xét, xếp hạng theo Luật Di sản để bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản, phục vụ phát triển du lịch. Cùng với trách nhiệm của ngành Văn hoá và Thể thao, Giám đốc Sở cũng đề nghị cần số hoá các kiến trúc nhà sàn để khi có điều kiện tiến hành phục dựng, tạo điều kiện phát triển du lịch.
Thúc đẩy xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Một số đại biểu HĐND tỉnh cũng đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến xây dựng các sản phẩm quà tặng, lưu niệm đặc trưng của Nghệ An.
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hoá thông tin: Triển khai Đề án phát triển sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2025, hiện toàn tỉnh có trên 600 sản phẩm hàng hoá để phục vụ làm quà tặng, lưu niệm và tổ chức 6 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận, dù số lượng hàng hoá lớn, đa dạng và phong phú về chủng loại, phẩm cấp; nhưng chưa có nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ, có giá trị văn hoá, lịch sử, đặc biệt chưa có sản phẩm đặc trưng xứ Nghệ.
Giải pháp khắc phục tình trạng này là tiếp tục rà soát để có cơ chế chính sách; bởi các sản phẩm, hàng hoá lưu niệm, quà tặng thuộc nhóm hàng hoá đặc biệt, cho nên cũng cần có phương pháp, cách thức, cơ chế đặc biệt mới thúc đẩy được. Cùng với đó là quan tâm phát huy tính sáng tạo của toàn xã hội, tranh thủ sự tham gia, đóng góp của các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh.
Gần 70% nguồn nhân lực du lịch chỉ được đào tạo sơ cấp
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Phan Thị Minh Lý (đơn vị bầu cử huyện Yên Thành) về tình trạng thiếu và yếu về nguồn lực du lịch, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bùi Văn Hưng thừa nhận đây là thực tế đang diễn ra.
Nguyên nhân do dịch Covid-19 làm biến động cơ cấu lao động, trong đó có lĩnh vực du lịch; hoạt động du lịch là lĩnh vực lao động không thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn nhân lực gắn bó.
Bên cạnh đó, nhân lực tham gia đào tạo du lịch thời gian qua trên địa bàn tỉnh khá lớn, giai đoạn 2021 – 2023 là tổng hơn 8.100, tuy nhiên chất lượng đào tạo còn hạn chế, trong tổng số được đào tạo có gần 70% người được đào tạo sơ cấp 3 tháng. Sự gắn kết giữa cơ sở kinh doanh du lịch với Trung tâm Xúc tiến việc làm và cơ sở đào tạo còn hạn chế.
Về giải pháp, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh việc tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, gắn với định hướng nghề nghiệp cho người lao động; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đáp ứng số lượng và chất lượng.
Đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, nhất là các cơ sở lưu trú cần tăng cường phối hợp, thay đổi tư duy trong đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch chất lượng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Mai Hoa