Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Duy Ngoãn)

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao việc Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và Sở Du lịch phối hợp tổ chức Hội nghị đánh giá 03 năm thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, chủ động tham mưu các giải pháp phát triển du lịch miền Tây Nghệ An theo tinh thần Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cách làm mới, khi một Ban của HĐND tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh tổ chức Hội nghị mang tính chất chuyên ngành để đánh giá việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, đưa ra các giải pháp để phát triển ngành, lĩnh vực.

Thực trạng phát triển du lịch vùng miền Tây Nghệ An

Những năm gần đây, nhất là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch miền Tây Nghệ An đã có bước phát triển đáng ghi nhận như: về cơ sở vật chất, đã xây dựng được nhiều khách sạn, homestay tại nhiều địa phương; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch; đã và đang hình thành, đưa vào hoạt động nhiều điểm du lịch, trong đó một số điểm du lịch được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, du khách nước ngoài biết đến, trải nghiệm, như bản Nưa (xã Yên Khê), Bản Xiềng (xã Môn Sơn), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) huyện Con Cuông; bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu), xã Mường Lống 1 (huyện Kỳ Sơn),... Chính sách phát triển du lịch theo Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND đã được các địa phương, ngành du lịch phát huy khá hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện vùng miền Tây Nghệ An.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long tìm hiểu thực tế tình hình thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. (Ảnh: Trần Duy Ngoãn)

Cạnh đó, du lịch miền Tây Nghệ An vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Sản phẩm du lịch đã cải thiện nhưng chưa có bước đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu lớn và đặc trưng cho du lịch Nghệ An. Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng chủ yếu còn ở mức tự phát, thử nghiệm, thiếu quy hoạch tổng thể. Kết cấu hạ tầng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch. Liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương với các doanh nghiệp còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND còn mang tính chất nhỏ lẻ, phân tán.

Nhận diện đúng khó khăn, tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển du lịch

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, muốn có bước phát triển tiếp theo, trước hết cần nhận diện đúng về tiềm năng, lợi thế, cũng như những khó khăn trước mắt và lâu dài để phát triển du lịch miền Tây Nghệ An.

Về khó khăn, đó là địa hình trải rộng, chia cắt, ảnh hưởng lớn của thiên tai hàng năm; khí hậu khắc nghiệt; trình độ dân trí, nhân lực làm du lịch chưa đáp ứng; nguồn kinh phí đầu tư cho du lịch chưa tương xứng…

Về tiềm năng, miền Tây Nghệ An đang là vùng đất nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch. Địa hình trải rộng, chia cắt thành nhiều vùng miền, nhiều dân tộc… tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú, sự đa dạng của các tiểu vùng khí hậu, sự kỳ vĩ của thiên nhiên, núi rừng, sông suối…. Miền Tây Nghệ An cũng là miền của các lễ hội văn hóa giàu bản sắc, với rất nhiều lễ hội: Lễ hội Đền Chín gian (Quế Phong), Lễ hội Đền Cửa Rào (Tương Dương), Lễ hội Làng Vạc (Nghĩa Đàn), Lễ hội Thẩm Bua (Quỳ Châu), Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn)….

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trung Khánh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long khảo sát các điểm du lịch ở miền Tây Nghệ An. (Ảnh: Trần Duy Ngoãn)

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những định hướng lớn cho phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An nói chung, cho ngành du lịch nói riêng: Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Khóa XVIII cũng đã có những định hướng cụ thể về nhiệm vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây là những chủ trương, định hướng hết sức thuận lợi cho miền Tây Nghệ An.

Động lực mới từ khát vọng, trách nhiệm và chính sách khả thi

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh từ thực tiễn phát triển du lịch vùng miền Tây Nghệ An thời gian qua, trên tinh thần Chỉ thị số 08/CT-TTg, cần có cách tiếp cận chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể Nhà nước, doanh nghiệp, người dân theo tinh thần: Động lực từ tư duy đổi mới - Nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân - Hỗ trợ, định hướng, quản lý của Nhà nước.

