Công trình thế kỷ

Sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, người Pháp cho xây dựng công trình chặn sông Lam tại ba ra Đô Lương. Khi cần lấy nước, người ta đóng cửa lại, nước dâng lên, chảy theo sông đào, cấp nước cho Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu và một ngả phụ từ Vòm Cóc chảy ra sông đào thuộc xã Nam Sơn. Hệ thống ba ra, sông đào này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với vùng lúa của Nghệ Tĩnh, vừa điều hòa không khí và giải quyết giao thông lúc bấy giờ.

Có thể nói đây là công trình có dấu ấn thế kỷ với Xứ Nghệ. Được biết, Hoàng thân Xuphanuvông, sau này là Chủ tịch Đảng, Nhà nước Lào tham gia thiết kế, thi công. Công trình hoàn thành vào năm 1936. Gần một thế kỷ, công trình đã đưa lại ý nghĩa to lớn, nhiều mặt đối với vựa lúa và một vùng dân cư rộng lớn của tỉnh nhà.

cong-hiep-hoa-ngay-nay.jpg
Cống Hiệp Hòa ngày nay (Ảnh: Internet)

Nhớ lại những ngày sôi động

Kỹ sư trưởng Hồ Như Hồng kể lại: “Tôi đang làm giảng viên Đại học Thủy lợi thì tỉnh Nghệ Tĩnh xin về. Từ đó, tất cả các công trình trọng điểm của tỉnh tôi đều tham gia. Hồi chiến tranh chống Mỹ, tôi trực tiếp chỉ huy công trình Bara Nam Đàn, rồi tham gia làm các công trình Vách Bắc, hồ Kẻ Gỗ. Công trình Đại thủy nông Đô Lương, trong đó có cống Hiệp Hòa, mang tầm cỡ thế giới với chiều dài của kênh đào lên tới 530 km, kênh chính dài 53 km, tưới tiêu cho 37 vạn hecta. Nếu không có hệ thống kênh này thì ba huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu gần như không trồng được lúa, dân chắc phải ăn khoai lang vì ở đây địa hình trên thì thiếu nước ngọt, dưới lại nhiễm mặn. Có thể nói con kênh này nắm giữ sự sống của cả tỉnh, không chỉ có ý nghĩa về thủy lợi mà cả nước sinh hoạt. Cống Hiệp Hòa nằm trong hệ thống Bara Đô Lương. Vì vai trò quan trọng của nó mà trở thành trọng điểm ném bom của Mỹ. Mỹ đã ném 91 quả bom vào cống Hiệp Hòa, làm sập cống dài 30m.”

Kết thúc chiến tranh, đói thiếu triền miên, chủ trương của cả nước, cả tỉnh “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, “thủy lợi là sự sống còn của nông nghiệp” nhằm giải quyết cái ăn. Cả tỉnh dồn sức trên các các công trình Vách Bắc, Kẻ Gỗ, Sông Nghèn, Vách Bắc,… Khôi phục cống Hiệp Hòa, đưa nước ra Diễn – Yên – Quỳnh là một trong những mục tiêu phải giải quyết.

Các huyện đã lập Tổng đội Thanh niên xung phong (gọi là Tổng đội 202), họ lên công trường như đánh giặc với khí thế xung kích của tuổi trẻ, tự túc ăn uống, cuốc xẻng, gióng ba tao. Hợp tác xã trích ít quỹ, các hội vận động hội viên ủng hộ rau xanh, lạc, đỗ, vừng,... cho anh em.

Bữa ăn hàng ngày do đơn vị tự tổ chức. Có gì ăn nấy, thiếu thốn, vất vả nhưng không ai phàn nàn, nản chí.

tren-cong-truong-thuy-loi-hiep-hoa.jpg
Trên công trường thủy lợi Hiệp Hòa (Ảnh: Internet)

Trên trời máy bay thả truyền đơn, khẩu hiệu tuyên truyền; dưới đất cổ động náo nức trên khắp cả tỉnh,… ai cũng muốn góp sức mình vào trận tuyến “thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang sơn”. Khắp nơi, những bài ca “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Công trường rộn tiếng ca”,… được phát suốt đêm ngày. Một niềm tin vẹn nguyên theo tiếng gọi của Đảng, với tinh thần “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Cống Hiệp Hòa trên bị nghẽn trở thành “tiêu điểm”, là điểm chốt của công trình chào mừng Xuân Mậu Ngọ, chào mừng ngày thành lập Đảng 3-2-1978.

Thảm họa kinh hoàng

Mùa đông, rét thấu da thịt. Hàng vạn người nhộn nhịp đào sâu xuống đáy sông, loại bỏ cống cũ để đổ cống mới. Địa bàn chật hẹp, sức ép tiến độ, phải thay ca để làm cả ngày đêm. Người ta phải ngăn nước phía trên, đào hết phần đất phía dưới đến chỗ cống ngầm để đổ lại cống, mở rộng dòng chảy. Hàng nghìn mét khối đất được gánh, được chuyền tay từ dưới sâu lên qua những bậc thang cao tới 70-80 mét, đổ sang hai bên vách núi. Sự hăng say đến mức mỗi người chỉ một cái bánh mì luộc, họ vừa gánh đất vừa ăn, đua với thời gian.

