Kính thưa đồng chí Thượng tướng Trần Quang Phương, UV BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội;
Kính thưa các đồng chí chủ trì Hội thảo;
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Thực hiện sự phân công của Ban Tổ chức Hội thảo, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An trình bày tham luận một số nội dung về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân như sau:
I. Cơ bản nhất trí với nội dung với dự thảo Tờ trình và Đề cương chi tiết hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 mà Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập đã tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh trình Hội thảo.
Trong thời gian qua, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND" là căn cứ quan trọng để HĐND, đại biểu HĐND các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo và các bước để trình thông qua Luật sửa đổi; đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 và ban hành nghị quyết mới hướng dẫn thực hiện sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực.
II. Một số đề xuất cụ thể vào dự thảo Tờ trình và Đề cương chi tiết hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
1. Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về hoạt động khảo sát của HĐND vì khảo sát, thu thập thông tin, số liệu là căn cứ, tiền đề quan trọng trong hoạt động của HĐND trước khi tiến hành xây dựng danh mục, thẩm tra các nghị quyết; lựa chọn nội dung, chuyên đề giải trình, chất vấn, trả lời chất vấn và các hoạt động khác thuộc thẩm quyền.
2. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn chủ thể, đối tượng, hình thức, nội dung giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp của Thường trực HĐND; chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND để bảo đảm tính phù hợp, hài hoà của các hoạt động này. Về đối tượng giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn, ngoài Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND các cấp như hiện nay, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối tượng là Thủ trưởng các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn và Chủ tịch UBND các cấp ở địa phương.
3. Đề nghị bổ sung quy định cụ thể trong điều hoà hoạt động giám sát để bảo đảm tính liên thông, mối quan hệ trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội cấp tỉnh với hoạt động giám sát của HĐND; hạn chế tối đa việc bỏ trống hoặc trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng, thời gian, địa điểm của hoạt động giám sát nói chung và giám sát chuyên đề nói riêng.
4. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang có hiệu lực, HĐND cấp tỉnh/cấp huyện không phải là cơ quan cấp trên trực tiếp của HĐND cấp huyện/cấp xã. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND, Thường trực HĐND cấp tỉnh/cấp huyện trong giám sát hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND cấp huyện/cấp xã trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
5. Theo quy định hiện nay, HĐND cấp tỉnh không trực tiếp bầu các chức danh Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự cùng cấp; tuy nhiên, các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh đều có nội dung xem xét báo cáo kết quả hoạt động của 3 cơ quan này. Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm của HĐND tỉnh đối với 3 chức danh nói trên.
6. Theo quy định hiện hành, chương trình giám sát hàng năm của HĐND phải được thông qua tại kỳ họp thường lệ của HĐND giữa năm trước đó. Tuy nhiên, trên thực tế chương trình giám sát hàng năm của HĐND thường phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, nhất là để tránh trùng lặp với hoạt động giám sát như đã nêu tại Mục II.3; do đó, đề nghị nghiên cứu quy định HĐND giao Thường trực HĐND thẩm quyền sửa đổi chương trình giám sát của HĐND để thực hiện và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
7. Về một số câu từ tại các điều khoản của dự thảo
a) Tại khoản 4 Điều 1:
+ Đề nghị bỏ ý thứ 2: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi nghị quyết mà mình đã ban hành đến Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký văn bản” vì nội dung này đã được quy định tại ý thứ nhất.
+ Đề nghị bổ sung cụm từ “quy phạm pháp luật” vào sau từ “nghị quyết”; cụm từ “đại biểu Hội đồng nhân dân” sau cụm từ “Ban của Hội đồng nhân dân” để phù hợp quy định của khoản 1 Điều 164 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
+ Đề nghị sửa thời điểm gửi nghị quyết của HĐND các cấp lên cấp trên là “chậm nhất 10 ngày kể từ ngày bế mạc kỳ họp” để phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 86 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
b) Tại các khoản 52, 59 của Điều 1:
+ Đề nghị sửa đổi quy định tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân theo “thứ tự ưu tiên” cho thống nhất với tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội quy định tại khoản 14 của Điều này. Đồng thời, cụ thể hoá tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát gắn với “thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm đã được đề ra, tình hình thực tế của đất nước, của địa phương”.
- Tại khoản 70 Điều 1: Đề nghị sửa cụm từ “Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” thành “Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp” nhằm quy định trách nhiệm tăng cường cả HĐND các cấp, thay vì chỉ HĐND cấp tỉnh trong ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.
c) Về phương án sửa đổi, bổ sung quy định của các luật tại Điều 2:
Đề nghị nghiên cứu Phương án 1: "Sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng viện dẫn thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để tránh trùng lặp, không thống nhất giữa các luật" để phù hợp với khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định văn bản QPPL phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung quy định trong văn bản QPPL khác.
Kính thưa các vị đại biểu!
Trên đây là một số ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An góp ý vào dự thảo Tờ trình của Hội đồng Dân tộc và dự thảo Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Xin kính chúc các quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc.
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!