Chưa khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế qua nhiều năm
Phản ánh những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài sản công, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho rằng, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị về quản lý, sử dụng tài sản công chưa cao. Việc cập nhật, phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chưa kịp thời. Quá trình thanh lý tài sản là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp để đầu tư xây dựng mới còn nhiều bất cập, nhất là đối với những tài sản có giá trị do quy trình thanh lý mất nhiều thời gian, không kịp thời cho việc xử lý tài sản. Đại biểu cũng cho biết, việc quản lý đất công, nhà công chưa chặt chẽ vì tổ chức, cá nhân, người lấn chiếm, sử dụng sai mục đích chậm được xem xét, xử lý theo quy định. Hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa được quan tâm đúng mức. Liên quan tới lãng phí trong lĩnh vực mua sắm công, đây là nội dung đáng quan tâm, nhất là những sai phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch thời gian vừa qua. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và khách quan từ cơ chế, chính sách, pháp luật để có giải pháp khắc phục triệt để.
Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai, đại biểu tỉnh Đắk Nông nhận thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, dễ làm phát sinh tiêu cực, lãng phí, sai phạm… Thực tế thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai ở nhiều nơi trên cả nước, nhiều lãnh đạo các cấp đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố. Nếu không tháo gỡ kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tháo gỡ những nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách cho vấn đề này.
Dẫn ví dụ cụ thể liên quan đến vụ vi phạm trong đấu thầu, mua sắm tập trung của công ty Việt Á gây bức xúc trong dư luận xã hội và Nhân dân, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, vụ Việt Á không chỉ dừng ở việc gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công mà còn làm thất thoát, lãng phí loại tài sản khác có giá trị quý giá, quan trọng hơn: “Lãng phí niềm tin của Nhân dân”. Qua vụ việc này, đại biểu tỉnh Trà Vinh đặt câu hỏi: Phải chăng quy định của pháp luật còn kẽ hở, dễ bị lợi dụng hay quy định pháp luật còn thiếu tính răn đe dẫn đến hàng loạt cán bộ y tế vi phạm? Thực tế, các cán bộ liên đới trong vụ Việt Á ở nhiều địa phương khác nhau và cả ở trung ương, nhưng có sai phạm giống nhau. "Nếu thực sự như thế thì ngoài ngành y còn bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác? - đại biểu Trần Quốc Tuấn hỏi. Vì thế, rất cần làm rõ công ty Việt Á là ai? Tại sao lại có quyền lực chi phối và sức ảnh hưởng lớn như vậy? Quốc hội, Chính phủ khẩn trương rà soát, chỉnh sửa các quy định của pháp luật liên quan. Cử tri cả nước đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong phát hiện, xử lý hàng loạt cán bộ tha hóa, biến chất liên quan đến vụ Việt Á. Chính sự quyết liệt này đã góp phần củng cố lại được niềm tin của Nhân dân. Song, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, "giá như không để xảy ra những vụ việc đau lòng như thế để không làm lãng phí niềm tin của Nhân dân".
Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế
Thống nhất với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 được nêu trong báo cáo của Chính phủ, song một số ĐBQH đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với chế tài đủ mạnh nhằm cảnh tỉnh và đủ sức răn đe sẽ giúp chống thất thoát, lãng phí các nguồn lực của đất nước từ sớm, từ xa, nhất là đối với đội ngũ cán bộ.
Và việc hoàn thiện thể chế này, theo ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), cần sát thực tế nhằm phát huy được các nguồn lực. Đơn cử, theo quy định tại khoản 3, Điều 54 Luật Nhà ở năm 2014 và khoản 2, Điều 6 Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê; sau thời hạn tối thiểu 5 năm, nếu không có người thuê thì mới được bán nhà. Trong khi đó, tại đô thị loại II, loại III thì nhu cầu người thuê nhà ở xã hội rất thấp. Thực tế thí điểm nhà ở xã hội tại Hà Tĩnh cho thấy còn khoảng 80 căn hộ cho thuê nhưng không có người thuê, trong khi có đến 350 đơn xin mua nhưng không được mua (?). Nêu thực tế này, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng "đây cũng là sự lãng phí lớn".
Cũng liên quan đến quy định pháp luật, đại biểu Trần Đình Gia nêu thực tế một số quy định về định mức, tiêu chuẩn được ban hành lâu, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa được rà soát và điều chỉnh kịp thời. Trong báo cáo có nêu 60% các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của chúng ta đã phù hợp với quốc tế và khu vực, nhưng vẫn còn cao so với thực tế. Chi phí đầu tư giữa một công trình công và một công trình tư chênh lệch rất cao. Qua đó cho thấy, "chi phí gián tiếp quá lớn và đây cũng là một sự lãng phí, là chỗ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng".
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần gắn chặt chẽ với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm”. Khẳng định quan điểm này, ĐBQH Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) đề nghị, Chính phủ cần khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế về phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tiêu cực. Cùng với đó, cần khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán… Đây sẽ là những tiền đề, cơ sở rất quan trọng để thực hành tốt công tác tiết kiệm, chống lãng phí gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả hơn.
Nhật An