11 giờ 55 phút ngày 3-1-1978, sau một tiếng động kinh hoàng do sập cống, kỹ sư trưởng Hồ Như Hồng ngất xỉu tại chỗ. Tiếng la hét, kêu khóc náo loạn. Hàng trăm người bị vùi dưới lòng đất. Họ chết vì va đập, chết vì nghẹt thở. Hàng ngàn người hốt hoảng, lúng túng trước thảm họa bất ngờ. Công tác cứu hộ chỉ làm bằng thủ công: Bới bằng tay. Dùng cuốc vét sợ chạm vào người bị lấp. Ban chỉ huy công trường cấp báo với cấp trên, điều động lực lượng công an, quân đội, dân quân đến cứu,…

Những người nằm ngoài rìa hoặc ở tầng trên chạy ra kịp, còn nữa họ bị chôn vùi trong sự bất lực của lực lượng cứu hộ. Cũng có những sự hy hữu xẩy ra: Có người nhờ úp mặt vào chiếc mũ cứng, có chỗ thở; có người nhờ mái tóc dài lộ lên, được phát hiện và cứu sống,...

Những người bị thương được đưa về điều trị tại các Bệnh viện Đô Lương, Yên Thành.

Suốt ba ngày đêm cật lực, lực lượng cứu hộ mới đưa hết thi thể người bị nạn lên bờ. Họ còn rất trẻ, 18-20 tuổi. Trong số họ, có người đã có giấy báo Đại học, Cao đẳng, có người đã định ngày làm lễ cưới, nhưng vì nhớ bạn, lại muốn chứng kiến công trình mà mình đã góp phần nhỏ bé xây dựng khi hoàn thành,...

Trên công trường, Thanh Chương là đơn vị mạnh, xung kích. Cũng chính vì vậy, trong tai nạn này, có 98 thanh niên bị thiệt mạng, 156 người bị thương, chủ yếu là anh chị em quê Thanh Chương.

chiec-am-nho-do-vo-chong-ong-nguyen-hoang-canh-lap-nen-de-thap-huong-cho-cac-linh-hon-do-lanh-leo-.jpg
Cái am nhỏ do vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Cảnh lập nên để thắp hương tưởng nhớ những người đã mất (Ảnh: Internet)

Xử lý sự vụ

Tháng 10/1980, phiên tòa xử vụ cống Hiệp Hòa diễn ra ở thị trấn Đô Lương, không xa nơi sập cống. Hội trường không đủ chỗ, phiên tòa được tường thuật bằng loa phóng thanh. Phiên toà không có vành móng ngựa, bị cáo không mặc áo tù. Hiếm có phiên tòa nào mà cả dân và bị cáo đều òa khóc khi cáo trạng được đọc lên!

Tòa tuyên án Hồ Như Hồng 6 năm tù. Sự nghiệp của người kỹ sư 41 tuổi coi như kết thúc. Khi ra tù, ông vẫn được tỉnh mời làm một số công trình thủy lợi. Ông làm nốt công trình ở Quỳnh Lưu rồi về quê nối nghiệp đông y gia truyền.

Đất nước mới ra khỏi chiến tranh. Dân nén lòng chia sẻ khó khăn với Đảng, Nhà nước. Năm 1979, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ trao cho gia đình mỗi người bị nạn một giấy ghi công, trong đó ghi rõ: “Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh tặng ghi công cho (tên, địa chỉ...) đã hy sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 03/01/1978”; cấp cho thân nhân người bị nạn 6 kg gạo/ tháng. Hiện nay, mỗi gia đình thân nhân được cấp 540.000 đồng/ tháng. Cát Văn – xã bị thiệt hại nhiều nhất về người được đầu tư xây một trạm bơm nước.

Trống trải, hoang lạnh

Khu vực công trình bị nạn đã được tỉnh tập trung chỉ đạo khắc phục sự cố, đưa công trình vào sử dụng. Bây giờ đến đây, khó mà tưởng tượng nổi hiện trường vụ tai nạn. Vùng này khá heo hút, ban đêm vẫn ít người dám qua lại vì ám ảnh vụ thảm họa hơn 40 năm trước.

Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Cảnh – người được phân công phụ trách vận hành cống, thương những thanh niên đã ra đi ở tuổi thanh xuân nên mua cái am nhỏ về dựng ở đây để thắp hương cho đỡ cô quạnh. Anh nói: “Giá như ở đây dựng được tấm bia để ghi công, tưởng niệm những người đã hy sinh cả tính mạng cho con kênh này thì rất tốt, để hoang lạnh thế này cũng thấy xót lòng”.

Ngày 09/6/2018, tỉnh tổ chức Lễ cầu siêu cho linh hồn những người đã hy sinh tại cống Hiệp Hòa.

UBND tỉnh cũng đã có quyết định giao cho Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện việc xây dựng bia ghi công, tuy nhiên đến nay công trình vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Kiến nghị

Để ghi công những người đã mất, cũng như phần nào xoa dịu nỗi đau những người còn sống, rất mong, các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương triển khai và đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình bia tưởng niệm.

Đối với một số anh chị em vì bị thương, không lập gia đình hoặc thân nhân của người đã mất, đặc biệt khó khăn cần được quan tâm, tạo cho họ có cuộc sống bằng bình quân cuộc sống của cộng đồng. Trước mắt là cấp cho họ Thẻ Bảo hiểm Y tế để có điều kiện chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh.

Hơn 40 năm qua, nước sông Lam vẫn hiền hòa, chảy qua cống Hiệp Hòa, về phía Diễn – Yên – Quỳnh, tưới cho 37 vạn hecta. Quê hương không lãng quên và các thế hệ mai sau mãi ghi ơn các anh chị em. Đừng để nguyện vọng chính đáng của mỗi người dân tiếp tục rơi vào sự im lặng. Hãy làm cho người dân chút nhẹ lòng trong đời sống tâm linh, tri ân với những người đã khuất.

Anh Đặng