Từ Hội nghị này, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị: Từ kết quả đạt được và kinh nghiệm sau 03 năm thực hiện Nghị quyét 07/ HĐND; trên cơ sở các ý kiến của cơ quan quản lý cấp bộ, lãnh đạo các địa phương, của các chuyên gia và của các doanh nghiệp đang trực tiếp làm du lịch miền Tây Nghệ An, ngành du lịch khẩn trương tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh một Nghị quyết mới thực sự đủ mạnh theo tinh thần Chỉ thị số 08/CT-TTg, góp phần giải quyết được những rào cản, khơi thông cho phát triển du lịch miền Tây Nghệ An. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Ban Tổ chức Hội nghị quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, đánh giá lại các chính sách hỗ trợ được quy định tại Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới cho phù hợp hơn theo hướng hỗ trợ tập trung đúng đối tượng, địa bàn, đúng nội dung, có trọng điểm chứ không dàn trải, thiếu hiệu quả.

Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia và lãnh đạo tỉnh, huyện Kỳ Sơn khảo sát mô hình trồng dược liệu tại xã Mường Lống (Kỳ Sơn). (Ảnh: Trần Duy Ngoãn)

Thứ hai, cần tiến hành xác định, quy hoạch “Một cung đường- nhiều điểm đến” là những cung đường nào? Trên cung đường đó cần xây dựng những điểm đến, điểm dừng cụ thể nào? Từ đó, căn cứ vào nguồn lực, điều kiện thực tiễn để Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng điểm đến, điểm dừng chân phù hợp với cung đường, cảnh quan. Tại các điểm dừng chân trên cung đường nên gắn với việc giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tư vấn cho du khách về cung đường, điểm đến tiếp theo…Nên chủ động phối hợp với một số tỉnh bạn, nước bạn để có hướng phối hợp mở rộng không gian liên kết du lịch, xây dựng cung đường liên tỉnh, xuyên biên giới; kết nối điểm đến giữa các tỉnh, giữa Nghệ An với một số tỉnh của nước bạn Lào, Thái Lan… Cạnh đó, cần quan tâm công tác quy hoạch chi tiết tại các điểm đến, đảm bảo vừa có sự phong phú các sản phẩm du lịch, sự tham gia của cộng đồng, vừa giữ gìn được vẻ đẹp của thiên nhiên, đảm bảo vệ sinh môi trường…

Thứ ba, xác định đúng, trúng bản sắc văn hoá truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản) của mỗi địa phương, mỗi di tích lịch sử văn hoá. Khai thác những câu chuyện, huyền thoại ở đó để tăng thêm sự phong phú, hấp dẫn khi trải nghiệm của du khách. Nên chăng, ngành Du lịch có thể tổ chức một cuộc cuộc thi (qua gửi clip dự thi) “Giới thiệu nét đẹp của bản làng tôi”, “Giới thiệu điểm đến giúp bạn”…, để quảng bá về địa phương, điểm du lịch của địa phương. Cần có chiến lược truyền thông dựa trên nền tảng số. Khuyến khích mọi người đều quảng bá cho nét đẹp, điểm đến của quê mình và phát huy sự lan toả, quảng bá từ du khách, từ những người có ảnh hưởng sâu rộng trên trang mạng xã hội…

Thứ tư, phát triển du lịch trên cơ sở vừa đảm bảo sự giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tính nguyên sơ, nguyên vẹn của cảnh quan môi trường, sông suối… vừa mang tính hiện đại, tiện nghi, tính riêng tư, đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng du khách. Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp kinh doanh cần quan tâm, đảm bảo sự hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, của mỗi người dân trên địa bàn có điểm đến; phát huy tốt hơn nữa vai trò, tiềm lực kinh tế, tính sáng tạo, chủ động, tích cực của người dân địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng.

Thứ năm, tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, có trách nhiệm giữa các ngành liên quan cấp tỉnh, các địa phương từ huyện tới cơ sở trong triển khai các chủ trương, chính sách phát triển du lịch công đồng. Chính quyền, thông qua đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các cấp cần làm tốt hơn nữa vai trò phổ biến, vận động doanh nghiệp, người dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách, hỗ trợ kịp thời các chính sách khuyến khích phát triển; vừa cần là người đồng hành, hướng dẫn, giải quyết kịp thời mọi vướng mắc, khó khăn; vừa là người tuyên truyền, quảng bá cho du lịch miền Tây. Và cần nhất là từ trách nhiệm, tâm huyết, sáng tạo, sự tận tuỵ của mỗi cán bộ, công chức theo lĩnh vực của mình, mỗi doanh nghiệp, người dân được truyền thêm khát vọng, niềm tin, thêm điều kiện mới về cơ chế chính sách để dốc sức thực hiện thành công các dự án, chương trình, việc làm bền bỉ, thiết thực cho sự phát triển của du lịch vùng miền Tây Nghệ An, cho mục tiêu dân giàu nước mạnh./.