Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Nghệ An với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đồng hành, sẻ chia, cộng sự, phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan vì mục tiêu phát triển chung của tỉnh nhà.
Đề ra các chủ trương sát đúng
Trong năm 2022, HĐND tỉnh đã tổ chức 7 kỳ họp (gồm 2 kỳ họp thường lệ và 5 kỳ họp chuyên đề), thông qua 106 nghị quyết để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Đây là năm số lượng các kỳ họp chuyên đề nhiều nhất từ trước đến nay. Mặc dù yêu cầu thời gian chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp chuyên đề thường rất khẩn trương, song Thường trực, các ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức các kỳ họp bảo đảm đúng quy định, tiến độ thời gian và chất lượng.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. Ảnh tư liệu: T.D
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khẳng định phương châm luôn đổi mới, sáng tạo, đồng hành, sẻ chia, cộng sự, phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan vì mục tiêu phát triển chung của tỉnh nhà. Các kỳ họp chuyên đề được tổ chức giữa 2 kỳ họp thường lệ đã kịp thời đáp ứng tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh theo chủ trương của Trung ương, của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; hiện thực hoá các cơ chế, chính sách trong thời gian sớm nhất, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, bức xúc của doanh nghiệp và người dân.
Như đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, HĐND tỉnh đã xem xét đề xuất của UBND tỉnh thông qua nghị quyết quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xét nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này đã tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế, đáp ứng nhu cầu cấp bách của Nhân dân, góp phần vào việc cơ bản kiểm soát thành công dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tìm hiểu việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp do HĐND tỉnh ban hành tại huyện Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa
Các kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh trong năm 2022 cũng đã kịp thời thông qua nhiều nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức kế hoạch huy động, phân bổ, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vốn ngân sách nhà nước để thực hiện trên địa bàn tỉnh. Tiếp kỳ họp chuyên đề - Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội và Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, hàng loạt nghị quyết về chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư các công trình, dự án; chủ trương thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện các công trình, dự án được HĐND tỉnh xem xét, thông qua, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thu hút đầu tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, thúc đẩy việc triển khai các công trình, dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư của tỉnh.
Việc tổ chức các kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh được chính đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 vừa qua, đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề bức thiết, cấp bách từ thực tiễn liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác đối ngoại của tỉnh.
Việc tổ chức các kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề bức thiết, cấp bách từ thực tiễn liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế. Ảnh minh họa: Tư liệu
Bên cạnh tổ chức các kỳ họp chuyên đề, đồng chí Chu Đức Thái - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh cũng luôn đồng hành cùng UBND tỉnh và các ngành từ việc gợi mở đề xuất xây dựng nghị quyết mà thông qua hoạt động giám sát, lắng nghe tâm tư, kiến nghị, phản ánh của cử tri, HĐND tỉnh nhận thấy cần ban hành nghị quyết để giải quyết; đồng thời chủ động ngay từ khâu xây dựng, đi khảo sát thực tế và tiến hành thẩm tra để chính sách ban hành đảm bảo cơ sở pháp luật và phù hợp thực tế, góp phần đưa nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống.
Giải quyết nhiều vấn đề bức xúc từ thực tiễn
Năm 2022, nhiều hoạt động của HĐND tỉnh cũng thể hiện sự sát cánh cùng với các cấp, ngành trong giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, bức xúc trong thực tiễn đời sống xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình chia sẻ: Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm, được dư luận và Nhân dân đặc biệt quan tâm để vào cuộc, không vì khó mà né tránh và khi vào cuộc rồi thì phải phát hiện được những tồn tại, bất cập để cùng nhau tìm các biện pháp, giải pháp tháo gỡ thật hiệu quả...
Từ sâu sát cơ sở, đổi mới phương pháp, cách thức tiếp cận vấn đề thông qua nhiều kênh, Thường trực HĐND tỉnh đã nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn để HĐND tỉnh vào cuộc giám sát một số vấn đề tồn tại trong một thời gian dài hoặc các nhiệm vụ cần phải tác động mạnh hơn. Như giám sát chuyên đề về các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích; công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các công trình, dự án; công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Mai Hoa
Tương tự, hai phiên giải trình trong năm 2022 cũng được Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn nội dung được nhiều địa phương và cử tri quan tâm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện quy định một số giải pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành…
Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư, phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cũng được đổi mới với tinh thần tiếp thu được đầy đủ, kịp thời mọi ý kiến của cử tri và Nhân dân trong tỉnh, chứ không chờ đến kỳ tiếp xúc cử tri mới tiếp nhận. Qua đó, giúp các cấp, ngành vào cuộc xử lý ngay các vấn đề dân sinh bức xúc.
Để tiếp tục khẳng định rõ vai trò đồng hành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của tỉnh, năm 2023 HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động, cùng vào cuộc với các cấp, ngành trong xử lý các vấn đề vướng mắc, khó khăn thông qua các hoạt động của HĐND, Thường trực và các ban HĐND, các tổ và các đại biểu HĐND tỉnh. Trong đó, chú trọng đốc thúc các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các kiến nghị, đề xuất của HĐND tỉnh; quan tâm vào cuộc một số lĩnh vực liên quan đến việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; công tác cải cách hành chính; việc thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội do HĐND tỉnh ban hành…; góp phần thúc đẩy việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh trung tâm thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Lê Thắng
Mai Hoa