Đưa sản phẩm OCOP Nam Đàn ngày một vươn xa
Để góp phần lưu giữ và lan tỏa sản phẩm mang đặc trưng của quê hương, nhiều hộ dân ở huyện Nam Đàn vẫn truyền nối nghề làm tương từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong đó có sản phẩm tương thương hiệu “Sa Nam Hương Dương” của Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và chế biến tương Sa Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP “4 sao” vào năm 2019, đồng thời được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Chị Hồ Thị Hương – Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và chế biến tương Sa Nam Hương Dương chia sẻ: Trước đây, khâu chế biến cơ bản bằng kinh nghiệm truyền thống, nhưng khi đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, cơ sở đã nghiên cứu, đầu tư để nâng cao chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chú trọng về bao bì, nhãn mác, có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Tương Sa Nam theo đó cũng lan tỏa sâu rộng với lượng tiêu thụ gấp 2 – 3 lần so với trước đây; không chỉ tiêu thụ nội địa tỉnh mà lan tỏa đi nhiều tỉnh, thành khác và thời gian tới sẽ đi vào các siêu thị.Khác với sản phẩm OCOP tương Sa Nam được xây dựng trên cơ sở đặc sản truyền thống của địa phương, các sản phẩm OCOP từ sen lại được xây dựng, phát triển bắt đầu từ cây sen được trồng trên quê Bác. Từ chỉ giống sen hồng bản địa thuộc dòng sen cổ màu hồng sọc tím với diện tích khiêm tốn tại xã Kim Liên, đến nay trên địa bàn huyện Nam Đàn đã có 27 giống sen thuộc dòng sen trắng và hồng với tổng diện tích hơn 50 ha tại các xã: Nam Giang, Nam Anh, Nam Thanh, Thượng Tân Lộc, Khánh Sơn… Sen quê Bác không chỉ tạo điểm nhấn về cảnh quan, không gian văn hóa làng quê mà từ cây sen, thông qua Hợp tác xã Sen Quê Bác đã xây dựng thành 15 sản phẩm từ sen, trong đó có 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP “4 sao” và “3 sao” phục vụ nhu cầu, thị hiếu của người dân, nhất là khách du lịch.
Hiện tại, các sản phẩm trà lá sen; trà ướp bông sen; trà liên tu; trà ướp gạo sen; trà tâm sen; trà bạch liên nữ vương; hạt sen sấy của Hợp tác xã Sen Quê Bác được khách hàng ở hầu hết khắp tỉnh, thành trong cả nước đặt mua sử dụng. Đặc biệt, năm 2020, các sản phẩm OCOP sen quê Bác đã có mặt tại thị trường Hàn Quốc thông qua doanh nghiệp phân phối Hàn Quốc. Theo anh Phạm Kim Tiến – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sen Quê Bác, thì “tham vọng” của Hợp tác xã sẽ đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới.Ngoài 2 sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương nêu trên, hiện nay huyện Nam Đàn có tổng 73 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ “3 sao” đến “4 sao” – dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP ở huyện Nam Đàn được xây dựng và phát triển theo 2 nhóm: Nhóm các sản phẩm truyền thống của địa phương; Nhóm trên cơ sở khai thác các nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn là nhóm có nhiều sản phẩm nhất, như các sản phẩm từ sen quê Bác, từ sắn dây, quả chanh trên dãy núi Thiên Nhẫn, các sản phẩm giò me, gà ủ muối, mật ong, gạo lứt, miến gạo… Phân chia theo nhóm sử dụng, gồm nhóm thực phẩm, nhóm thảo dược, nhóm đồ uống; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn; nhóm đồ lưu niệm, nội thất, trang trí…
Nam Đàn hiện vẫn đang là huyện nông nghiệp. Những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cùng với sự năng động, thích ứng nhu cầu của thị trường của người dân, kinh tế nông nghiệp của huyện đã có nhiều khởi sắc theo hướng hàng hóa. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng phát triển đa dạng. Đây là cơ sở quan trọng để huyện triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP theo chủ trương chung của Chính phủ và Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030.Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, với nhận thức sản phẩm OCOP là “thương hiệu” của địa phương, gắn với xây dựng sản phẩm du lịch; xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP nhằm đảm bảo thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nâng cao thu nhập cho người dân, nên huyện chỉ đạo rất quyết liệt, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhất là các xã chưa có sản phẩm phải xây dựng bằng được và có sản phẩm.
Huyện yêu cầu các địa phương trong quá trình chỉ đạo phải cân nhắc, lựa chọn thận trọng sản phẩm để xây dựng trên cơ sở đề xuất của các chủ thể sản phẩm, tránh tư tưởng chạy theo phong trào hoặc làm “cho có”. Ngoài trách nhiệm của các chủ thể sản xuất sản phẩm, các đơn vị chuyên môn cấp huyện và xã cùng vào cuộc để hỗ trợ hoàn thiện các chu trình, tiêu chuẩn của sản phẩm. Các sản phẩm được lựa chọn đưa vào lộ trình xây dựng sản phẩm OCOP là những sản phẩm chủ lực, có thương hiệu và thị trường tiêu thụ trên địa bàn huyện, trên cơ sở đó lan tỏa ra thị trường ngoài huyện, ngoài tỉnh. Bằng chỉ đạo đó, hiện nay đã có 19/19 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP với tổng 73 sản phẩm.Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cũng cho biết, trong định hướng phát triển sản phẩm OCOP của huyện Nam Đàn được gắn với phát triển du lịch, cho nên thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các điểm du lịch, dịch vụ trên địa bàn; đồng thời tăng cường quảng bá, kết nối, đưa sản phẩm lan tỏa trên phạm vi cả nước và vươn ra thị trường thế giới thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ thương mại, triển lãm; quảng bá trên các phương tiện thông tin, các trang điện tử…
Đồng thời, tiếp tục phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, trong đó chú trọng các sản phẩm có tiềm năng phục vụ tốt cho du lịch, tạo sự cộng hưởng để hoàn thành mục tiêu đưa Nam Đàn đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch vào năm 2025.