bna-img-4643-9004.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo

...

Trong thời gian qua các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã cố gắng, nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đạt được một số kết quả:

- Dịch vụ công trực tuyến là điểm mạnh đáng ghi nhận của tỉnh, các biến được bổ sung mới trong năm 2021 của tỉnh được đánh giá cao: Tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, đứng thứ hạng 11/63 (tỷ lệ 65,2%); Thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm thời gian đứng thứ 9/63 (tỷ lệ 66,5%); Thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp đứng thứ 11/63 (tỷ lệ 64,6%)...

- Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được đánh giá tốt đứng thứ 9/63 trong các tỉnh thành phố: Miễn, giảm chi phí đào tạo nghề cho người lao động dễ thực hiện; Giải đáp hiệu quả các vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA); Tỷ lệ nhà cung cấp dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cao...

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta còn một số tồn tại hạn chế, nhất là việc cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, cụ thể như sau:

Một là, lĩnh vực cạnh tranh bình đẳng là lĩnh vực đáng chú ý nhất trong bảng xếp hạng năm 2021, tỉnh có thứ hạng áp chót với các chỉ tiêu đều bị đánh giá thấp (thứ 58 đến thứ 61 của cả nước); điều này thể hiện rằng đa số doanh nghiệp cho rằng tỉnh dành ưu ái, các đặc quyền đặc lợi cho các doanh nghiệp lớn.

Hai là, tính năng động tiên phong của chính quyền các cấp của Tỉnh trong đảm bảo sự ổn định, nhất quán của môi trường kinh doanh cũng như việc thực hiện các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh còn thấp.

Điểm số về thực hiện thủ tục hành chính còn thấp so với bình quân của cả nước, thời gian rút ngắn thủ tục hành chính so với quy định thì lại có điểm số kém. Một số nơi có tư tưởng làm xong việc chưa phải làm tốt việc, làm nhanh việc và sự thân thiện của cán bộ, công chức nhà nước. Điều này thể hiện cán bộ của chúng ta đang làm tròn nhiệm vụ, mà chưa nỗ lực để đạt được kỳ vọng của doanh nghiệp..

Trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp còn tồn tại tình trạng tham mưu chung chung, né tránh đùn đẩy trách nhiệm lên UBND tỉnh.

Ba là, các lĩnh vực “Chi phí không chính thức” bao gồm: Chi phí không chính thức về thủ tục và chi phí không chính thức cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ ở 1 số ngành địa phương; “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” để doanh nghiệp tin tưởng vào cơ quan thực thi pháp luật để giải quyết khó khăn, tranh chấp vốn đã có thứ hạng thấp từ các năm trước chưa được cải thiện, năm 2021 còn giảm điểm thêm khiến cho thứ hạng càng xuống thấp.

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện chỉ số PCI không đơn giản là cải thiện thứ bậc để so sánh với các địa phương, mà chúng ta cần nhìn vào thực tế, coi cải thiện chỉ số PCI là mục tiêu và động lực để tỉnh Nghệ An thay đổi, tiến bộ hơn về năng lực điều hành, tính năng động của chính quyền các cấp. Để làm được điều đó, tôi mong mỗi cơ quan, mỗi địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính quyền phải tự ý thức nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phụng sự người dân, doanh nghiệp; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi, là động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Người đứng đầu mỗi sở, ban, ngành, địa phương phải gắn trách nhiệm của sở mình, ngành mình, địa phương mình trong nỗ lực cải thiện chỉ số PCI; Lãnh đạo tỉnh sẽ dùng kết quả đạt được của từng chỉ số thành phần của chỉ số PCI làm một trong những căn cứ đánh giá xếp loại thi đua của từng cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, trong thời gian tới đề nghị các sở, ngành và địa phương cần nghiêm túc, quyết liệt triển khai 06 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức “tư tưởng có thông thì mới làm được mọi việc”, tập trung vào những tồn tại, hạn chế và các giải pháp thực hiện, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức phải hiểu và phải "thuộc bài" về PCI, sau đó là doanh nghiệp, người dân phải có hiểu biết, nhận thức được tầm quan trọng của PCI để từ đó nâng cao nhận thức PCI toàn xã hội.

Hai là, tập trung cao để cải thiện các chỉ số thành phần mà tỉnh đang yếu, đang giảm hoặc đang dừng ở thứ hạng thấp, gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính năng động của chính quyền địa phương, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; đồng thời tiếp tục cải thiện tăng các chỉ số thành phần: Tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí thời gian. Phấn đấu không có chỉ số có điểm số dưới trung vị của cả nước.

Yêu cầu các sở, ngành làm đầu mối chủ trì phải khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng chỉ số một, chỉ số nào giảm điểm cần tập trung cao, chỉ số nào đã tốt phải tiếp tục duy trì và làm tốt hơn nữa. Kế hoạch xây dựng phải có tầm nhìn dài hạn, không chỉ trong một năm mà phải nhiều năm, duy trì thói quen thực hiện PCI thường niên để tạo ra những thay đổi lâu dài.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung chuyển đổi số, thúc đẩy chính quyền số, chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09 ngày 05/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 586 ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh. Tập trung rà soát để tăng số lượng các TTHC có thể thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, giảm để người dân, doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với cơ quan chính quyền; tăng tính thân thiện và cải cách mạnh chất lượng phục vụ của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp.

Bốn là, triển khai thực hiên hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng cơ chế, chính sách thực sự thuận lợi, sát thực tế để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của người dân. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành và địa phương phải quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương Chính quyền kiến tạo, phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp, đồng thời thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm, tác phong, lề lối làm việc; thái độ, văn hóa giao tiếp với người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức phải thực hiện với phương châm “nhanh - đúng - hiệu quả” trên tinh thần “hỗ trợ - lắng nghe - thấu hiểu - thân thiện - nhiệt tình”.

Năm là, xây dựng mối quan hệ thân thiện với doanh nghiệp để doanh nghiệp dám nói, dám chia sẻ với chính quyền những khó khăn, vướng mắc cũng như nhu cầu được hỗ trợ; tiếp nhận thông tin phản hồi từ doanh nghiệp một cách cầu thị; các cấp chính quyền cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe vướng mắc, giải đáp kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, người dân nhất là trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai,...

Sáu là, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cải thiện chỉ số PCI hàng quý, hàng năm. Đồng thời, lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, địa phương (DDCI) để nhìn nhận khách quan, định lượng những điểm yếu cần khắc phục trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

...